Nhà văn trẻ đang đắt hàng

Trong danh mục 10 cuốn sách bán chạy tháng 4/2005 do Fahasa cung cấp có cuốn “Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư”. Đây không phải là lần đầu tiên nhà văn trẻ này có tên trong danh mục sách bán chạy.

Năm 2003 với tập truyện Giao thừa (NXB Trẻ) và năm 2004 với tập truyện ký Nước chảy mây trôi (NXB Văn nghệ TPHCM), nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư đã có tên trong danh mục sách bán chạy. Nhà văn đang sống ở Cà Mau này chắc sẽ ít được bạn đọc biết tên nếu năm 2000 chị không đoạt giải nhất cuộc thi “Văn học tuổi 20” do NXB Trẻ tổ chức.

 

Trước khi dự thi Văn học tuổi 20, Nguyễn Ngọc Tư đã viết truyện đăng Báo Văn nghệ Cà Mau, báo phát hành trong tỉnh nên ít người biết tên chị. Năm 2000, tập truyện Ngọn đèn không tắt của chị đoạt giải nhất “Văn học tuổi 20”, nhiều báo, đài đã phỏng vấn nhà văn lúc đó mới 24 tuổi. Năm 2001, tập truyện Ngọn đèn không tắt đoạt giải B của Hội Nhà văn VN, Nguyễn Ngọc Tư được bạn đọc cả nước biết tên. Từ đó các báo tranh nhau đăng truyện ngắn của chị và chị trở thành nhà văn “đắt sô” nhất khi viết truyện đăng báo xuân.

 

Năm 2000, Nguyễn Ngọc Thuần đang là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, anh đoạt giải ba Văn học tuổi 20 với tập truyện Giăng giăng tơ nhện, bạn đọc chưa chú ý đến anh. Năm 2002, anh đoạt giải nhất cuộc thi Văn học thiếu nhi do NXB Trẻ tổ chức với tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ.

 

Năm 2003, anh đoạt giải nhất cuộc thi Văn học thiếu nhi do NXB Kim Đồng tổ chức với tác phẩm Một thiên nằm mộng. Năm 2004, anh đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi Văn học cho tuổi trẻ do NXB Thanh Niên và Báo Văn Nghệ tổ chức với tác phẩm Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ. Nguyễn Ngọc Thuần đã được bạn đọc yêu thích vì tựa truyện lạ, cách viết lạ và các giải thưởng quý giá.

 

Nguyễn Thu Phương nổi tiếng đầu tiên là một kịch tác gia. Năm 1998, chị đoạt giải A của Hội Sân khấu VN với kịch bản Thời con gái đã xa. Năm 1999, chị đoạt giải thưởng cuộc thi kịch bản sân khấu do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức với kịch bản Nhà có ba chị em. Năm 2000, chị in tập truyện đầu tay Cây lẻ bạn. Năm 2004, chị đoạt giải C Văn học cho tuổi trẻ với tập truyện Luân sinh. Nguyễn Thu Phương còn được khán giả Đài Truyền hình TPHCM biết tên khi bộ phim 30 tập Công ty thời trang do chị viết kịch bản được phát sóng.

 

Đa số bạn đọc mua sách văn học hiện nay là giới trẻ. Họ thích những tác phẩm viết về các vấn đề trong xã hội hiện nay. Họ dễ dàng đồng cảm và chia sẻ với những nhân vật cùng lứa tuổi trong tác phẩm của các nhà văn trẻ. Đa số truyện ngắn đăng trên các báo hiện nay là của các nhà văn trẻ. Báo đã giúp họ “tiếp thị” tên tuổi với bạn đọc. Biên tập viên các NXB cũng thường đọc báo rồi tuyển chọn những truyện đã đăng báo để in thành sách, do đó không thể thiếu truyện của các nhà văn trẻ. Các nhà văn trẻ cũng “tiếp thị” tác phẩm của mình trên mạng.

 

Các bạn trẻ đọc truyện của họ trên mạng nên quen tên và sẵn sàng mua sách của họ khi xuất bản. Nhà văn 23 tuổi Nguyễn Thế Hoàng Linh đã đưa thơ và truyện của anh lên mạng, nhờ vậy nhà văn Hồ Anh Thái mới đọc được và giới thiệu in tiểu thuyết đầu tay của Hoàng Linh Chuyện của thiên tài (NXB Hội Nhà văn - 2005).

 

Công ty Phát hành sách TPHCM biết được sức mua lớn của bạn đọc trẻ, nên đã liên kết với NXB Hội Nhà văn thành lập tủ sách Mùa hè, chuyên in tác phẩm của các nhà văn trẻ, trong tháng 5 này đã phát hành 2 tập truyện: Chỉ cần nhìn thẳng vào mắt của Nguyễn Thu Phương, Hoa ẩn hương của Dương Bình Nguyên và sắp in tác phẩm của các tác giả trẻ: Nguyễn Hồng Dung, Tôn Nữ Thanh Yên...

 

Nếu các nhà văn trẻ đang được các báo ưu ái đăng truyện, các NXB chào đón in sách, thì số phận các nhà thơ trẻ lại hẩm hiu. Không có cuộc thi thơ lớn nào (như thi truyện - giải nhất 25 triệu đồng) để các nhà thơ trẻ có dịp trổ tài lãnh giải và nổi tiếng.

 

Hiện nay chỉ NXB Kim Đồng có tủ sách Thơ với tuổi thơ nhưng chỉ in những tác giả đã thành danh. Không có NXB nào chịu in một tập thơ của một tác giả trẻ, với lý do đơn giản là không bán được. Các NXB chỉ giúp các nhà thơ trẻ khâu biên tập bản thảo, rồi cấp giấy phép để nhà thơ tự bỏ tiền ra in tác phẩm và phát hành. Đấy là lý do các nhà thơ trẻ thường đưa thơ lên mạng. Họ thường viết thoải mái và cũng vì viết thoải mái quá mà đôi khi thơ còn chất thơ!

 

 

Theo Đức Thịnh

Người Lao Động