Nhà văn trẻ Linh Lê: Sex thì có gì để mà câu khách?

(Dân trí) - “Tôi không dùng “sex” để đánh dấu sự trưởng thành hay coi đó là bước khởi đầu thực sự với văn chương, vì thực ra các tác phẩm của tôi luôn hấp dẫn người đọc ở những yếu tố khác”, Linh Lê chia sẻ khi được hỏi về cuốn sách vừa ra mắt.

Nhà văn trẻ Linh Lê tên thật là Nguyễn Huyền Linh, sinh năm 1986 tại Đà Nẵng trong một gia đình có truyền thống về văn chương. Cô từng đoạt các giải thưởng dành cho thơ ca và truyện ngắn trong cuộc thi viết do Hội văn nghệ thiếu nhi thành phố Đà Nẵng tổ chức năm 1999.

Đến nay, Linh Lê đã xuất bản các tiểu thuyết: Không khóc ở Kuala Lumpur (2010), Mùa mưa ở Singapore (2011) và mới đây là Người tình Sài Gòn.

Đề tài đồng tính, ngoại tình không còn là mới nhưng với Người tình Sài Gòn, Linh Lê đem đến một góc nhìn khác. Tác giả trẻ đã thành công khi tạo ra một khối cô đơn tuyệt đối. Đứng cạnh nó, tình yêu, dù ở dạng thức nào cũng trở nên bất lực…
 
Nhà văn trẻ Linh Lê: Sex thì có gì để mà câu khách?
Nhà văn trẻ Linh Lê khai thách khía cạnh khác của đề tài đồng tính, ngoại tình trong cuốn "Người tình Sài Gòn"

Ở cuốn sách này, Linh Lê viết về sex không còn nhẹ nhàng, rón rén như “Mùa mưa ở Singapore” hay “Không khóc ở Kuala Lumpur” nữa mà đã có những góc nhìn, miêu tả táo bạo và hot hơn cả, nó là sự rón rén khi bước vào văn chương hay đánh dấu sự trưởng thành cả về văn chương lẫn trong cách sống?

Thực ra, tôi không cho rằng sex trong hai cuốn sách Mùa mưa ở singapore hay Không khóc ở Kuala Lumpur là nhẹ nhàng hay rón rén hơn Người tình Sài Gòn, bởi vì đối với cả 2 tác phẩm ấy, tôi đều không né tránh vấn đề này. Khi nói đến một yếu tố hay một khía cạnh nào đó của tác phẩm thì cần phải đặt yếu tố ấy, khía cạnh ấy trong mối quan hệ với toàn bộ không gian của tác phẩm thì sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn.

Người tình Sài Gòn, yếu tố sex xảy ra giữa những mối quan hệ biệt lập trong xã hội ở một thành phố rộng lớn và sầm uất, nên sẽ rất khác với môi trường yêu đương của sinh viên hay trong một nơi chốn thanh tịnh ở Chinatown. Nhưng để so sánh yếu tố này trong tác phẩm nào của tôi táo bạo hay dữ dội hơn thì rất khó để so sánh.

Tôi không dùng “sex” để đánh dấu sự trưởng thành hay coi đó là bước khởi đầu thực sự với văn chương, vì thực ra các tác phẩm của tôi luôn hấp dẫn người đọc ở những yếu tố khác. Tôi viết bằng tất cả những gì mình có được với một sự nhạy cảm và cầu tiến trong ngòi bút, và tôi tin rằng trong mảnh đất văn chương, luôn có một con đường dành riêng cho mình.

Linh Lê viết về sex khá cởi mở, quan điểm về chuyện này cũng “open”, vậy bạn nghĩ sao về “chữ trinh”?

Về sex thì chẳng có gì để mà bàn ở đây, vì đây không phải là yếu tố để đánh giá, mà là yếu tố để chiêm nghiệm. Còn về “chữ trinh”, đối với cả hai giới, tôi cho rằng được đo bằng nồng độ ái dục dành cho nhau mà không bị biến chất theo thời cuộc.
 
Nhà văn trẻ Linh Lê: Sex thì có gì để mà câu khách?
"Tôi không dùng “sex” để đánh dấu sự trưởng thành hay coi đó là bước khởi đầu thực sự với văn chương, vì thực ra các tác phẩm của tôi luôn hấp dẫn người đọc ở những yếu tố khác..."

Sách văn học hiện nay viết về sex khá nhiều, đặc biệt, với những người viết trẻ, họ coi như đó là một cách để câu khách, là phương tiện nhanh nhất để tiếp cận khán giả, bạn nghĩ sao?

Sex thì có gì để mà câu khách? Đó là chuyện rất tự nhiên, đời thường và là một trong những dục vọng cơ bản của con người trong yêu đương, từ bao đời nay, từ bao thế hệ đã vậy rồi.

Nếu có người viết nào nghĩ vậy thì họ đánh giá đọc giả quá thấp. Người đọc bây giờ rất thông minh, tinh ý và có sự sàn lọc đối với từng quyển sách cầm trên tay. Tôi tiếp xúc với rất nhiều người thích đọc sách, và tôi biết được rằng, để dẫn dụ được người đọc là một chuyện không đơn giản chút nào.

Viết về sex cũng thú vị chứ, yếu tố sex khai thông được rất nhiều điều trong tác phẩm, nên nếu người viết muốn khai thác yếu tố này thì cũng là chuyện thường tình thôi, vấn đề là khai thác được đến đâu? Chứ đưa vào nửa vời hoặc viết không có mục đích, không có ý thức thì người viết tự giết chết ngòi bút của mình ngay ở những trang sách ấy rồi. Và người đọc thì như tôi đã nói, rất dễ dàng nhận ra giá trị một cuốn sách.

Viết một cuốn tiểu thuyết có giống như chuyện yêu đương?

Tôi thích câu hỏi này. Cũng có cái giống đấy, đều hồi hộp và kích thích như nhau, tôi không biết mình sẽ đi đến đâu, kết thúc như thế nào trong quá trình viết một tác phẩm hay trong một cuộc tình với tất cả mọi cảm xúc “hỉ, nộ, ái,ố”. Toàn là nhân vật và người tình dẫn dụ tôi đó chứ.

Nhưng có một cái khác cơ bản, trong tiểu thuyết tôi nhìn thấy mình rõ hơn, còn trong yêu đương, có đôi lúc tôi bỏ quên bản thân mình.

Duy Khánh