1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nỗi lòng người mẫu nam

Không chỉ "lép" trên sân khấu, cát-sê của họ cũng thấp hơn người mẫu nữ đến 30%. Đây là một thực tế khiến người mẫu nam "cảm thấy đau lòng". Bên cạnh đó, quá ít show diễn dành cho nam cũng là một thực tế khiến họ ngày càng xa hơn với sàn catwalk.

Dù rất đam mê sàn diễn thời trang, đam mê ánh đèn sân khấu nhưng họ đành phải tìm thêm một công việc khác có thu nhập cao hơn để "nuôi" nghề người mẫu. Người làm tiếp viên hàng không, người mở shop thời trang, người làm công ty quảng cáo, người đóng kịch, đóng phim... Đó chính là nỗi lòng và công việc của không ít người mẫu nam hiện nay.

 

Bị "lép" trên sàn catwalk!

 

Vẫn mang trên mình danh nghĩa người mẫu, thế nhưng mỗi khi xuất hiện trong một show diễn thời trang, khá nhiều người mẫu nam chỉ được làm... nền cho người mẫu nữ. May mắn lắm mới được làm chủ sân khấu trong các chương trình dành riêng cho thương hiệu thời trang nam nổi tiếng...

 

Trước những gì đã, đang và sẽ diễn ra, rất nhiều người mẫu nam phải tìm thêm một công việc mà theo họ là nghề tay trái để "nuôi" nghề tay phải (là người mẫu). Chắc hẳn những ai từng theo dõi các bộ phim truyền hình, phim nhựa gần đây cũng nhớ rõ từng gương mặt xuất thân từ người mẫu như: Bình Minh, Khánh Trình, Đức Tiến, Trịnh Minh Cương, Huy Khánh, Trí Quang, Hứa Vỹ Văn, Hoài Nam, Quốc Thái...

 

Sự xuất hiện của họ trong các vai diễn dù chưa thật sự xuất sắc, song ít nhiều đem đến cho màn ảnh nhỏ những hình ảnh tươi mới hơn, đẹp đẽ hơn. Chấp nhận đóng phim, một số người mẫu nam tâm sự rằng dù cát-sê rất thấp (từ 5-10 triệu đồng cho cả tháng trời theo đoàn phim), dù công việc buộc phải thức khuya dậy sớm khổ gấp chục lần làm người mẫu nhưng vẫn phải chấp nhận. Đóng phim dù gì cũng được gần với nghệ thuật, được người xem nhớ đến mình với vai trò vừa là người mẫu vừa là diễn viên.

 

Bên cạnh những người muốn đến với nghệ thuật thứ bảy, một số người mẫu nam còn quyết gắn chặt cuộc đời mình với sân khấu ca nhạc, kịch nói như Quốc Thái, Bửu Trung, Hứa Vỹ Văn... Người có chút vốn khấm khá thì mở shop thời trang như Tuấn Đạt, Hồng Tú, Quốc Cường, Hải Anh; mở đại lý vé máy bay có Hoài Nam; mở công ty thiết kế có Gia Vinh; bước sang làm nhiếp ảnh gia có Thế Tâm...

 

Nhìn chung, để có thể tồn tại được với nghề người mẫu, họ chấp nhận làm mọi việc, mong có thu nhập để ổn định cho cuộc sống. Bên cạnh thu nhập được xem là "ba cọc ba đồng", cũng có một vài người mẫu nam may mắn "trúng" các show quảng cáo lớn với giá vài ngàn đô. Có được những khoản tiền lớn này, xem như họ an tâm thảnh thơi cho vài tháng trời, không phải lo chuyện cơm-áo-gạo-tiền. Tuy nhiên, những show diễn lớn như thế thường rất hiếm hoi!

 

Và những nỗi lòng...

 

Anh Thanh Long (Giám đốc Công ty Người mẫu P.L, TPHCM) cho biết: "Hiện tại công ty tôi có 200 người mẫu nữ, trong khi người mẫu nam chỉ có 30 người. Tại sao người mẫu nam lại "yếu thế" hơn nữ thì cũng khó mà giải thích. Có lẽ đây là do nhu cầu xã hội và nhu cầu của khách hàng. Một tháng nếu như người mẫu nữ có 10 show thì nam chỉ có 1. Bản thân tôi từng là người mẫu nên rất muốn tạo điều kiện cho các bạn nam có nhiều show diễn, cũng như xuất hiện đồng đều nhau trong các chương trình nhưng không thể được. Một số người mẫu nam nổi tiếng còn tồn tại cho đến ngày hôm nay cũng là do họ quá yêu nghề nên cố gắng cầm cự mà thôi".

 

Quả thật, có đến với các show diễn thời trang, có đứng sau cánh gà mới biết được rằng người mẫu nam có quá nhiều tâm sự khi bước lên sàn diễn. Biết là như thế nhưng các bạn đều cho rằng, tất cả cũng tại mình mà thôi. Đã chấp nhận làm người mẫu thì dù cát-sê chỉ từ 200.000 - 800.000đ/show; dù có làm nền cho các bạn nữ; dù không được coi trọng... vẫn phải chịu.

Mang trong lòng rất nhiều tâm sự, nhưng dường như các người mẫu nam vẫn khao khát có được một cuộc sống tốt hơn khi gắn mình với ánh đèn sân khấu. Khi hỏi về nguyên nhân của việc mình bị "lép", nhiều người trong số họ cho rằng không phải họ chưa chuyên nghiệp; không phải họ không... đẹp; không đáp ứng nhu cầu một show diễn mà là do nhu cầu xã hội chưa cần nhiều đến người mẫu nam.

Bên cạnh đó, về thời trang nam của chúng ta cũng chưa phát triển đa dạng như thời trang nữ. Nam giới nhìn chung rất đơn giản trong cách ăn mặc. Mong muốn của người mẫu nam hiện tại là được "đối xử" công bằng hơn cũng như có được một vị trí xứng đáng hơn trong các show diễn.

 

Tiếng nói người trong cuộc

Người mẫu Bình Minh: "Gần 5 năm bước vào nghề, tôi cảm thấy rằng số lượng người mẫu nam hiện nay ít hơn nhiều so với người mẫu nữ. Họ cũng có phần "yếu thế" hơn các bạn nữ trên sàn diễn. Ngoài những nguyên nhân về nhu cầu xã hội không nhiều dành cho người mẫu nam thì chỉ số hình thể chưa thật xuất sắc cũng là mặt hạn chế của họ. Đến nay vẫn có quá ít gương mặt nam người mẫu ấn tượng.

Thiết nghĩ, nếu như chúng ta có nhiều cuộc thi dành cho người mẫu nam (như cuộc thi Manhunt sắp tới chẳng hạn) thì sẽ tìm ra được nhiều gương mặt mới, ấn tượng cho sàn diễn. Thu nhập cho người mẫu hiện cũng quá thấp, nếu như tiết kiệm lắm mới có thể đủ trang trải cuộc sống. Lúc này đây, người mẫu chúng tôi bắt buộc phải có thêm nghề tay trái mới mong an tâm lo cho tương lai của mình. Mong muốn của chúng tôi là người mẫu dù nam hay nữ phải được công nhận là một nghề. Bên cạnh đó, mơ ước của tôi cũng như bạn bè đồng nghiệp là có được nhiều show diễn dành cho nam để phát huy khả năng của mình".

Người mẫu Thế Tâm: "Thật sự người mẫu nam vẫn rất cần trên sàn diễn thời trang, nhưng thực tế họ không thể hoạt động mạnh và nhiều như người mẫu nữ. 8 năm bước vào lĩnh vực này, tôi cảm nhận rằng có lẽ nguyên nhân là do nhu cầu xã hội và nền công nghiệp thời trang nước nhà vẫn chưa thật sự đặt nặng vai trò và mức độ quan trọng của người mẫu nam. Cát-sê thấp, chưa tương xứng với công sức hoặc là ít hơn nữ chưa phải là lý do làm chúng tôi nản lòng không muốn tiếp tục với nghề, mà là do cách nhìn về công việc người mẫu chưa thật sự nghiêm túc.

Nếu như công việc chúng tôi được công nhận và chấp nhận một cách đàng hoàng trong xã hội thì thật tuyệt vời. Tôi hy vọng thế hệ chúng tôi và cả thế hệ trẻ sau này biết nhìn nhận công việc của mình một cách khắt khe hơn cũng như luôn được mọi người nhìn nhận công sức và vai trò của người mẫu nam".

Giải vàng Siêu mẫu Việt Nam Lê Hải Anh: Buồn vì thiếu đất diễn !

Từ sau khi trở thành Siêu mẫu đến nay, Hải Anh có nhận được thêm nhiều show diễn?

Cũng có, nhưng mà là các lĩnh vực khác như quảng cáo, đóng phim, còn về vai trò người mẫu mà tôi tham gia đã 8 năm nay vẫn như thế. Trong một năm đoạt giải, tôi chỉ diễn được một - hai show dành cho người mẫu nam phía Bắc. Có thể nói tại Hà Nội cho đến nay vẫn rất hiếm show diễn dành cho người mẫu nam như tôi.

Thiếu đất diễn có phải là lý do để Hải Anh "Nam tiến"?

Có thể là như vậy. Ban đầu tôi bước vào nghề người mẫu như một cuộc dạo chơi để biết thêm khả năng của mình. Tuy nhiên, càng bước vào thì tôi càng đam mê và đến nay tôi rất tâm huyết với vai trò là người mẫu của mình. Song, nhìn lại thực tế thì quả thật quá buồn. Cả TPHCM nơi tôi quyết định lập nghiệp và Hà Nội dường như quá ít đất để người mẫu nam hoạt động. Đôi khi chúng tôi lại bị làm nền cho các bạn nữ thì quả thật hơi bất công. Vì thiếu show diễn nên chúng tôi buộc phải đi làm thêm.

Hiện nay tôi đang kinh doanh về lĩnh vực trang sức (tên Lola) để lo cho tương lai. Nếu như chỉ trông chờ vào thu nhập ở vai trò là người mẫu thì không đủ. Cát-sê đi diễn chỉ giúp tôi trang trải học hành và các khoản chi phí lặt vặt.

Bản thân Hải Anh có biết tại sao vai trò người mẫu nam lại "yếu" hơn so với nữ?

Có thể là do các chương trình lớn trang phục nam quá ít. So với những năm trước thì gần đây dù vai trò người mẫu nam được chú trọng hơn nhưng vẫn chưa nhiều. Xã hội chưa đặt nặng vai trò dành cho người mẫu nam. Sự phát triển không đều của thời trang nam cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chúng tôi "yếu thế". Đàn ông nước ta nhìn chung vẫn có cách ăn mặc rất đơn giản, không đặt nặng chuyện thời trang hay không thời trang.

Ở nước ngoài, vai trò người mẫu nam hay nữ đồng đều như nhau do cách ăn mặc và cách nhìn nhận thời trang của họ bằng nhau. Tôi mong muốn xã hội chúng ta nên có cách nhìn thay đổi hơn với thời trang nam.

 

 

Theo Dạ Ly - Trí Nam

Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm