Ngày Sân khấu Việt Nam 2011:
NSND Đàm Liên nén đau diễn tuồng
(Dân trí) - Có mặt tại Huế nhân Ngày Sân khấu Việt Nam (12 tháng 8 Âm lịch) vào chiều 9/9, dù sức khỏe yếu nhưng NSND Đàm Liên đã cống hiến cho khán giả một phần trong trích đoạn vở tuồng gắn liền với tên tuổi của bà “Ông già cõng vợ đi xem hội”.
Dù đau nhưng NSND Đàm Liên vẫn cống hiến hết mình với khán giả hơn 30 phút các trích đoạn vở diễn đã mang đến thành công cho mình
Tại đây, bà đã kể lại nhiều kỷ niệm về cuộc đời dành hết cho tuồng, gửi lời thăm hỏi đến nhiều bậc lão thành của nghệ thuật sân khấu. Một câu hò về quê hương nghe da diết tận cõi lòng “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều” đã khiến cả hội trường không khỏi xúc động. Và bà đã tuôn rơi nước mắt vì bài hát nhớ về cha mẹ, mảnh đất nơi đã sinh mình ra với những văn hóa đã tích tụ để có được một Đàm Liên hôm nay.
“Người ta hay nói đi xem tuồng chứ không phải đi nghe tuồng. Tuồng trong bản thân nó là một ngành nghệ thuật tổng thể, khi biểu diễn phải kết hợp cả tay, chân, nét mặt và giọng điệu. Tôi nghĩ các bạn trẻ nên tìm hiểu sâu hơn về tuồng sẽ thấy một kho tàng văn hóa của cha ông rất đặc sắc. Tôi đến tuổi này rồi vẫn ngày ngày luyện tập và dạy cho nhiều lớp học tuồng với một tình yêu sâu đậm” - NSND Đàm Liên nói.
Ông Ngô Hòa, PCT thường trực UBND tỉnh TT-Huế (giữa) tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu TT-Huế (trái) và NSND Đàm Liên (phải) nhân ngày Sân khấu Việt Nam
Và bà đã tiếp tục diễn với giọng nói, cười “đậm chất” Đàm Liên trong vở hoàng tử giả say, cô gái giả điên... Người xem như lắng lòng mình lại với sự thể hiện đến cháy bỏng của một người nghệ nhân trọn tình yêu với tuồng dù thời gian càng đi qua, tuồng càng ít được lớp trẻ biết đến cùng những khó khăn ngày càng chồng chất trên đôi vai nghệ sĩ tuồng trong cuộc sống hiện đại. Chỉ có đam mê mới có thể giúp nghệ sĩ đứng vững với nghề và truyền ngọn lửa tuồng cho con cháu.
NSND Đàm Liên thể hiện một điệu hò da diết
Thể hiện điệu cười của cô vợ trẻ 17 tuổi trong vở “Ông già cõng vợ đi xem hội”
Bà hóa thân vào một cô gái giả điên với những cử chỉ, điệu bộ rất đạt của người điên
Quát tháo
thẫn thờ
cười man dại
Nhiều bạn trẻ là HS,SV các ngành về sân khấu tại Huế đã đến xem bà biểu diễn
Tiết mục "Khúc giao hoàn"
Cùng các tiết mục hay đậm chất sân khấu khác
Đàm Liên tên thật là Đàm Thị Liên (SN 1/10/1945 tại xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Bà sinh ra trong một gia đình có nghề tuồng. Ông ngoại là chủ gánh hát Bầu Leo, mẹ cũng là một nghệ sĩ tuồng với nghệ danh đào Cúc. Năm 1970, bà về công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. Từ đó, bà trở thành một nghệ sĩ tuồng nổi tiếng với nhiều vai diễn xuất sắc như Trưng Trắc trong vở “Trưng Nữ Vương”, Phương Cơ trong “Ngọn lửa Hồng Sơn”, Liễu Nguyệt Tiêm trong vở “Đào Phi Phụng”, công chúa Quỳnh Nga trong vở “Thạch Sanh”, Hồ Nguyệt Cô trong “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”... Đặc biệt với vai diễn “Ông già cõng vợ đi xem hội” (biểu diễn lần đầu vào ngày 19/7/1979 tại rạp Đại Nam (Hà Nội) do NSND Văn Đôi viết lời), bà thể hiện cả 2 vai: ông già 70 tuổi và cô vợ 17 tuổi. Với vai diễn này, bà đã đạt được kỷ lục trong nghệ thuật tuồng Việt Nam với hơn 2.000 đêm diễn. Bà cũng được đưa vào chương trình Chuyện lạ Việt Nam vì lý do này. Nghệ sĩ Đàm Liên đã giành được 5 HCV, 3 HCB các Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, HCV “Tiếng cười đầu tiên” và Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Bà đã thực hiện một công trình nghiên cứu về tiếng cười trong nghệ thuật tuồng. Từ đó, bà đã nghiên cứu ra 16 điệu cười riêng của mình. Năm 1993, Đàm Liên được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. |