Những cột mốc chủ quyền lãnh hải bằng văn chương

(Dân trí) - <i>Biển đảo Tổ quốc tôi</i> là một hợp tuyển thơ văn viết về biển đảo Việt Nam vừa được Nhà xuất bản Văn học ra mắt bạn đọc. Dân trí xin giới thiệu bài viết của mở đầu cuốn sách của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Biển đảo là một vùng lãnh hải thiêng liêng nhất của tổ quốc Việt Nam, cũng là một đề tài lớn của Văn học Việt Nam, bao gồm cả văn học cổ đại, trung đại và hiện đại. Đã có nhiều cuốn sách viết về biển và đảo ra đời, bao gồm đủ các thể loại: ký, tiểu thuyết, thơ, kịch, truyện ngắn, ca khúc, khảo cứu…Nhưng “Biển đảo Tổ quốc tôi”, cuốn sách đang có trên tay bạn đây là một hợp tuyển đồ sộ nhất, phong phú nhất và cũng đa dạng nhất, bao gồm cả thơ và văn xuôi. Có thể xem như một bức tranh toàn cảnh về biển đảo Việt Nam được “vẽ” bằng ngôn ngữ nghệ thuật.


Những cột mốc chủ quyền lãnh hải bằng văn chương



Từ nét bút điêu luyện, mực thước và thâm hậu của ông cha ta – những các tác giả cổ điển - cho đến những phác họa phóng túng, sinh động của các tác giả sinh ra khi nước nhà đã thống nhất, một vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ Quốc đã hiện lên với đầy đủ dáng vẻ kỳ vĩ đúng như những gì nó có. Đặc biệt là mảng thơ văn viết về Trường Sa, một vùng sóng gió khốc liệt và bất an nhất . Nếu đất nước có những biến động thì chắc sẽ bắt đầu từ núm ruột của Tổ Quốc này. Chúng ta vẫn còn nhớ lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: Nếu đất của bạn, thì dù có là bạc, là vàng, chúng ta cũng trả hết cho bạn. Nhưng đất đai hương hỏa của ông cha ta, thì dù chỉ có đá sỏi cây cằn, chúng ta cũng quyết giữ gìn, dù có phải đổi bằng tất cả xương máu.

Biển đảo là vùng lãnh hải thiêng của ông bà, tiên tổ. Hàng mấy trăm năm nay, bao thế hệ cha ông chúng ta đã bảo vệ, gìn giữ bằng chính xương máu của mình. Một giải quần đảo, chỉ có đá sỏi cỗi cằn và sóng gió khốc liệt, mà kẻ thù vẫn luôn ngày đêm rình rập, xâm lấn. Máu đã đổ ở Hoàng Sa, Trường Sa rồi đấy. Không phải mấy chục năm gần đây mà hang trăm năm rồi, nói như ông bà ta xưa khi ngậm ngùi tiễn người ra giữ Hoàng Sa: Hoàng Sa, mây nước trùng trùng – Người đi thì có mà không thấy về…Dưới lòng biển hoang lạnh kia, vẫn còn bao nhiêu hài cốt của các liệt sĩ. Hài cốt cháu con bên hài cốt ông cha. Chính vì thế, một nhà văn chiến sĩ Trường Sa đã rất có lý khi anh phát hiện ra rằng: “Có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở Trường Sa và Hoàng Sa. Mặn như máu”.

Bây giờ, cuốn sách nóng hổi, nóng và mặn như máu đang có trên tay bạn đấy. Rồi cuốn sách sẽ phải dày hơn nữa. Ở đây mới chỉ kịp có phần thơ văn viết về Biển Đông và Trường Sa thôi. Chúng ta còn cả một dải Hoàng Sa với một miền văn chương còn khuất lấp mà tôi mới chỉ kịp nhắc đến hai câu ca dao cổ của ông bà ta xưa nói về miền mây nước sóng gió này.

Vậy Trường Sa là gì? Hoàng Sa ở đâu? Nếu ai đó có đọc lên số kinh tuyến, vĩ tuyến dù rất thân thuộc thì bạn đọc chúng ta cũng khó mà hình dung được, vì nó mung lung quá, trừu tượng quá. Thôi ta đành nhìn lên bản đồ. Tổ quốc chúng ta trên bản đồ thế giới mang hình dáng một bà mẹ gày gò, đội nón lá, lưng còng gập, có lẽ vì phải gánh quá nhiều sứ mệnh lịch sử. Bà mẹ đáng thương ấy vẫn lặn lội thân cò, bước thập thững bên bờ sóng gió. Tấm lưng gày, còng gập quay ra ngoài biển Đông. Cái phên dậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh, chính là Hoàng Sa, Trường Sa đấy.

Nét đặc sắc nhất của hợp tuyển này là tính chân thực. Ta gặp ở đây nhiều cảnh ngộ, nhiều tấm lòng yêu thương gắn bó với biển đảo. Có cái nhìn sâu sắc, thâm hậu của ông cha. Có cảm xúc dào dạt ngỡ ngàng của người mới nhìn thấy biển đảo lần đầu. Có cả tấm lòng từ xa ngưỡng vọng. Bên cạnh những tác giả cổ điển, những nhà thơ nhà văn rất nổi tiếng, còn có cả những người mới cầm bút lần đầu. Mỗi người một giọng điệu, một cách tiếp cận, góp phần làm cho cuốn sách phong phú, đa dạng. Đó là sức mạnh. Cũng là sự hấp dẫn đặc biệt của cuốn sách.

Cám ơn Nhà xuất bản Văn học đã có nhiều công phu, sưu tầm, biên soạn cuốn sách quý này. Tuy nhiên, dù có cố gắng đến đâu, những người làm sách cũng không thể bao quát hết mảng sáng tác khá kỳ vĩ về một mảng đề tài rất lớn này. Nhiều tác phẩm hay còn chưa kịp có mặt ở đây. Hy vọng những người làm sách và Nhà xuất bản Văn học sẽ tiếp tục bổ sung trong những lần tái bản sau.

Bằng những con chữ mỏng manh và đầy giông gió, các nhà thơ nhà văn của chúng ta đã cùng với ông cha cắm thêm những cột mốc chủ quyền bằng văn chương cho một vùng lãnh hải thiêng liêng, bất khả xâm phạm của chúng ta. Nếu đạt được giá trị nghệ thuật đích thực, những cột mốc chủ quyền đặc biệt ấy sẽ còn bền vững đến muôn đời.

Với tất cả ý nghĩa đó, tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách này. Hy vọng cuốn sách sẽ mang đến cho chúng ta nhiều điều bổ ích và lý thú…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa