Nỗi buồn “phiên chợ chiều” ở Hollywood
Thủ tục “kiểm vé” tiến hành thông lệ cuối tháng 8 hằng năm cho thấy tổng doanh số vé Hollywood mùa phim hè 2005 đạt 3,3 tỉ USD, giảm 8% so với 2004; và lượng khán giả giảm 11%. Tại sao tình hình ảm đạm như vậy?
Chưa bao giờ có một năm như vậy
Tất cả những gì có thể lôi ra để mổ xẻ đều được săm soi, từ giá dầu tăng, sự bùng nổ thị trường DVD cho đến yếu tố thời gian ngắn hơn giữa thời điểm công chiếu rạp và thời điểm phát hành bản DVD. “Có lẽ chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi thật sự trong khuynh hướng xem phim” – nhận xét của Nikki Rocco, trưởng bộ phận phát hành Universal Pictures “Tôi chưa bao giờ thấy một năm như thế này. Chúng tôi phải bỏ đi những chiến lược cũ”. Doanh số vé thị trường Mỹ từng tăng đột biến vào năm 2002 (cao nhất kể từ thập niên 1950) với 1,63 tỉ vé.
Năm 2004, con số trên là 1,53 tỉ. Theo Raymond Syufy (chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Century Theatres – công ty có hơn 1.000 rạp chiếu bóng tại 12 bang), sở dĩ thiên hạ từng rủ nhau đi xem phim là xuất phát từ tâm lý “chạy trốn” mối ám ảnh sự kiện khủng bố nước Mỹ 11-9-2001. Bây giờ, bốn năm sau vụ 11/9, có vẻ như dân Mỹ hết ngán khủng bố và chẳng màng đến rạp để quên đi bóng ma gớm ghiếc Al-Qaeda.
Mùa phim hè Hollywood 2005 thảm hại nhất kể từ năm 2001. 5 phim doanh thu cao nhất 2005 (tính đến ngày 31/8/2005) Revenge of the Sith (379,39 triệu USD); War of the Worlds (231,81 triệu USD); Batman Begins (203,02 triệu USD); Charlie & the Chocolate Factory (197,58 triệu USD); Madagascar (190,83 triệu USD). |
5 yếu tố biến Hollywood thành chợ chiều
Một cách tổng quát, theo phân tích của cây bút bình luận điện ảnh Scott Bowles (USA Today), có 5 yếu tố khiến Hollywood mùa phim hè trở thành phiên chợ chiều.
Thứ nhất, có quá nhiều “phim xí muội”. Theo website CinemaScore (chuyên thăm dò và khảo sát ý kiến khán giả), các phim do hãng lớn phát hành từ tháng 5 đến tháng 7 đều bị đánh giá thuộc loại hàng chợ (hạng B), so với hạng B+ trong năm 2003 và 2004. Cũng theo CinemaScore, doanh thu trung bình phim hè năm 2003 là 103 triệu USD, năm 2004 97 triệu USD và năm nay tuột xuống còn 80 triệu USD. Thứ hai, năm nay Hollywood tung ra ít phim hơn, chỉ 89 phim từ các hãng lớn. Trong khi đó, năm 2004, có đến 99 phim – theo số liệu Nielsen EDI. Số phim ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu. Năm 2002, Hollywood có 92 phim; năm sau, họ tung ra 87 phim – kết quả: số khán giả giảm 4%. Điện ảnh cũng giống nhiều sản phẩm khác, khi càng có nhiều sản phẩm, sự chọn lựa càng cao và tất nhiên doanh số càng dễ kiếm được. Thứ ba, đó là giá vé tăng. Mỗi năm suốt từ 1994 đến nay, giá vé liên tục tăng. Năm nay, giá vé vào rạp ở Mỹ (tính trung bình) lên đến 6,4 USD (101.642 đồng). Thứ tư, đó là có khá nhiều phim “hoành tráng” (chi phí đầu tư cao) nhưng dở ẹc, chẳng hạn The Island, XXX: State of the Union and Stealth.
Một lần nữa, điều này cho thấy phim ngân sách cao không đủ bảo đảm yếu tố doanh thu thành công và phim ngân sách thấp không phải lúc nào cũng dở. Wedding Crashers với chi phí 40 triệu USD đã thu vào 188 triệu USD và có thể vọt lên 200 triệu USD vào tuần đầu tiên của tháng 9. Monster-in-Law với chi phí 43 triệu USD cũng thu vào 82,8 triệu USD và March of the Penguins với chi phí 8 triệu USD đã thu được 55,7 triệu USD.
Cuối cùng, nguyên nhân nữa khiến khán giả chán đến rạp là tình trạng lạm dụng quảng cáo. Một khán giả tên Beth Olmstead cho biết mình không muốn mất 10 USD để xem lô lốc quảng cáo và “người ta gọi đó là giải trí trước giờ chiếu nhưng chúng tôi gọi đó là dịp vào phòng vệ sinh để nhai bắp rang”. Quảng cáo và chuông điện thoại di động là hai trong số các yếu tố gây khó chịu nhất đối với khán giả. Tóm lại, cái gì cũng có nguyên nhân và hầu hết nguyên nhân khiến doanh thu Hollywood hè 2005 giảm đều là yếu tố chủ quan, liên quan trực tiếp đến những người sản xuất và kinh doanh điện ảnh.
Theo Đoan Thư
Người Lao Động