Nhạc sĩ Nguyễn Quang: Tôi không “Tây” hóa nhạc Trịnh

Là con trai của nhạc sĩ nổi tiếng Nguyễn Ánh 9, nhiều sáng tác của anh cũng từng trở thành ca khúc “hit”, hòa âm phối khí cho rất nhiều chương trình ca nhạc hải ngoại được khán giả Việt Nam yêu thích, nhưng anh rất ít khi “xuất đầu lộ diện”.

Với anh, được cống hiến hết mình cho nghệ thuật, chắp cánh cho các tác phẩm vươn tới thành công, chinh phục người yêu âm nhạc, là hạnh phúc mãn nguyện rồi. Sắp tới đây, trong chương trình “Ru tình” 11 năm Trịnh Công Sơn “trở về với cát bụi” tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, anh sẽ đảm nhận vai trò quan trọng hòa âm phối khí, đệm piano cho những giọng ca “vàng” Mỹ Linh, Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Quang Dũng và Tấn Minh. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ - đạo diễn âm nhạc tài năng Nguyễn Quang.
 
Nhạc sĩ Nguyễn Quang: Tôi không “Tây” hóa nhạc Trịnh
Nhạc sĩ Nguyễn Quang đệm đàn cho phần biểu diễn của Đàm Vĩnh Hưng trong Ru Tình 2011
 
Với anh, tình yêu âm nhạc có phải là một “gen di truyền” không?

Cũng có thể. Từ khi nằm trong bụng mẹ, hàng ngày tôi đều được nghe nhạc của Cha, hàng đêm cùng Cha và Mẹ (Mẹ là diễn viên nhảy tap dance) đi khắp nơi biểu diễn, nên dường như dòng máu nghệ thuật đã chảy trong tôi từ khi mới thành hình. Song nếu không có sự cố gắng của bản thân sẽ không ai có được thành công.

Gia đình anh là một gia đình nghệ thuật lớn, những mỗi người lại theo đuổi con đường riêng của mình. Anh đặt sự nghiệp của mình ở vị trí nào trong thế “cân đong đo đếm” với các thành viên khác?

Tôi không đặt mình vào vị trí nào cả. Tất cả xuất phát từ tình yêu âm nhạc. Ban đầu được chơi đàn tôi đã thấy thỏa mãn rồi. Khi trở thành một nhạc công chuyên nghiệp, tôi lại ước muốn được hòa âm, phối khí những tác phẩm của cha mình, nên lại tìm tòi, học hỏi về hòa âm. Sau này, tôi mong muốn thực hiện ước muốn của Cha và cũng là ước muốn của chính mình nữa, đó là thực hiện một live show cho cha tôi, vì vậy tôi đã đi học đạo diễn âm nhạc, và như các bạn biết đấy, chúng tôi vừa thực hiện thành công chương trình Nguyễn Ánh 9 nửa thế kỷ âm nhạc tại Hà Nội.

Anh được đánh giá là một đạo diễn âm nhạc tài năng, có bao giờ anh nghĩ đến việc “đạo diễn” các sắc màu nghệ thuật khác nhau trong gia đình mình vào chung một bản phối hòa hợp?

Ba cha con tôi đều chơi Piano, chỉ có Mẹ là diễn viên múa, nhưng muốn cùng trình diễn chung trong một bài hát thật khó bởi chúng tôi có những con đường đi riêng trong sự nghiệp của mình. Nhưng tất cả các sáng tác của cha tôi đều có sự góp ý rất "quan tòa" của mẹ, tiếp theo anh em tôi hòa âm phối khí, sau đó thu âm và cả nhà cùng nghe nhiều lần để chỉnh sửa cho đến khi hoàn chỉnh. Tôi nghĩ các tác phẩm của cha tự nó đã là một bản phối hòa hợp rồi. Tuy vậy, tôi cũng mong ước và hy vọng sẽ có ngày ba cha con tôi cùng đàn cho mẹ nhảy tap dance!

Ở hải ngoại anh rất nổi tiếng với vai trò đạo diễn âm nhạc, nhạc sĩ phối khi cho nhiều chương trình của các trung tâm ca nhạc. Nhưng ở Việt Nam, “nhạc sĩ Nguyễn Quang” lại không phải là cái tên “phổ biến”. Anh có nghĩ đến việc sử dụng “công nghệ PR” đang rất “thịnh hành” trong làng âm nhạc Việt Nam hiện nay không?

Ở Việt Nam, những người không “xuất đầu lộ diện”, chỉ đứng đằng sau sự thành công của một tác phẩm như chúng tôi không được nhiều khán giả biết tới. Ngay cả cha tôi - Nguyễn Ánh 9 là một nghệ sĩ piano 50 năm nhưng cũng rất ít khán giả biết điều đó, ông được nhắc tới nhiều với tư cách là một nhạc sĩ sáng tác hơn.

Song tôi thật sự không buồn về điều đó, tôi chỉ cố gắng làm tốt việc của mình, và thật may mắn, tất cả những chương trình tôi thực hiện đều khá thành công. Đó đã là niềm hạnh phúc và niềm tin cho tôi rồi. Với tôi, PR phải là người thật việc thật, nói sao là phải làm vậy, PR sẽ giúp cho khán giả biết nhiều hơn, tầm thưởng thức ngày một cao hơn.
 
Nhạc sĩ Nguyễn Quang: Tôi không “Tây” hóa nhạc Trịnh
Ca sĩ Thanh Lam tiếp tục gửi đến khán giả những bản tình đầy khao khát cho Ru Tình 2012
 
Rất nhiều chương trình ca nhạc hải ngoại do anh hòa âm phối khí được hàng triệu khán giả trong và ngoài nước yêu mến. Lần này anh ra Hà Nội với chương trình “Ru Tình” 11 năm tưởng nhớ ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô, anh sẽ mang những nét mới nào cho chương trình uy tín nhiều năm nay này?
 
Đây là lần thứ 2 tôi đến với Ru Tình. Ý tưởng của chúng tôi sẽ tạo nên những thước phim bằng âm nhạc, bằng cách hòa âm phối khí theo kiểu nhạc phim, để khán giả có thể hình dung ra âm thanh, không gian, thời gian và cùng nhịp đập với giai điệu Trịnh Công Sơn.
 
Nhạc sĩ Nguyễn Quang: Tôi không “Tây” hóa nhạc Trịnh
Sau thành công của Ru Tình 2011, Mỹ Tâm ngày càng chinh phục khán giả với những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn

Nhạc Trịnh là loại nhạc chất chứa hơi thở dân tộc, trong khi các sáng tác của anh lại mang hơi hướng “Tây”. Anh có định thổii cái “Tây” của mình vào nhạc Trịnh không?

Nhạc Trịnh đậm tính dân tộc nhưng cũng có một chút giai điệu phương tây, vì vậy người Tây cũng rất thích nghe nhạc Trịnh dù họ không hiểu lời bài hát. Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống, nhiều lần ông đi xem tôi trình diễn ở một phòng trà tại Tp. Hồ Chí Minh, ông đã lên sân khấu nói với khán giả rằng ông rất thích cách hòa âm của tôi trong những tác phẩm của mình, vì cách hòa âm ấy đã nói được những gì ẩn chứa trong tác phẩm của ông. Đó là hạnh phúc của tôi rồi!

Trong chương trình tới, tôi không có ý định làm “Tây” nhạc Trịnh, tôi sẽ giữ nét nhạc Trịnh muôn thuở vốn có, cái mới ở đây là tôi sẽ cố gắng dùng âm nhạc để diễn tả những gì nhạc sĩ muốn nói trong phần lời của ông, cùng với dàn ca sĩ bản lĩnh và đẳng cấp trong chương trình, tôi hy vọng khán giả sẽ cảm nhận được những đoạn phim kỷ niệm trong cuộc đời mình.

Xin chân thành cảm ơn Nhạc sĩ!