Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang ra mắt tiểu thuyết “Mất ký ức”

(Dân trí)- Được độc giả biết đến với hai cuốn tiểu thuyết “1981” và “Nhiều cách sống”, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang vừa có buổi tọa đàm ra mắt tiểu thuyết mới “Mất ký ức” tại trung tâm văn hóa Pháp chiều 18/10.

Giống như tên buổi tọa đàm “Nhiều cách sống của những tuổi trẻ bất thường”, “Mất ký ức” tiếp tục đề tài quen thuộc của Nguyễn Quỳnh Trang: thế giới của người trẻ. Với hơn năm mươi tiểu mục xoay quanh 4 nhân vật chính: Jona (người kể chuyện), QT (một ca sĩ nổi danh), Kun (bạn trai thân của Jona) và Run (người đàn ông bí ẩn trong bộ đồ nâu). Tác giả miêu tả họ đều là những người trẻ sống trong hoang mang, bế tắc nếp sống, cách nghĩ đại diện cho lớp thị dân trong một đô thị chật chội và tù túng. Rồi sau nhiếu biến cố, các nhân vật rút ra kết luận: Vào lúc con người thật sự cùng đường, nếu không muốn nằm lại tắt thở trong đáy bùn, họ phải bò, trườn, đi tìm chỗ tựa nương, trong VÔ THỨC.

Mặc dù câu chuyện có tới bốn nhân vật song người đọc có cảm giác họ chỉ là nhiều mặt trong một con người. Bởi cuối cùng các nhân vật đều tìm đến nhau, liên kết với nhau. “Mất ký ức” không có một thời điểm, thời gian cụ thể nhưng lại rất rõ ràng về mặt không gian. Đích thị Nguyễn Quỳnh Trang đang mô tả không gian sống của người Việt: đô thị bụi bặm, bẩn thỉu và nhếch nhác, con người dù có vùng vẫy cũng không thoát ra được không gian ngột ngạt ấy. Song không vì thế mà “Mất ký ức” trở nên u uất, như nhà văn Lê Minh Khuê nhận xét: “Miêu tả sắc sảo là điểm mạnh trong truyện ngắn của Nguyễn Quỳnh Trang song đôi lúc người đọc vẫn thấy lạnh lẽo, nản lòng. Ở tiểu thuyết, cô đã tiến thêm được một bước khi cho người đọc thấy tương lai ở phía trước. Dù câu chuyện ban đầu tản mạn mỗi tiểu mục nói về một nhân vật nhưng cuối cùng tác giả đã kết luận được: Cuộc sống đáng quý, hãy sống hết lòng”.

Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang

Điểm đặc biệt ở “Mất ký ức” là tác giả không miêu tả chi tiết ngoại hình nhân vật mà đi sâu vào đời sống nội tâm mỗi câu chữ nhằm lật trái tâm tư của nhân vật ra vậy. Như đánh giá của nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan: “Điều gì làm nên sức lôi cuốn của một câu chuyện về cõi nội tâm? Là tính thành thật của câu chuyện đó. Nguyễn Quỳnh Trang cho thấy rõ trong tác phẩm này cái thiên hướng và năng lực của cô kể một câu chuyện lớn trong một quy mô nhỏ”. Lý giải về điều này, Nguyễn Quỳnh Trang chia sẻ: “Viết là cách duy nhất để tôi đi tìm ý nghĩa cho sự tồn tại của mình, để trả lời cho những câu hỏi: tôi từ đâu tới, tôi là ai. Tôi hoang mang, quẩn quanh nên mới viết và viết chính là quá trình tôi đi tìm tôi. Chính vì lẽ đó mà nhân vật của tôi cũng buồn như vậy. Tôi muốn đi sâu vào đời sống tinh thần, nội tâm của họ để hiểu chính mình”.

Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang cùng các diễn giả tại buổi tọa đàm
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang cùng các diễn giả tại buổi tọa đàm

Trong tiểu thuyết có nhiều đoạn, cảnh viết về sex song không phải vậy mà “Mất ký ức” trở nên thô hay câu khách như nhiều trang văn dễ dãi hiện nay. Theo cách nói của nhà văn Lê Minh Khuê thì “Viết về sex là điểm mạnh của Nguyễn Quỳnh Trang, cô ấy viết cảnh sex mang tâm trạng của nhân vật, qua đó gửi gắm ý nghĩa về cuộc sống”. Như Nguyễn Quỳnh Trang đã tâm sự về cuốn sách của mình: “Tôi viết nhiều về sex, về tâm trạng u uất, hoang mang của người trẻ nhưng đó chỉ là một cái bẫy để lừa độc giả. “Mất ký ức” mượn cái bẫy ấy để giúp độc giả thoát khỏi quá khứ và tương lai, chỉ sống cho hiện tại”.

Nha Trang