Nhạc sĩ Vũ Quốc Việt "biến chất"?

Bây giờ âm nhạc chỉ là phương tiện kiếm tiền - nhạc sĩ Vũ Quốc Việt thản nhiên phát biểu vậy đấy, bạn có sốc không?

Vì lỡ biết anh từ cái thưở hàn vi, sống với trăng sao và gặm bánh mì để sống với đam mê âm nhạc nên mới "chết sững" khi nghe những lời thực dụng. Ngày đó, Vũ Quốc Việt cùng Duy Mạnh lập ban nhạc song ca hai người bạn. Duy Mạnh đàn piano, Vũ Quốc Việt hát những bài trữ tình. Cát-sê cả hai cộng lại được 80.000 đồng, bồi dưỡng biên tập 30.000 đồng còn lại 50.000 đồng chia nhau sống.

Vũ Quốc Việt bắt đầu tập tành sáng tác và đi chào bán khắp nơi nhưng không ai mua. Đến khi gặp bầu sô Hoàng Tuấn, may mắn sao bán được bài Hãy cho em mùa xuân, thế là cuộc đời đổi khác. Rồi anh chuyển qua hát nhạc rock, cũng ra được một album trong... im lặng.

Đến năm 2005, Vũ Quốc Việt trung thành với dòng nhạc tình ca và thắng lớn nhờ đĩa Bình thường thôi. Mới đây anh sáng tác nhạc Hoa và song ca với Ưng Hoàng Phúc và cho ra đời album Tâm sự hai người đàn ông. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với nhạc sĩ - ca sĩ Vũ Quốc Việt và dưới đây là những phát biểu rất "đời" của anh.

Đang "Bình thường thôi" sao Vũ Quốc Việt lại chuyển phắt sang "Tâm sự hai người đàn ông"?

Đĩa nhạc Rock ballad Trên những phù vân tôi làm lúc còn "máu me" nghệ thuật. Làm để chứng tỏ mình là người yêu nhạc, có khả năng tự sáng tác, tự biểu diễn. Để người ta thấy cái khả năng 3 trong 1 của tôi, chứ "bán dạo" suốt mấy năm trời được có hơn 1.000 đĩa. Từ đó tôi thấy người Việt Nam mình chẳng thể nghe rock được vì rock của mình có ra hồn gì? Người nghe rock thà nghe nhạc Mỹ, người thích nhẹ nhàng thì không cần rock ballad, tóm lại chẳng ai thèm nghe mình hết. Sau đó tôi chuyển sang hát pop, ra đĩa Khóc muộn,  mà khổ nỗi pop của mình cũng cũng chẳng bán được. Chuyển là hợp lẽ nhất.

Thất bại liên tiếp sao anh vẫn cố gắng hát và đĩa?

Nhiều người khuyên tôi đừng đi hát nữa. Nhưng tôi vẫn làm tiếp đĩa Bình thường thôi vì nhận ra giọng mình hát tình ca hợp hơn. Lúc đó tưởng đĩa Bình thường thôi cũng "ngủ" như mấy đĩa khác nhưng khi bài hát chủ đề được phát trên truyền hình, khán giả thích quá, tôi bán liền 10.000 đĩa. Tính lời sơ sơ từ tiền bán đĩa Bình thường thôi cũng được khoảng... 100 triệu đồng đấy.

Trời, nhiều vậy sao?! Hèn gì...

Tiền tôi có được ngày hôm nay đâu phải do bán đĩa hay bán nhạc mà sống? Tôi phải lăn lộn làm ăn. Từ bán cà phê, bán phở, bán quán nhậu, bán quần áo... Nói chung buôn bán hợp pháp chứ không phi pháp đâu. Tại tôi giấu không nói với bạn bè nên chẳng ai biết tôi làm gì.

Âm nhạc cũng là một ngành nghề để kiếm ra tiền. Sao mình lại phải đi bán phở, bán đồ nhậu để nuôi nó mà sao không bắt nó kiếm tiền về cho mình? Tôi cũng học trường lớp đàng hoàng, học thuật hay nghệ thuật có thua ai đâu, tại sao mình không làm cái khán giả thích?!

Ai chẳng biết vậy nhưng làm đâu có dễ?

Các nhạc sĩ, các ca sĩ khác làm được thì mình phải làm được. Lúc đầu cũng đấu tranh tư tưởng dữ lắm. Trước mắt mọi người dù gì tôi cũng là một nhạc sĩ trẻ, có ca từ đàng hoàng, cũng văn thơ lai láng chứ đâu phải loại bát nháo xà ngầu? Nhưng rồi thấy viết vậy cũng đâu có sao đâu, miễn không thô bỉ, thô tục là được! Nói vậy thôi, viết nhạc loại này cũng khó lắm. Phải nghiên cứu, phải tìm tòi chứ đâu phải dễ! Khi hiểu nó rồi sáng tác rất dễ! .Giờ tôi sáng tác lẹ lắm. Chỉ cần nghĩ nội dung cho độc, gây sốc một tí. Ví dụ như trong album này, ngoài bài Tâm sự hai người đàn ông,  tôi có bài Kệ tôiSến. Nghe tựa là muốn mua đĩa liền! Thậm chí tôi đang viết bài Biết chết liền nhưng hơi dở nên chưa xong! Nói thật mấy ngôn ngữ đó đời thường, có gì là xấu đâu?

Nhưng tại sao anh lai chọn Ưng Hoàng Phúc để song ca?

Sáng tác xong thể loại âm hưởng nhạc Hoa này, tôi nghĩ đến người có thể giúp tôi nổi tiếng ngay, đó là Ưng Hoàng Phúc. Thật sự, từ các ngõ ngách lẫn trên sân khấu ai cũng biết Ưng Hoàng Phúc. Tại sao tôi không bắt tay kinh doanh với Ưng Hoàng Phúc?

Từ đó tôi "bắn" tiếng qua Quang Huy (bầu sô Ưng Hoàng Phúc) và đề nghị hát chung bài Tâm sự hai người đàn ông. Dĩ nhiên tôi cũng cẩn thận, bắt Quang Huy ký hợp đồng đàng hoàng...

 Theo T.C

Vietnamnet