NSND Doãn Hoàng Giang: Làm như say, yêu như điên

(Dân trí) - Đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng trông đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang chẳng khác một “tay chơi” với mũ lưỡi trai xùm xụp, tóc túm đuôi ngựa, quần bò bạc phếch. Nhưng “quái” một nỗi, em nào gặp cũng thích gọi... anh Giang.

Vở của anh sở dĩ đắt sô vì chạy theo thị hiếu khán giả, chọn đề tài “hot” như Người yêu tôi là hoa hậu, Ngủ  với tội phạm, Cõi tình...?

 

Tôi phản đối những người cứ nghĩ rằng vở mình cao cường lắm, không cần ăn khách, những người cho rằng vở của mình triết lý cao siêu, kén khách. Tôi ghét những người đó- đấy là những người nói phét. Ai cũng muốn ăn nho, nho cao không với tới được thì bảo nho xanh, không thèm ăn.

 

Một quyển sách không có độc giả  thì vẫn là quyển sách, một bài báo không có độc giả thì vẫn là bài báo. Nhưng thử hình dung xem, sân khấu mà không có khán giả thì sân khấu bị xoá sổ.

 

Sau “Cô gái ăn cắp” chuyển thể từ tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, “Làm đĩ” chuyển thể từ tiểu thuyết “Số đỏ”  của Vũ Trọng Phụng… và  bây giờ là “Những linh hồn thức” chuyển thể từ “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”, anh nghĩ sao khi người ta nói Doãn Hoàng Giang chỉ dựa vào những tác phẩm nổi tiếng để câu khách?

 

Ui giời, cuộc đời ấy mà, ai nói tôi cần dựa ấy là cái anh phét lác. Chẳng lẽ ông Nguyên Hồng, ông Vũ Trọng Phụng không đáng để cho tôi dựa? Đặng Thuỳ Trâm không đáng để tôi dựa? Tiểu thuyết của các ông ăn khách, nhật ký Đặng Thuỳ Trâm đang ăn khách, tội gì tôi không dựa? Tôi dựa vào chị ấy thì có gì mà xấu hổ? Chỉ trừ khi anh dựa vào điều gì vớ vẩn, lăng nhăng chứ còn dựa vào Đặng Thuỳ Trâm thì tốt quá. Tôi thắp hương, tôi nhờ chị Trâm, giúp tôi cho khán giả đến xem nhiều, cho tài trợ nhiều để tôi làm cho thoả sức.

 

“Thằng chèo gian, dựng cải lương thành cải lang” là những từ người ta gán cho hành động phá phách chèo của anh. Nếu như tất cả các đạo diễn sân khấu đều giống anh thì phải có một bộ phận đi bảo tồn lại tính nghiêm túc của chèo, cải lương?

 

Tôi làm cái gì, phá cái gì nào? Các cụ có “Xuý Vân giả dại”, “Thị Màu lên chùa” – một con điên, một con lẳng lơ thì vẫn cứ đấy chứ tôi phá cái gì? Tôi chỉ tiếp nhận và làm mới chèo. Dân chèo gọi tôi là thằng phá chèo chẳng qua  vì họ không làm được. Còn tôi, tôi quan niệm rằng cha ông để lại một mẫu ruộng thì thế hệ mới phải làm thành một nghìn mẫu ruộng. Anh cứ cày xới trên một mẫu ruộng cũ tức là anh là thằng phản bội, đứa con hèn hạ, lười biếng. Thế hệ sau mà chỉ “khoe” thế hệ trước tức là thế hệ sau không có gì. Tôi dám nói: “Cha ông vì sinh trước chúng ta nên là cha ông, có cha ông ta yêu kính như thầy, có cha ông ta coi như bạn, có cha ông ta thờ phụng như vị thần, nhưng có cha ông ta phải ghét như kẻ thù vì phản bội như Lê Chiêu Thống”.

 

Đưa piano, violon, nhạc nhẹ... vào chèo đã là sự bạo gan, nay anh có ý đưa cả ô tô, máy bay vào tuồng thì... kinh quá?

 

Người ta đã gọi tôi là thằng chèo gian, dựng cải lương thành cải lang thì sao tôi không phá tuồng luôn cho đủ?

 

Thấy bảo, lúc nào trong tay anh chả có 5 – 6 kịch bản, liệu có khi nào anh nhận dựng vở anh không hề thích?

 

Nhiều chứ, tôi vốn là người cả nể, ít khi từ chối ai. Tôi cũng khổ sở về tính cả nể của mình. Nhiều khi cứ nghĩ, may mà tôi là đàn ông chứ nếu là đàn bà thì... chửa hoang cả đời.

 

Trước người đẹp anh có mềm lòng?

 

Tôi vẫn thường bảo mình là thằng dại gái và tôi thà dại gái còn hơn là khôn gái. Trước một người đẹp, nhất là người đẹp tôi yêu thì tôi phát điên, chỉ muốn lăn ra chết dưới chân cô ấy.

 

Xin cảm ơn anh!

 

Nguyễn Hằng