NSƯT Chí Trung “đối đầu” NSND Lê Khanh vì 4 cô gái
(Dân trí) - Để “bênh vực” thí sinh nữ, NSƯT Chí Trung đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm trái chiều với NSND Lê Khanh.
Trong đêm thi chủ đề Thoại kịch của Quyền Lực Ghế Nóng - bảng Nữ, vừa được phát sóng trên kênh VTV3, các nghệ sĩ đến từ sân khấu Hoàng Thái Thanh đã tái hiện lại trích đoạn 4 của vở kịch Bao giờ sông cạn do nghệ sĩ Ái Như làm đạo diễn.
Đây là vở kịch từng được NSƯT Hạnh Thúy chuyển thể vào năm 2009 từ truyện ngắn Dòng nhớ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Vở kịch là câu chuyện trữ tình khốc liệt của những con người miền sông nước.
Thông qua trích đoạn kịch này, 4 thí sinh gồm Tiến sĩ triết học Mai Diệu Anh, Thạc sĩ ngôn ngữ học Mộng Tuyền, Á hậu Trang Thảo và giảng viên đại học Phan Tường Yên đã có những góc nhìn thú vị về thân phận người phụ nữ xưa và nay.
Nội dung vở kịch Bao giờ sông cạn xoay quanh câu chuyện bà Hai (Ái Như) từng trải qua nỗi đau mất chồng ở chính dòng sông nơi bà gắn bó. Niềm an ủi duy nhất của bà là cậu con trai tên Chờ (Đoàn Thanh Tài). Vì đứa con trai duy nhất, bà Hai và người em chồng là chú Út (Thế Hải) đã bỏ nghề sông nước lên bờ sinh sống để Chờ được đi học như bạn bè cùng trang lứa.
Mong muốn của gia đình là Chờ cưới Mai (NSƯT Tuyết Thu) như lời hẹn ước của bà Hai với người bạn ân nhân năm xưa, nhưng trớ trêu là Chờ chỉ coi Mai như chị gái, còn trái tim anh đã trao cho Thà (Hoàng Vân Anh) - người đàn bà từng qua một đời chồng nhưng bị ruồng bỏ, phải một mình chèo chống, buôn bán xuôi ngược trên sông. Chờ thương và yêu Thà, cả hai sống chung với nhau trên chiếc ghe của Thà và cả hai hạnh phúc chờ đứa con sắp chào đời.
Do bà Hai định đoạt, Chờ bất lực phải cưới Mai nhưng ngay trong đêm tân hôn, Chờ đã bỏ xuống ghe vì hôm đó là ngày Thà sinh con. Cả hai đặt tên cho đứa con trai là Đợi và chèo thuyền đi xa để sống bên nhau, trong khi đó, Mai vẫn ở nhà vò võ chờ đợi và chăm sóc mẹ chồng già yếu. Cũng từ đây, bi kịch của cuộc đời những người trẻ bắt đầu.
Là thí sinh nữ duy nhất đến từ miền Bắc, khi xem vở kịch Nam Bộ, thí sinh Mai Diệu Anh đã phân tích: “Tôi thấy 3 người phụ nữ (bà Hai, Thà, Mai) chẳng ai có lỗi và họ đang làm đúng theo đạo của mình là làm thế nào để có được hạnh phúc. 3 người phụ nữ thì ai cũng thấy nhưng hình ảnh ám ảnh nhất với tôi là cái khăn. 3 người phụ nữ đều có cái khăn, chứng tỏ rằng mỗi người phụ nữ đều có bi kịch riêng và cần cái khăn để lau đi những dòng nước mắt của mình”.
Giám khảo NSND Lê Khanh cho biết: “Vở kịch có điều thú vị vì có nhiều nét đặc trưng, kết tinh tinh túy văn hóa vùng miền Tây Nam Bộ. Nhưng tôi trông chờ các bạn “xa nhà xa cửa” ngồi ghế nóng có thể nhìn thấy những điều hơn thế, nó đã hiện hữu rồi nhưng chỉ có điều chưa đi đến cùng thôi”.
Trái với NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung thốt lên: “Tôi nghiêng mình thán phục 4 bạn nữ vì tôi căng óc nghĩ các vấn đề mới đang là mở, các diễn viên sẽ thể hiện thế nào, nối cảm xúc ra sao thế mà các bạn đã bình như đúng rồi”.
Thông điệp trong “Bao giờ sông cạn” là câu chuyện không mới nhưng nỗi ám ảnh của những phận đời lại mang đến những day dứt, nỗi ám ảnh khôn nguôi cho người xem. Xuyên suốt trích đoạn kịch là những giọt nước mắt xót xa cho những phận đời lầm lũi miền sông nước.
Thí sinh Mộng Tuyền cho rằng vở bi kịch đã lấy rất nhiều nước mắt của khán giả, câu chuyện thân phận người phụ nữ đã cũ bởi từ thế kỷ 18, thi hào Nguyễn Du cũng đã từng viết nên câu “đau đớn thay phận đàn bà”. Vấn đề trong câu chuyện là bi kịch chung được gói gọn trong chữ “Tình” và sự xung đột của hệ tư tưởng “Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín”. Chờ chọn “Tình” thì vi phạm chữ “Hiếu”.
Sẽ có nhiều bạn trẻ trong thời đại này cho rằng tại sao người phụ nữ không bỏ đi tìm kiếm hạnh phúc mới nhưng nếu soi chiếu vào vở kịch này gần như không có sự lựa chọn khác. Vở kịch này cho cô thấy được trong mỗi người đều có 1 dòng sông đầy mất mát, tiếc nuối, lỡ làng và hãy tìm cách sống với nó bởi nó không thể cạn được.
Đánh giá về các thí sinh, NSND Lê Khanh ấn tượng với thí sinh Tường Yên khi ví cuộc đời là dòng sông và phải sống chung với nó, thí sinh Mộng Tuyền rất bản lĩnh khi tìm ra cái quan trọng là xử lý vấn đề nhưng tiếc là chưa chốt được giá trị.
Thí sinh Trang Thảo phát hiện ra điển hình chung của người phụ nữ là cam chịu nhưng chưa rút ra được điều gì, thí sinh Mai Diệu Anh đã làm được 1 điều khó là gọi ra được đối tác của giới là nam giới và cuối cùng là hãy sống là mình, trong chừng mực nào đó phải hy sinh nhất định để có được hạnh phúc.
Giám khảo NSƯT Chí Trung thừa nhận cá nhân mình không làm được những vở kịch như Bao giờ sông cạn vì anh không tin cuộc đời có những số phận nghiệt ngã như vậy nên rất nghiêng mình kính phục.
Phương Nhung
Ảnh: BTC