Những lời đồn “kỳ dị” về The Beatles

(Dân trí) - Tin đồn về cái chết của Paul McCarney, thành viên của tứ quái The Beatles bắt đầu nảy mầm vào đầu năm 1967. Một số nguồn tin cho rằng nam ca sĩ điển trai đã mất sau một vụ tai nạn xe hơi.

Kỷ nguyên Rock & Roll bùng nổ những năm 1960 đã hình thành một thế hệ người hâm mộ cuồng nhiệt đầu tiên. Với sự trợ giúp của truyền thông, những ngôi sao ca nhạc nhanh chóng lan rộng tầm ảnh hưởng.
Khán giả giờ không chỉ mong chờ những nhạc phẩm âm nhạc mới mà còn quan tâm đến đời tư của các nghệ sĩ, đến những câu chuyện bên lề, chuyện tình cảm, hôn nhân... Họ bắt đầu lùng sục những bài báo, dán mắt vào các chương trình truyền hình tìm kiếm những thông tin mới nhất về người nghệ sĩ mà mình mến mộ. Và đôi khi, sự hâm mộ quá mức cộng hưởng với trí tưởng tượng của con người đã sản sinh ra nhiều câu chuyện như huyền thoại.

Làn khói đầu tiên

Tin đồn về cái chết của Paul McCarney, thành viên của tứ quái The Beatles bắt đầu nảy mầm vào đầu năm 1967. Một số nguồn tin cho rằng nam ca sĩ điển trai đã mất sau một vụ tai nạn xe hơi. Tháng 9 năm 1969, một sinh viên báo chí tại trường Đại học Drake, bang Iowa đã đăng tải một bài viết với tựa đề “Có phải Paul McCartney đã chết?”. Bài báo trên miêu tả những tin đồn râm ran trong khuôn viên trường đại học cho rằng McCartney đã qua đời.

Trang báo do sinh viên Đại học Drake đăng tải.
Trang báo do sinh viên Đại học Drake đăng tải

Giả thuyết trên càng được ủng hộ khi một số sinh viên chỉ ra rằng ca từ trong “Revolution 9”, nằm trong album The White Album phát hành năm 1968 của Beatles hàm chứa một thông điệp ẩn. Khi cho Revolution 9, một trong những ca khúc avant-garde của John Lennon chạy ngược từ cuối lên, những ai tinh ý sẽ nhận ra câu hát “turn me on, dead man” (tạm dịch: giúp tôi đi, cậu bạn quá cố) vang lên một cách hết sức rùng rợn. Tất nhiên vào thời điểm đó, đại diện hợp pháp của The Beatles chính thức phủ nhận mọi thông tin, tuyên bố rằng Paul McCartney vẫn sống hạnh phúc bên vợ và tứ quái chuẩn bị phát hành album tiếp thep.

Câu chuyện được thêu dệt

Ngày 12 tháng 10 năm 1969, một thuê bao vô danh gọi đến trạm phát thanh WKNR-FM tại Detroit kể về một tin đồn đang lên và những bằng chứng của nó. Câu chuyện này nhanh chóng được đưa lên sóng phát thanh và lan như vũ bão. Hai ngày sau đó, The Michigan Daily công bố một bài phê bình album Abbey Road của một sinh viên trường Đại học Michigan với tựa đề “Cái chết của McCartney: những chứng cứ mới được đưa ra ánh sáng”.

Rạng sáng ngày 21 tháng 10 năm 1969, một đài phát thanh tại New York mang tên WABC tiếp tục phát sóng câu chuyện kỳ bí với thời lượng hơn 1 giờ có nội dung như sau: 3 năm trước (vào ngày 9 tháng 11 năm 1966), McCartney sau một cuộc tranh luận với các thành viên khác đã tức giận lái xe. Anh gặp tai nạn và qua đời. The Beatles sau đó thay thế anh bằng “William Campbell”, người chiến thắng trong cuộc thi tìm kiếm ai giống McCartney nhất. Tin tức này đã được đưa đến 38 bang tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Nhưng câu chuyện không dừng lại tại đó. Người hâm mộ không chấp nhận những giải thích từ phía đại diện, họ yêu thích những tin đồn và tìm kiếm những gợi ý mới mẻ để khẳng định cho giải thuyết của mình. Và những câu chuyện nổi tiếng nhất về nhóm nhạc nổi tiếng nhất đã ra đời.

Nói một chút về những bìa album của The Beatles. Vào thời đại họ đang sống, việc đầu tư cho hình ảnh ca sĩ không thật sự phổ biến lắm. Nhưng The Beatles đã phá vỡ tất cả, họ chi bộn tiền để có những hình ảnh láng mượt trước mắt công chúng, và một gia tài được đổ vào để có những bìa album hoàn hảo. Revolver và Sgt.Peppers Lonely Hearts Club Band đã đem về cho nhóm nhạc hai giải thưởng Grammy danh giá dành cho bìa album đẹp nhất (giải thưởng này không tồn tại lâu). Nói để thấy, người hâm mộ hoàn toàn có cơ sở để tin rằng những hình ảnh “lạ lùng” mà họ thấy trên bìa album, nhất định có sự sắp đặt và phải mang một thông điệp nào đó, chứ không thể chỉ là những sắp xếp vô nghĩa.
Những lời đồn “kỳ dị” về The Beatles


Năm 1969, Bealtes phát hành album cuối cùng của mình (Let It Be mới là album cuối cùng nhưng được phát hành sau khi nhóm tan rã) trước khi chia tay. Đây là album nổi tiếng bậc nhất trong làng nhạc thế giới, với bìa là hình ảnh 4 chàng trai đang băng qua vạch dành cho người đi bộ tại con phố Abbey, Liverpool, ngay cạnh phòng thu âm của họ.

Trước đó, The Beatles dự định sẽ leo lên đỉnh Everest để thực hiện hình bìa cho album mới. Nhưng vì quá háo hức cho việc phát hành sản phẩm này, các thành viên quyết đinh ra ngoài phòng thu và chụp một tấm hình tại đây. 

Không lâu sau khi album được phát hành, người hâm mộ bắt đầu đặt ra những câu hỏi? Tại sao Paul lại để chân trần và bước chân phải lên trước, trong khi 3 thành viên còn lại đều mang giày và bước chân trái lên? Và câu chuyện về một đám tang nhanh chóng lây lan với John trong bộ vest trắng đi đầu tiên, đại diện cho một giáo sĩ. Ringo bước tiếp với vest đen là người quản trang, và George trong trang phục bò bước cuối cùng là người đào huyệt. Còn nhân vật đi ở giữa, chân trần, vest xám, tay cầm thuốc chính là Paul quá cố của chúng ta. Tất nhiên, họ không gọi đó là Paul, mà thay bởi Faul (Fake-Paul, Paul giả). Công ty quản lý đã tìm một người có ngoại hình giống hệt Paul để đánh lừa công chúng?

Bìa sau album Sgt.Peppers Lonely Hearts Club Band. Chú ý ngón tay George.
 

Bìa sau album Sgt.Peppers Lonely Hearts Club Band

Chưa hết, những người có niềm tin sắt đá về cái chết của Paul đã lục tung các album cũ, và lần này họ đã tìm được một manh mối quan trọng cho giả thuyết của mình. Trong bìa sau album Sgt.Peppers Lonely Hearts Club Band, trong khi tất cả các thành viên đều quay mặt ra trước, tại sau Paul lại quay lưng về phía khán giả? Ngón tay của George đang chỉ vào dòng chữ “Wednesday morning at five o'clock” liệu có phải đang ám chỉ thời điểm Paul qua đời?

Chiếc trống trên mặt trước album
Chiếc trống trên mặt trước album

Khi cắt đôi dòng chữ LONELY HEARTS trên bề mặt chiếc trống và chiếu qua gương, chúng ta sẽ có I ONE IX HE DIE? Paul chết vào ngày 1 tháng 9?

Những gợi ý tiếp theo

Người hâm mộ tiếp tục công bố những gợi ý khác. Càng về sau càng mơ hồ hơn trước nhưng cũng không kém phần rùng rợn.

Trong MV cho ca khúc Your Mother Should Know (nằm trong bộ phim âm nhạc Magical Mystery Tour), Paul đeo một bông hoa màu đen trên ngực áo. Các thành viên khác đeo hoa đỏ.

Trong ca khúc Lovely Rita có câu hát “standing by a parking meter/when I caught a glimpse of Rita”, có phải Paul đã mất kiểm soát và xảy ra tai nạn sau khi chú ý vào cô nhân viên cảnh sát tên Rita xinh đẹp.

Cuối ca khúc I am the Walrus, một giọng nam vang lên lạc lõng và dường như nói “bury me... bury my body” và “Paul you’re darn near death...rest you”.

Gợi ý nổi tiếng nhất đến từ ca khúc Strawberry Field Forever của Lennon. Trong đoạn cuối, có vẻ như John hát “I buried Paul”. Sau đó, chính nam ca sĩ này cũng khẳng định rằng câu hát đó là “cranberry sauce”.

Bức hình nổi tiếng so sánh Paul năm 1966 và năm 1967
Bức hình nổi tiếng so sánh Paul năm 1966 và năm 1967

Và tất nhiên, họ cũng so sánh những bức hình và giọng hát của Paul trước và sau tin đồn, chỉ ra những điểm khác biệt và mong nhận được sự đồng ý của mọi người.

Người trong cuộc nói gì?

Paul cùng vợ con trên trang bìa tạp chí Life năm 1969
Paul cùng vợ con trên trang bìa tạp chí Life năm 1969

Ngày 21 tháng 10 năm 1969, đại diện Beatles đưa thông báo chính thức cuối cùng về tin đồn, chính thức bác bỏ thông tin về việc Paul chết. Ngày 7 tháng 11 năm 1969, tạp chí Life công bố buổi phỏng vấn mới nhất cùng McCartney với hình ảnh anh cùng vợ con trên trang bìa cùng chia sẻ:

“Có thể tin đồn nhanh chóng được lan rộng vì gần đây tôi không xuất hiện trên báo nhiều lắm. Tôi đã lên báo đủ cho cả cuộc đời rồi, và cũng chẳng có gì để bàn luận vào thời điểm này cả. Tôi hạnh phúc với gia đình mình và sẽ còn làm việc chăm chỉ khi còn có thể. Tôi đã hoạt động cật lực trong 10 năm mà không có một chút riêng tư. Vì thế bây giờ tôi sẽ nghỉ ngơi bất cứ khi nào mình muốn. Kém nổi tiếng đi một tí cũng không sao”.

John Lennon sau đó, qua ca khúc nổi tiếng của mình “How Do You Sleep” cũng ám chỉ những kẻ tạo ra tin đồn này là điên rồ. Năm 1993, Paul McCartney phát hành album Paul is Live (Paul vẫn sống). Ông quay lại khu phố Abbey, đúng con đường ngày nào và có một bìa album nhại lại bức hình nổi tiếng nhất của đời mình.

Dư chấn

Trang truyện Người dơi với đoạn hội thoại nổi tiếng
Trang truyện Người dơi với đoạn hội thoại nổi tiếng

Sau thuyết âm mưu này, hàng loạt các sản phẩm đại chúng đã tung ra các sản phẩm ăn theo, nổi tiếng nhất có thể kể đến bộ truyện tranh Batman với đoạn hội thoại giữa người dơi và Robin : người dơi “Bọn họ đến rồi kìa. Có một người đã chết. Là ai vậy nhỉ”, Robin: “Câu trả lời nằm trong bìa album này”, trên tay anh là album Sgt.Peppers với Paul quay lưng về phía khán giả.

Mặc dù những người trong cuộc đã lên tiếng, và Paul vẫn đang sống, ông có một sự nghiệp với một gia tài đồ sộ, vẫn tiếp tục đem các bản tình ca bất hủ ngày nào lên sâu khấu, nhưng với một số người, không gì có thể thỏa mãn được họ.

Paul của năm 2015

Hơn 45 năm kể từ ngày tin đồn Paul đã chết bùng phát như một đại dịch, vẫn còn nhiều người ngày đêm cặm cụi, tìm những bằng chứng nhỏ nhất trong từng câu hát, trong từng bức hình để chứng minh rằng Faul không phải Paul. Không khó để tìm kiếm trên internet những danh sách bất tận để chứng minh cho giả thuyết này. Nhưng đối với những người hâm mộ chân chính, việc đó đâu có quan trọng. Kể từ năm 1966 đến giờ, dù Paul hay Faul, ông đã đóng góp hàng trăm ca khúc bất hủ cho làng nhạc thế giới, tạo tiền đề cho sự ra đời của nhiều thể loại mới (Helter Skelter của Paul trong White Album được cho là đặt mầm mống cho heavy metal). Và để kết lại bài viết này, chúng tôi xin được dẫn lời của một người hâm mộ: “Dù sao thì Faul mới cũng làm tốt bằng và thậm chí tốt hơn Paul đã làm được. Nền âm nhạc thế giới cảm ơn những gì ông đã đóng góp, và có là ai thì cũng không quan trọng.”

Hải Anh