Những ngôi sao “vô duyên” với giải Oscar

Họ là những ngôi sao thượng thặng của điện ảnh Mỹ và thế giới nhưng lại chẳng được Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ ngó ngàng khi lên danh sách giải Oscar. Nổi danh như huyền thoại Marilyn Monroe, Harrison Ford hay Tom Cruise đều chưa từng một lần cầm trong tay bức tượng vàng.

Al Pacino, một trong những diễn viên vĩ đại nhất của điện ảnh Mỹ cũng như thế giới, người đã thành công trong hàng loạt vai diễn, đặc biệt là vai Michael Corleone trong loạt phim Godfather lại không thể mang đến cho ông một giải Oscar. Nhưng ngược lại, Al Pacino lại có được giải này từ bộ phim được đánh giá “không thể chấp nhận được” mang tên Scent of a Woman (1992), trong đó ông sắm một vai diễn vô hồn và gần như kiệt sức.

 

Dường như kết quả của giải Oscar lần thứ 78 vừa rồi cũng chỉ giúp người ta củng cố thêm một “định kiến” rằng, nhiều tài năng thực sự lại thường rơi vào cảnh bị quên lãng. Hollywood đang tiến gần đến cái mốc lịch sử 100 năm của mình (xưởng phim đầu tiên được mở tại đây từ năm 1911). Nếu như có thể chọn một diễn viên đã phải chịu đựng nỗi thất vọng lớn nhất đối với giải Oscar trong 100 năm qua, khó ai có thể bì được với Cary Grant. Với sự quyến rũ, trí tuệ, vẻ đẹp thiên bẩm và cùng với việc thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh, Grant chỉ được đề cử có hai lần (bộ phim Penny Serenade hồi năm 1941 và None But the Lonely Heart 3 năm sau đó) trong suốt sự nghiệp của mình với tổng cộng 73 bộ phim.

 

Các “thần đồng điện ảnh” cũng rất hiếm khi gây được ấn tượng với Viện hàn lâm. Như tài năng chưa đầy 30 tuổi Orson Welles (được coi là đã mở ra những khả năng mới cho kỹ nghệ điện ảnh trong Citizen Kane - 1941), nhưng chỉ nhận được giải thưởng duy nhất cho một kịch bản mà anh đã viết với tư cách... đồng tác giả. 53 năm sau, khi Quentin Tarantino làm chấn động Hollywood với Pulp Fiction, và được đề cử với giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất. Nhưng rốt cuộc, ông lại phải “hài lòng” với phần thưởng viết kịch bản phim xuất sắc nhất.

 

Steven Spielberg – thần đồng Hollywood những năm 70 – đáng lý ra đã có cả chục danh hiệu trước khi được viện hàn lâm thừa nhận với Schindler's List. Về sau, Spielberg đã gọi giải Oscar là “một vinh dự lớn nhất của ngành điện ảnh”, đồng thời ý nhị bổ sung thêm: “Khi lên sân khấu nhận giải, tôi đã nói rằng mình như vừa được uống một hớp nước sau một chuyến du hành dài trên sa mạc. Đó chính là những cảm giác của tôi”. Nếu đúng như Steven Spielberg đã nói, Martin Scorsese có lẽ đã rơi vào tình trạng “chết khát”. Được đề cử rất nhiều với các tác phẩm nhưng Martin đã không nhận được một giải thưởng nào.

 


Theo Quỳnh Lai
Công An Nhân Dân