Nhạc sĩ Đức Huy nói về mái ấm hạnh phúc cùng người vợ kém 44 tuổi
(Dân trí) - “Tôi chỉ muốn gia đình hạnh phúc, đó là điều căn bản. Bởi bây giờ tôi không có gì ngoài gia đình, tiếng tăm, sự nghiệp bên ngoài không ăn thua gì cả nếu không có gia đình. Gia đình là ưu tiên số một của bất kỳ xã hội nào”, nhạc sĩ Đức Huy chia sẻ.
Quen với việc “sống đủ”
Khi trở về Việt Nam bắt đầu mọi thứ từ con số 0, cuộc sống của ông thay đổi như thế nào?
Khi bắt đầu một cái gì mới bao giờ cũng khó khăn. Nhưng tôi xem đó như là một thử thách, tôi không thích nghĩ là khó khăn, bởi vì tất cả chúng ta ai cũng có những thử thách phải vượt qua.
Gần đây ông chia sẻ rằng ông không nghĩ hậu vận của mình tốt?
Cảm giác bắt đầu lại từ con số 0 ở tuổi 60, sự thay đổi làm chúng ta lo lắng vì không ai biết trước được ngày mai. Có lẽ sự lo lắng trong một khoảnh khắc nào đó khiến tôi e ngại, nhưng sau đó khi nhớ lại kinh nghiệm gần 70 năm tôi nghĩ không khác gì cả. Giống như một người đang ngủ rồi thức dậy thì giấc mơ bị gián đoạn, sau đó lại tiếp tục trong giấc mơ thôi. Tôi cảm thấy an tâm hơn khi nhìn sự việc ở góc độ đó.
Vẫn thường xuyên làm việc ở tuổi này, ông cảm thấy mình "quá tải" không?
Tôi nghĩ việc này tùy theo mỗi cách nhìn nhận của mỗi người. Nếu như họ yêu thích sự bận rộn thì nhận nhiều, còn tôi thì không. Tôi muốn dành nhiều thời gian cho gia đình và bây giờ chúng tôi quen với việc sống đủ.
Khi nào ông thấy quen với việc “sống đủ”?
Cũng đã khá lâu rồi chúng tôi không còn nhu cầu sống theo thời đại. Giống như một cuộc thi ma-ra-tông, nếu muốn thi bạn phải đăng ký để có số thứ tự đeo lên mình và bắt đầu chạy. Còn chúng tôi không đăng ký tham gia, chỉ đứng bên ngoài để xem cuộc đua thôi.
Hiện tại ông đang là trụ cột của gia đình mình? Ông có nghĩ rằng vợ mình sẽ cần một công việc nào khác để hỗ trợ cho cuộc sống sau này?
Vâng, hiện tôi là trụ cột gia đình. Nhưng công việc riêng của vợ tôi đã được chuẩn bị từ mấy năm nay. Cô ấy là mẫu người không ngồi im được, lúc nào cũng muốn làm chuyện này chuyện kia khiến tôi rất cảm kích.
Trước đây, cô ấy trợ lý đắc lực cho tôi, người chăm sóc tất cả mọi việc, nhưng bây giờ khi vợ tôi có bầu đứa thứ hai mọi việc tôi sẽ lo cho đến khi cô ấy sinh con được 3 tháng hoặc 6 tháng.
Tự làm hết ông có cảm thấy vất vả không?
Không! Không có gì vất vả, vợ chăm sóc khi tôi đi quay, lo cơm nước thức ăn, nhưng tôi nghĩ tôi có thể lo được, chỉ là chuyện nhỏ (cười).
Không phải “thuyết phục” gia đình vợ khi kết hôn
Thời điểm kết hôn lần 2, ai cũng cảm giác khá mong manh, vậy ông có nghĩ tình cảm của mình sẽ kéo dài đến hiện tại không?
Từ lúc tôi gặp nhà tôi sau này, mỗi ngày tôi càng bớt âu lo. Bởi vì tìm được một người hiểu mình, chấp nhận mình như là mình là “đỡ lắm”. Nếu hai người gặp nhau, người nào cũng muốn thay đổi người kia thì có lẽ khó có hạnh phúc với bất cứ ai.
Tôi thường nghĩ, khó ai thương được tôi lắm. Vợ tôi cũng thế, vợ tôi nói “nếu em không lấy anh chắc cũng chẳng ai lấy em” vì vợ tôi khó lắm. Hai người gặp nhau có điều gì đó giúp cả hai sống tốt hơn, điểm đó tôi rất quý nhà tôi. Dựa vào nhau mà sống và không cố gắng thay đổi nhau. Tôi cảm thấy cuộc sống chúng tôi khá yên ổn.
Với thất bại từ cuộc hôn nhân trước, ông có rút kinh nghiệm cho cuộc sống hôn nhân hiện tại?
Hoàn toàn luôn, có thể nói nhận thức bây giờ tôi có được là nhờ chiêm nghiệm lỗi lầm những thiếu sót của tôi lúc trước. Nếu tôi biết được những gì tôi biết bây giờ và tôi có thể có khả năng làm được thì cuộc hôn nhân đầu không mất, lỗi ở tôi nhiều lắm.
Lỗi lầm lớn nhất khiến hôn nhân trước đây của ông tan vỡ là gì?
Điều mà chúng ta đã nói, tôi mong mỏi thay đổi người khác. Cả hai chúng tôi đều không nhận ra điều đó dẫn đến thất vọng chán chường, nhưng thực ra không phải lỗi ở ai cả. Lỗi ở chính bản thân mình, nếu lúc đó tôi ý thức được, tôi mở đầu hay khai phá được điều đó thì kết quả đã khác.
Thế nhưng bây giờ tôi nghĩ, có duyên sẽ tiếp tục, hết duyên phải kết thúc. Bây giờ tôi chấp nhận điều đó, cuộc sống luôn luôn có sự thay đổi và cần phải thay đổi.
Vợ ông kém ông tới 44 tuổi, vậy gia đình bên vợ có phản đối việc kết hôn khi có sự chênh lệch tuổi tác lớn như thế?
Đương nhiên rồi, nếu tôi có con gái trong trường hợp này tôi cũng lên tiếng và lên tiếng mạnh (cười). Nhưng may mắn tôi gặp bố mẹ vợ là người hiểu biết, cô ấy cũng đủ trưởng thành.
Bố mẹ nào cũng chỉ mong con mình được hạnh phúc là vui rồi, chứ bây giờ chỉ mong muốn đồng trang đồng lứa nhưng đôi khi tuổi trẻ bồng bột cũng không tốt. Chúng tôi có sự trân trọng hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau nên cũng “đỡ nhiều tội”.
Ông có phải mất nhiều thời gian để “thuyết phục” gia đình vợ chấp nhận cuộc hôn nhân của mình?
Thú thật tôi không cần phải thuyết phục, vợ tôi cũng kể lại không có vấn đề cô ấy thuyết phục, chỉ là trình bày sự việc với bố mẹ. Bởi vì cô ấy cũng rất cá tính, thích là phải làm cho được và thường tin vào những điều mình tin là đúng.
Trong cuộc sống gia đình của ông, nếu có những xung đột hay mâu thuẫn thì đó là gì?
Bất cứ việc gì, bởi vì không phải lúc nào chúng ta cũng giữ được thái độ điềm tĩnh kiểm soát được sự việc. Chung quanh chúng ta nhiều yếu tố muốn phá vỡ sự thanh bình của chúng ta. Vì thế chúng tôi phải nhắc nhau “nếu lỡ gây ra sự bất bình” thì có những quy tắc chung mà chúng tôi đã áp dụng.
Như là “bớt sĩ diện”, hai người thương yêu nhau nên muốn nói gì cũng chỉ muốn người kia tốt, nhưng đôi khi ý tốt của mình ở thời điểm không đúng sẽ làm người kia khó chịu. Không ai thích mình chỉ trích, nhưng có thể sau 5, 10 phút suy nghĩ hoặc hít thở thật sâu sẽ nhanh chóng làm lành. Tôi nghĩ nếu làm lành càng sớm sự kết nối càng tốt hơn, không nên để quá lâu.
Cụ thể, những điều gì muốn phá vỡ sự yên bình như ông nói?
Tôi thấy đa số chúng ta đều mắc “bệnh thời đại”. Càng văn minh bệnh càng tăng, muốn kiểm soát tư tưởng hành động cách cư xử của người khác theo ý mình. Chính vì bệnh thích kiểm soát người khác nên những người “bị bệnh” đó dễ bị bực mình và thất vọng “vì sao sự việc không xảy ra theo ý mình muốn”. Đó là một sự sai lầm, chính bản thân mình cũng không như mình muốn, tại sao mong muốn từ người khác.
Đa số chúng ta không hạnh phúc bởi vì không hài lòng khi không cảm hóa được người khác. Những người đau khổ không thích nhìn thấy người khác hạnh phúc. Nếu chúng ta tôn trọng lẫn nhau thì tốt biết mấy.
Có bao giờ ông có tư tưởng “giữ vợ” không?
Tôi và vợ đều không bao giờ có suy nghĩ đó, vợ tôi có khi còn “lăn tăn” còn tôi thì không hề. Tôi nghĩ nếu có sự tôn trọng, có sự hiểu biết cho nhau và hai bên có niềm tin trên căn bản tình yêu chúng tôi không cần biết ai chấp nhận hay tán đồng, chúng tôi yêu nhau thật hay không. Bởi ít người tin vì cách xa tuổi tác, thế nhưng cuộc đời này luôn có những ngoại lệ.
Ngược lại, vợ ông có ghen không?
Cũng hơi ghen, người ta nói không ghen là không yêu, nhưng trong trường hợp này mặc dù có tin tưởng nhưng lúc nào cũng thấy tôi tươi vui, chung quanh tôi toàn những bông hồng đẹp. Nhưng bây giờ cô ấy đã quen rồi, biết là tôi như thế nào. Tôi sợ nhất là làm sao lấy lại niềm tin một người đặt cho mình mà mình phụ điều đó.
Là người nổi tiếng “nghèo ngầm”
Ông có cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình và vợ?
Có thể nói trong cuộc đời tôi chưa bao giờ cảm thấy hài lòng như cuộc sống bây giờ.
Trong một vài bình luận gần đây, tôi thấy có người bảo“ôi, cô này sao mà số khổ thế, lấy ông này giàu mai mốt ổng chết thì tha hồ hưởng gia tài”. Tôi thích quá vì bệnh “nghèo ngầm” của mình nhưng ai cũng tưởng mình khá giả.
Chúng tôi vừa đủ sống, chúng tôi ở nhà thuê, không có ô tô, có một chiếc xe máy nhưng chúng tôi rất hạnh phúc.
Ông có thể chia sẻ về niềm vui làm bố của mình?
Thích lắm. Bây giờ bạn tôi còn đợi con sinh cháu để đến chơi với chúng, nhưng nếu mình có con ruột thì còn gì bằng. Thời gian này tôi chăm sóc cho vợ vì tôi muốn đứa bé ra đời thật tốt. Tôi nghĩ nếu trong thời kỳ mang thai, người mẹ được người chồng chăm sống trong một tâm tư an bình thì con ra đời tốt hơn, khỏe hơn.
Tôi chỉ muốn gia đình hạnh phúc đó là điều căn bản. Bởi bây giờ tôi không có gì ngoài gia đình, tiếng tăm, sự nghiệp bên ngoài không ăn thua gì cả nếu không có gia đình. Gia đình là ưu tiên số một của bất kỳ xã hội nào.
Ông chăm sóc gia đình mình như thế nào?
Cha con tôi dậy rất sớm, có khi cùng con trai đi bơi. Sau đó tôi lo cho cháu ăn sáng, thay quần áo cho cháu đi học, trước đây vợ tôi làm công việc này nhưng nay vợ mang thai nên tôi làm. Nếu có bà ngoại bà sẽ đưa đi học, không thì ba đưa đi.
Ban ngày tôi đọc sách, làm nhạc, viết nhạc... hiện tại tôi đang rất hứng khởi trong quá trình sáng tác. Tôi quan tâm đến vấn đề sức khỏe, thể thao nhiều hơn chưa. Trưa đi ăn ngoài hoặc tôi lo cơm trưa. Tôi rất mê nấu ăn, xem việc đứng vớt bọt nồi súp trong 2 tiếng là vấn đề, chỉ là chuyện nhỏ, chuyện bình thường. Bởi vì tâm sức mình bỏ ra mà người khác vui, đấy là niềm vui.
Ở tuổi này, ông có nghĩ xa hơn về tương lai của vợ và con?
Tôi chỉ mong với nền tảng gia đình và với sự chăm sóc của bố mẹ cùng với bản chất của chúng ta - bản chất thiện - tâm an bình được duy trì.
Tôi nghĩ con và vợ tôi khi không còn tôi ở đây mà vẫn giữ được tâm an bình thì mọi việc vẫn tốt. Cuộc sống vừa và đủ bằng lòng với những gì mình có, làm những việc theo ý muốn của mình miễn là có lợi cho bản thân và ích lợi cho cộng đồng. Đấy là điều ước mong của tôi chứ tôi không hề mong con tôi chức cao hay giàu có.
Càng ngày tôi càng nghiệm thêm những điều “lặt vặt” lại làm cho mối quan hệ cha con thân thiết hơn. Chẳng hạn bây giờ mỗi lần tôi gọi thăm các cháu đều không bao giờ hỏi “học hành đến đâu”, tôi chỉ hỏi “con có gì vui, có gì hay kể cho ba nghe”. Tôi cũng không ngăn cấm các cháu làm những điều mình thích, chỉ nhắc cái cháu cẩn thận hơn. Hoặc muốn thử môn thể thao mới có vẻ nguy hiểm thì phải trang bị thật kỹ để bảo vệ mình.
Giống như con trai tôi thích chơi patin nhưng không thích đi một mình, tôi cũng mua luôn cho mình một bộ, hai cha con mang nón bảo hiểm khi chơi. Tôi nghĩ chúng ta cần có cơ hội để khám phá, mặc dù khám thì ít mà “phá” thì nhiều cũng được (cười lớn).
Xin cảm ơn nhạc sĩ Đức Huy đã chia sẻ!
Băng Châu
Ảnh: Mai Trang