1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nhạc Việt tổn thất lớn khi mất 5 cây đại thụ trong năm 2015

(Dân trí) - Chưa có năm nào, nền âm nhạc Việt Nam chịu mất mát lớn như năm 2015, khi có đến 5 cây đại nhạc thụ của nền âm nhạc ra đi chỉ trong vòng 2 tháng.

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích

Nhạc Việt tổn thất lớn khi mất 5 cây đại thụ trong năm 2015 - 1

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích sinh ngày 18/11/1940 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1962. Sau khi tốt nghiệp, ông về làm giáo viên ở Hà Tây. Năm 1973, ông về Bộ Giáo dục và Đào tạo, là Uỷ viên Thư ký Hội đồng âm nhạc của Bộ. Ngoài sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, ông còn góp phần soạn thảo nhiều sách hướng dẫn và giảng dạy môn hát nhạc cho học sinh tiểu học như: Sách giáo viên hát nhạc.

Vào những ngày đầu tháng 5/2015, do tuổi già, sức yếu và lâm bệnh nặng trong thời gian dài nên ông đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 75 tuổi.

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích là tác giả của những ca khúc tuổi thơ nổi tiếng: Đưa cơm cho mẹ đi cày, Tiếng chim trong vườn Bác, Tre ngà bên lăng Bác, Em bay trong đêm pháo hoa, Rửa mặt như mèo... Trong cuộc đời sáng tác của mình, những tác phẩm ông để lại đã đi vào lòng bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Trong những sáng tác của ông thì có tới bốn ca khúc nằm trong danh sách 50 bài hát hay nhất thế kỷ XX.

Sự ra đi của ông để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè và khán giả - những người yêu mến âm nhạc Việt Nam.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê

Nhạc Việt tổn thất lớn khi mất 5 cây đại thụ trong năm 2015 - 2

GS Trần Văn Khê (tên khai sinh là Trần Quang Khê) sinh ngày 24/7/1921 tại Tiền Giang. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bốn đời làm nhạc sĩ, nên từ nhỏ ông đã làm quen với nhạc cổ truyền. Năm lên 6 tuổi ông đã biết đàn kìm, 8 tuổi biết đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc... Năm 1941, ông thi đậu Thủ khoa Tú Tài Khoa Triết.

Ông là người Việt đầu tiên đỗ tiến sĩ Khoa Âm nhạc học với Đề tài luận án: La Musique vietnamienne traditionnelle (Âm nhạc truyền thống Việt Nam).

Ông có khoảng thời gian dài sống và làm việc tại Pháp nhưng ông luôn dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu, giữ gìn và phát triển âm nhạc dân tộc Việt Nam. Chính GS-TS Trần Văn Khê đã đưa đờn ca tài tử nam bộ ra thế giới và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Không chỉ là ngôi sao sáng về nhân cách, tài năng của Việt Nam, ông còn là giáo sư Trường đại học Sorbonne, Pháp, và là thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê bệnh từ nhiều năm nhưng ông vẫn kiên trì và không bao giờ để bệnh tật quật ngã mình. Nhưng tuổi già, sức yếu bệnh ông trở nặng vào những ngày cuối tháng 5 vì vì suy tim, viêm phổi nặng, thận hư.

Sau thời gian dài tích cực điều trị nhưng không thể qua khỏi, GS-TS Trần Văn Khê qua đời vào rạng sáng ngày 24/6/2015. Sự ra đi của ông không chỉ là sự mất mát của dân tộc Việt Nam mà còn để lại sự tiếc thương cho bạn bè thế giới.

Tang lễ của ông được tổ chức trang trọng, chủ tịch nước, thủ tướng, chính phủ và cơ quan cấp cao đều đến viếng và chia sẻ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của một cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Nhiều lãnh sự quán nước ngoài cũng đến viếng và chia buồn cùng gia đình.

Nhân cách của GS thể hiện cả khi sinh thời cho đến khi ông mất. Theo di nguyện, Giáo sư Trần Văn Khê yêu cầu, khi ông mất, tang lễ được làm càng đơn giản càng tốt. Sẽ không nhận vòng hoa phúng điếu, để tránh lãng phí và ảnh hưởng môi trường. Thay vào đó, số tiền đó sẽ được đưa vào quỹ giải thưởng Trần Văn Khê.

Việc thành lập quỹ giải thưởng bao gồm toàn bộ số tiền sau khi chi trả mọi chi phí của tang lễ còn lại. Giáo sư Trần Văn Khê sẽ bỏ thêm một số tiền khác của ông vào quỹ này. Giải thưởng này sẽ được trao cho những người trẻ giỏi về âm nhạc cổ truyền và được quyết định bởi ủy ban bầu chọn của quỹ.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

Nhạc Việt tổn thất lớn khi mất 5 cây đại thụ trong năm 2015 - 3

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày11/11/1924 tại Đà Nẵng. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940 trong nhóm tân nhạc. Sau ca khúc đầu tay Trầu cau, sáng tác của ông được biết rộng rãi là bài Đoàn giải phóng quân viết cuối 1945. Một nhạc phẩm nổi tiếng khác của ông là Mùa đông binh sĩ được viết khoảng giữa thập niên 1940.

Những tác phẩm của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là những ca khúc trữ tình đã đi vào lòng biết bao thế hệ trẻ Việt Nam, trở thành những ca khúc bất hủ còn mãi với thời gian như Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tình ca Đambri, Tia nắng... Ông đã phổ nhạc thành công cho rất nhiều bài thơ. Ngoài ra, ông còn sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi, tiêu biểu là: Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác...

Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, với vai trò giám khảo của chương trình “Tiếng hát mãi xanh”. Khán giả và những người làm nghề yêu mến gọi ông là "Ông già Tiếng hát mãi xanh”.

Vào tối 28/6, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rơi vào hôn mê sâu. Trước đó ông đột ngột bị ngất xỉu và mệt mặc dù sức khỏe ông vẫn còn đang tất tốt. Sau khi nhập viện, bác sĩ cho biết ông bệnh bạch cầu cấp (một dạng ung thư máu). Do tuổi già sức yếu nên nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không thể qua khỏi. 10h15 ngày 29/6, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vừa trút hơi thở cuối cùng.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ra đi đột ngột khiến rất nhiều người bàng hoàng. Đây là một mất mát lớn không chỉ đối với những khán thính giả yêu mến ông mà còn đối với nền âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Phan Nhân

Nhạc Việt tổn thất lớn khi mất 5 cây đại thụ trong năm 2015 - 4

Sau khi giáo sư Trần Văn Khê ra đi không bao lâu thì nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng từ giã cõi trần. Khán giả và công chúng yêu nhạc chưa hết đau lòng thì bàng hoàng đón nhận tin nhạc sĩ Phan Nhân cũng đột ngột qua đời sau nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chỉ vài giờ.

Được biết, đến thời điểm đó, nhạc sĩ Phan Nhân cũng đã mắc nhiều bệnh nặng, ông bị suy tim độ 3, ngoài ra, bệnh u phổi giai đoạn cuối khiến ông không thể qua khỏi. Ông cũng mất vào ngày 29/6/2015.

Nhạc sĩ Phan Nhân tên thật là Nguyễn Phan Nhân, sinh ngày 15/5/1930 tại An Giang. Từ nhỏ, Phan Nhân đã tỏ ra là một cậu bé thông minh và có năng khiếu về nghệ thuật, đặc biệt là trong âm nhạc.

Năm 1970, nhạc sĩ Phan Nhân được cử đi tu nghiệp âm nhạc ở Hungari. Trở về, ông lại tiếp tục có mặt ở Hà Nội để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cũng trong khoảng thời gian này, ca khúc “Hà Nội niềm tin và hi vọng” được ra đời và trở thành ca khúc bất hủ trong số những sáng của ông.

Không chỉ sáng tác về những ca khúc quê hương, đất nước, Phan Nhân còn sáng tác những ca khúc dành cho thiếu nhi được các em nhỏ yêu thích. Một số những ca khúc nhạc thiếu nhi nổi bật của ông có thể kể đến: Chú ếch con, Chú cừu Mộc Châu, Em là bông lúa Điện Biên, Hàng cây ơn Bác...

Nhạc sĩ An Thuyên

Ngay sau khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân mất không bao lâu, khán giả Việt Nam lại tiếp tục đau lòng đón nhận tin nhạc sĩ An Thuyên mất vào chiều ngày 3/7.
Ngay sau khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân mất không bao lâu, khán giả Việt Nam lại tiếp tục đau lòng đón nhận tin nhạc sĩ An Thuyên mất vào chiều ngày 3/7.

Nhạc sĩ An Thuyên sinh năm 1949 tại Nghệ An. Ông là một nhạc sĩ nổi tiếng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VII. Nhạc sĩ An Thuyên là Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Những sáng tác của nhạc sĩ An Thuyên để lại dấu ấn trong lòng công chúng là những ca khúc trữ tình, ngọt ngào và mang nhiều âm hưởng dân ca, như: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Ca dao em và tôi...

Ca khúc đầu tiên đó chính là bài hát Nối gót anh hùng, nhân dịp vài người dân quê đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngoài sáng tác, nhạc sĩ An Thuyên còn viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều đoàn văn công, như: Trương Chi, Đôi đũa kim giao, Biển tình cay đắng, sáng tác cho khí nhạc như Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng. Ông còn viết nhạc cho phim, nhạc cho múa và viết phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo...

Tạm kết

Sự ra đi của 5 nhạc sĩ này thật sự là một mất mát to lớn cho nền âm nhạc bởi tài năng và cốt cách của họ đã sống cùng biết bao thế hệ khán giả yêu nhạc. Những tác phẩm mà họ để lại cho nền âm nhạc sẽ còn sống mãi với thời gian.

Băng Châu (Tổng hợp)

Nhạc Việt tổn thất lớn khi mất 5 cây đại thụ trong năm 2015 - 6