1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

NSND Lan Hương: Chúng tôi đang kìm hãm nhau!

"Làm theo cách của sân khấu phía Bắc hiện nay thì quả thực là khá cứng nhắc. Và còn điều này nữa, nếu tôi sai thì tôi phải xin lỗi tất cả, chúng tôi đang có sự kìm hãm nhau, không muốn để nhau phát triển", NSND Lan Hương tâm sự.

Sau mấy năm khổ công cùng kịch hình thể, chị đã được đưa đẩy môn nghệ thuật này đến đâu rồi?

 

Cái được nhất đến nay là ra ngoài đường đã có người hỏi: “Kịch hình thể là gì?”. Như vậy cũng đã tạm thành công rồi.

 

Giữa thời buổi giới trẻ đang cuốn vào những rock, hip-hop, breakdance... còn “cánh già” đã có các chương trình sân khấu truyền hình trực tiếp tận nơi thì kịch hình thể có vẻ lạc lõng?

 

Vấn đề chính là cách nghĩ của mọi người về kịch hình thể như là một loại hình nghệ thuật quá cao siêu hay trừu tượng, thực ra không phải như vậy. Ngay cả hip-hop, rock.. vẫn có thể xuất hiện trong tác phẩm của chúng tôi.

 

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng đưa kịch hình thể tới gần khán giả hơn. Vấn đề khó nhất đối với chúng tôi là phải thay đổi cách tư duy của khán giả. Hiện nay họ vẫn giữ thói quen không thật tập trung khi xem biểu diễn khiến họ không theo được mạch cảm xúc xuyên suốt của vở diễn. Vấn đề là làm thế nào thay đổi thói quen này của họ, muốn thế phải thu hút sự chú ý của họ trước đã.

 

Liệu đó có phải lý do chị chọn đề tài đồng tính, một vấn đề đang “hot” trên sân khấu và báo chí cho Steoman?

 

Tôi không nghĩ đến chuyện “hot” khi chọn làm về đồng tính. Đây chỉ là một đề tài có tính giáo dục được xây dựng trong quá trình hợp tác cùng một tổ chức nghệ thuật của Philipine, mà khi đã là giáo dục rồi thì không nhất định phải là đề tài “hot”. Đồng tính cũng đã được bàn cãi nhiều trên các diễn đàn thế giới, và đã được đưa vào thành một trong những môn học về giới tính và xã hội học. Chỉ có điều, giáo dục làm sao để người xem cảm thấy sự can thiệp không quá thô bạo.

 

Còn ý kiến cho rằng đồng tính hiện nay đang là một kiểu “mốt” thì tôi không đồng tình. Tôi cho rằng hiện nay chúng ta đang mở cửa nên vấn đề này được nhìn nhận và đề cập đến nhiều hơn, cởi mở hơn thôi. Trên thực tế, đồng tính đã có từ rất lâu rồi, nhưng nó bị giấu kín vì quan niệm xã hội lúc đó còn quá hà khắc.

 

Quan điểm cá nhân của chị về đồng tính?

 

Thú thực trước khi làm đề tài này thì tôi không ưa những người đồng tính lắm. Tôi có cảm giác có điều gì đó hơi bệnh hoạn. Nhưng sau khi tìm hiểu, tiếp xúc và quan tâm đến vấn đề, tôi đã thay đổi cách nhìn. Thực ra họ cũng là những người bình thường đáng được cảm thông.

 

So với thời “Tôi và chúng ta”, “Lời thề thứ 9”... của Lưu Quang Vũ với “thời đồng tính” hiện nay, lúc nào làm kịch khó hơn?

 

Thời điểm nào cũng có cái khó. Thời điểm đỉnh cao của kịch Lưu Quang Vũ là lúc chúng ta vừa mở cửa. Những vấn đề vốn dĩ không được đề cập đến được dịp bung ra cũng khiến khán giả bị cuốn hút.

 

Hơn nữa, thời điểm đó truyền hình, ca nhạc chưa nở rộ. Khán giả không bị nhiễu loạn thông tin như bây giờ. Đó cũng là may mắn cho thế hệ chúng tôi.

 

Thời điểm hiện nay không phải kịch không thể thu hút khán giả, vấn đề là chúng ta chọn thể tài nào. Đấy là trăn trở lớn nhất của những người làm sân khấu hiện nay.

 

Chọn thể tài nào để kéo khán giả quay lại nhà hát như ngày xưa, chúng tôi vẫn chưa tìm ra. Hiện nay những người làm biên kịch có thể nói là khá già cỗi và “lệch pha” so với cuộc sống đương đại.

 

Đấy có phải lỗi của những người làm sân khấu khi chưa kéo được những tác giả trẻ vào cuộc?

 

Cũng có thể! Hiện nay số lượng biên kịch “già” vẫn chiếm đa số. Tôi không nắm được tình hình đào tạo. Tôi chỉ có cảm giác bao nhiêu năm rồi chúng ta không đào tạo được nhà biên kịch nào.

 

Nhưng cũng có điều làm tôi băn khoăn: chúng ta đang loay hoay giữa những lựa chọn cho tiêu chí thương mại hay nghệ thuật. Trong khi đó các tác giả trẻ có thể có những góc nhìn mang hơi thở thời đại, nhưng sự nắm bắt về nghệ thuật thì họ chưa có.

 

Với sự thăng chức của NSND Lê Hùng (NSND Lê Hùng mới được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ), chị có nghĩ xu hướng nghệ thuật của Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ có nhiều mới lạ?

 

Đấy thực sự là mong muốn của tôi cũng như các nghệ sĩ trong Nhà hát. Không chỉ mong đợi ở anh Hùng, chúng tôi còn mong đợi ở nhiều cấp quản lý, các Bộ, ngành… tôi rất mong các cấp lãnh đạo có cái nhìn không cố chấp, phán xét sự việc công bằng hơn và ưu ái hơn.

 

Nói thật lòng, tôi cảm thấy có nhiều vị lãnh đạo vẫn phán xét sự việc bằng tư tưởng bảo thủ, hoặc đứng về góc độ bản thân mình cũng có, đó cũng là một trong những nguyên do làm cho sân khấu trì trệ. Các lãnh đạo cũng cần đặt nhiều lòng tin hơn vào sức sáng tạo của lớp trẻ.

 

Ngoài lý do trên, chị có cho rằng chính bản thân các nghệ sĩ phía Bắc hiện nay cũng đang tự kìm hãm sự phát triển của mình vì sự khô cứng đầy tính “hàn lâm”, đặc biệt trong khâu marketing sản phẩm?

 

Đứng từ góc độ cá nhân, tôi cũng không thật thích cách tiếp cận thị trường của cánh sân khấu trong Nam. Tôi cho rằng nếu quá buông lơi để chạy theo thị hiếu nhiều thì phần nghệ thuật không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

 

Nhưng làm theo cách của sân khấu phía Bắc hiện nay thì quả thực là khá cứng nhắc. Và có điều này, tôi cũng không biết đúng không, nếu tôi sai thì tôi phải xin lỗi tất cả, chúng tôi đang có sự kìm hãm nhau, không muốn để nhau phát triển.

 

Theo Hoàng Hường

Vietnamnet