NSƯT Hữu Mười: “Sứ mệnh của nghệ thuật là vươn tới cái đẹp”
(Dân trí) - Đạo diễn- NSƯT Hữu Mười ôn lại kỷ niệm những ngày anh đóng vai thày giáo Thứ (trong phim <i>Làng Vũ Đại ngày ấy</i>), vai thày giáo Khang (trong phim <i>Bao giờ cho đến tháng 10</i>)… Những vai diễn nổi tiếng trong những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam.
Hữu Mười được biết đến với những vai diễn nổi tiếng trong những bộ phim điện ảnh xuất sắc như vai thày giáo Thứ (trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy), vai thày giáo Khang (trong phim Bao giờ cho đến tháng 10)… 30 năm đã trôi qua, nhớ lại quá khứ vàng son ấy- anh có tiếc nuối?
Cuộc sống là một dòng chảy bất tận, ta không thể đứng mãi một chỗ để tiếc nuối. Tôi cảm ơn đạo diễn Phạm Văn Khoa đã mời tôi đóng vai thày giáo Thứ trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy, cảm ơn đạo diễn Đặng Nhật Minh đã cho tôi vai giáo Khang trong Bao giờ cho đến tháng 10, để đến bây giờ, hai vai diễn ấy của tôi vẫn được nhắc nhớ mãi.
Đó là những kỷ niệm đẹp nhất trong đời diễn viên của tôi.
Với vai giáo Khang, anh đã đoạt Bông Sen Vàng cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP quốc gia lần thứ 7. Hay, đến bây giờ, khán giả vẫn gọi anh là… giáo Thứ, thay vì gọi tên thật. Đó hẳn là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời một diễn viên?
Tôi tham gia bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy năm 1982, đúng tròn 30 năm cho một vai diễn. Quả thực, đến bây giờ tôi đi đâu khán giả vẫn gọi là giáo Thứ. Ngày ấy, chúng tôi làm phim một cách say mê, nhiệt tình. Trong niềm đam mê, có sự nhẹ nhàng, thanh thản, không toan tính. Cứ có lệnh của đoàn làm phim là khoác ba lô lên đường. Chúng tôi ăn ở, sinh hoạt cùng người dân ở tại bối cảnh luôn, cứ ở đó từ khi phim bấm máy cho đến khi phim đóng máy mới được về.
Diễn viên thời ấy không có cát-sê như bây giờ. Chúng tôi ăn lương của hãng (hãng phim truyện VN-pv). Trước khi lên đường theo đoàn làm phim phải nhớ ra hàng gạo cắt tem gạo để nộp cho đoàn làm phim. Hoàn thành xong một vai diễn chỉ được nhận tiền bồi dưỡng vai, nếu là vai chính (xuất hiện trên 500-700m phim nhựa) sẽ nhận được khoảng 15-20 đồng.
Tiền ít, cuộc sống theo đoàn làm phim thiếu thốn, vất vả, nhưng quả thực, chúng tôi chỉ cần có được vai diễn là hăng hái lên đường. Chúng tôi sống với nghệ thuật đơn giản bằng tình yêu và niềm đam mê, nhiệt huyết.
Nếu xét về sự nổi tiếng của vai giáo Thứ, giáo Khang trong những bộ phim xuất sắc của điện ảnh thời ấy, anh xứng tầm của một… ngôi sao những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy, anh hẳn sẽ đắt “sô” với nhiều lời mời từ các đạo diễn?
Điện ảnh bây giờ không còn làm phim theo cách làm của Bao giờ cho đến tháng 10 hay Làng Vũ Đại ngày ấy. Bây giờ, người ta thích những bộ phim như Long ruồi, như Hello cô Ba… Những bộ phim được đo đếm bằng tiền, bằng doanh thu, chứ không đo đếm giản đơn bằng tình yêu và niềm đam mê nữa. Suy nghĩ của anh trước sự thay đổi của cả cơ cấu- hệ thống làm phim- sự thay đổi mang tính thời cuộc?
Tôi nghĩ, xã hội bây giờ khác xưa, cuộc sống khác xưa, vì nhiều lý do mà những bộ phim giải trí như Long ruồi, Hello cô Ba được sản xuất và chiếu rầm rộ ở các rạp. Các nhà làm phim cần tiền, họ phải bán được vé để xoay vòng vốn, bởi vậy, phim phải đặt nặng tính giải trí để phù hợp với thị trường.
Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng, sứ mệnh của nghệ thuật phải là vươn tới cái đẹp. Với bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào, giá trị chân-thiện-mỹ vẫn là những giá trị quan trọng nhất. Nói như nhà văn Doxtoiepki “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”.
Anh về công tác tại hãng phim truyện VN (nay là công ty cổ phần một thành viên phim truyện VN) từ năm 1977, tính ra đã 35 năm. 35 năm cho những biến đổi mang tính bước ngoặt, từ một hãng phim nhà nước đầu đàn, hãng phim truyện bước sang cổ phần hóa và gặp nhiều khó khăn… Đi cùng hãng suốt 35 năm, đã khi nào anh thấy nản lòng với nghệ thuật?
Anh bây giờ đã là một đạo diễn. Sẽ không bàn thêm về những chuyện làm phim của ngày hôm nay, hay những khó khăn tồn đọng ở hãng phim truyện. Chỉ xin hỏi, giả sử nếu bộ phim Mùi cỏ cháy của anh ra rạp lại không thể bán được vé… Liệu đó có phải là nỗi buồn?
Nhiệm vụ của chúng tôi khác với những hãng phim tư nhân. Nhiệm vụ của Mùi cỏ cháy khác với những phim giải trí câu khách… Tôi nghĩ việc này cũng không cần phải bàn cãi thêm. Bên cạnh những bộ phim giải trí, điện ảnh cần có những bộ phim lịch sử để quá khứ oai hùng luôn hiện hữu trong cuộc sống hiện tại. Chúng ta không được quên quá khứ ấy, không được quên những người đã ngã xuống, đã lấy máu xương mình để bảo vệ từng tấc đất quê mẹ.
Tôi nghĩ, nếu khán giả từ chối xem phim Mùi cỏ cháy, nếu khán giả từ chối xem phim lịch sử, người thiệt thòi chính là khán giả chứ không phải chúng tôi.