Những vụ án trong làng văn

Khi Cánh đồng bất tận vẫn chưa lắng xuống, những cây bút già trong làng văn lại mơ hồ nhớ lại cái thời xưa của mình. Dấn thân vào nghiệp viết, nhà văn phải gánh chịu bao nỗi long đong.

Thời ấy là của những năm 60, 70 của thế kỷ XX và còn xa hơn thế. Hỏi nhà văn Vũ Bão về câu chuyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, ông chỉ thủng thẳng: "Một cây bút tưởng chừng hiền lành nhẫn nhịn của một miền quê Nam Bộ bỗng lại hoá thành một Mết chính hiệu, viết về những chuyện người ta khó hình dung, kể ra cũng đáng ngại lắm chứ".

 

Với ánh mắt xa xôi, ông lại nhớ về cuộc đời cầm bút phong trần của mình. Tên Vũ Bão cũng gắn liền với cuốn tiểu thuyết mang tên Sắp cưới và ông in dấu bao kỷ niệm cuộc đời trong đó.

 

Cuốn tiểu thuyết ra đời từ năm 1957, làng văn đón nhận nó nồng nhiệt lắm. Nhưng chỉ một năm sau thôi, Sắp cưới bị đánh tơi bời và cuộc đời ông cũng lênh đênh từ đó.

 

Nhắc lại chuyện cũ ông vẫn cười nhưng trong nét cười không giấu nổi những nỗi buồn: "Có lẽ cũng chỉ tại tôi thôi. Trước khi đặt bút viết cuốn tiểu thuyết đầu tay ấy, tôi đặt ra hai con đường để lựa chọn.

 

Một là mình sẽ trở thành nhà văn hay chấp nhận cuộc sống của kẻ viết thuê. Cũng vì chọn lựa cuộc sống đầy sóng gió của một nhà văn nên không bao giờ tôi phải hối tiếc.

 

Những lầm lỡ của một thời sẽ qua đi, những giá trị đích thực của trang viết sẽ còn lại với thời gian. Sau cái trận đánh tả tơi ấy, ông cũng mất nhiều năm lang thang ở các tỉnh lẻ vì Hà Nội kiềng ông rồi.

 

Cho đến mãi năm 1988, sau ba mươi năm đứa con tinh thần của ông mới được Nhà xuất bản Phụ nữ cứu rỗi.

 

Ông nhớ, sự san sẻ tình yêu thương của những bạn trong làng văn. Hội Văn nghệ Thái Bình in lại cuốn tiểu thuyết của ông phải đi mua giấy chịu, đi vay trả tiền công in để Sắp cưới ra đời với số lượng 15.000 bản.

 

Cũng chính những bạn viết sau này kéo ông về với Hội Nhà văn Hà Nội. Mọi sóng gió rồi sẽ qua, bây giờ khi đã kinh qua mọi cơn bão táp, câu bút thích gây sự ấy lại nhìn mọi chuyện thật giản đơn.

 

Ông hào hứng khoe, lại mới có một tiểu thuyết về một thành phố Êtôpi do ông tự tưởng tượng ra. Nhưng ông xác định viết để cho mình, còn nó có đến được với công chúng không lại là chuyện khác.

 

Viết với quan điểm "không chịu bẻ cong ngòi bút của mình", ông tin, dù thế nào, những chuyện ầm ỹ như Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư rồi sẽ qua.

 

Cũng trong làng văn, không chỉ riêng Vũ Bão. "Tìm một nhà văn sóng yên bể lặng từ khi cầm bút cho đến khi xuôi tay mới khó chứ còn tìm những người hơn một lần phải khổ vì văn thì nhiều không kể hết", nhà văn Lê Bầu nói.

 

Nhớ chuyện xa xưa hơn, cái thời của văn học hiện thực phê phán, nhà văn Nam Cao cũng bao lần phải điêu đứng. Nhân vật nhà văn trong tác phẩm Những chuyện không muốn viết từng khốn đốn vì viết cái gì cũng bị vạ vì những người trong làng phát hiện ra nhân vật trong truyện giống họ rồi kiếm chuyện gây gổ với ông.

 

Bần cùng bất đắc dĩ, hơn một lần ông đành mang cái nhân vật tôi, cái bản mặt của chính mình ra để viết, để tự viết chuyện về mình.

 

Nam Cao mới chỉ phải chịu cái vạ vì dân làng nhầm lẫn ông viết để bêu xấu họ. Còn rất nhiều nhà văn khác như Nguyên Hồng, Vũ Tú Nam... sau này cũng bị kết tội về những gì họ viết ra.

 

Những tên tuổi nổi tiếng trên văn đàn cũng từng qua nhiều lần lửa thử vàng.

 

Nhà thơ Hữu Loan sau khi viết Màu tím hoa sim từng bị coi là uỷ mị. Bài thơ Vườn xưa của Tế Hanh cũng từng làm nhà thơ khốn khổ vì những bản kiểm điểm. Nhưng sau này, chính những tác phẩm sóng gió ấy lại tạo nên tên tuổi cho thi sỹ.

 

Cho đến nay, Vườn xưa vẫn được xem là tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp của ông cũng như bài thơ bất tử Màu tím hoa sim của Hữu Loan.

 

Cũng như Tây Tiến của Quang Dũng với niềm mong mỏi của chàng trai Hà thành "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" từng bị quy là mộng rớt tiểu tư sản.

 

Có những người chấp nhận để được sống với thế giới của trang viết mà phải đánh đổi cả cuộc đời mình. Họ vẫn tin những điều chân thực sẽ tự tìm về cuộc sống.

 

Theo Hà Nguyễn

Netnam