1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Viết văn phải có mẹo!”

Từ lúc chuyển sang viết tiểu thuyết và không mấy thành công, có vẻ Nguyễn Huy Thiệp không còn “làm mưa làm gió” nữa. Việc Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật (Chevalier des Arts et des Lettres) cho ông vào ngày 9/7 vừa qua lại một lần nữa làm cái tên Nguyễn Huy Thiệp “nóng” lên.

Nhiều nhà phê bình đã đánh giá về truyện ngắn của ông, hay có, dở có. Nhà nước Pháp cũng trao huân chương cho ông để vinh danh những truyện ngắn. Vậy chính ông, ông đánh giá những truyện ngắn của mình như thế nào?

 

Tôi không phải là người viết nhiều. Lượng truyện ngắn của tôi cả lớn, cả nhỏ là hơn 50 truyện nhưng không truyện nào giống truyện nào. Tôi rất có ý thức viết bằng nhiều kiểu khác nhau. Cũng có truyện chỉ là một lát cắt của cuộc sống, như Sang sông chẳng hạn - từ bờ bên này sang bờ bên kia là hết truyện.

 

Nhưng cũng có truyện kéo dài theo chiều dọc của nó, ví dụ như Tướng về hưu, kể từ khi ông Huấn về hưu cho đến lúc chết, hay cũng có những truyện kéo dài cả một thế kỷ, như truyện Giọt máu với lời đề từ “đem chuyện trăm năm giở lại bàn” tức là câu chuyện của trăm năm thông qua số phận của một dòng họ, hay cũng có những câu chuyện tưởng như vu vơ nhưng thực ra nó rất có ý nghĩa về số phận con người, về đạo nói chung như Chuyện ông Móng, Chuyện bà Móng, Chú Hoạt tôi, hoặc cũng có chuyện mang tính liên hoàn như Con gái thủy thần, như Những ngọn gió Hua Tát.

 

Không phải ai cũng làm được sự phong phú về nội dung và hình thức của truyện ngắn. Tôi không chủ quan chứ trong văn học sử Việt Nam, từ khi có chữ quốc ngữ đến nay, số người có thể vinh danh trong thể loại truyện ngắn không nhiều.

 

Ông có kỷ niệm sâu sắc với truyện ngắn nào?

 

Truyện nào cũng có kỷ niệm sâu sắc. Nếu không có kỷ niệm sâu sắc, không có tình huống như tôi đã nói ở trên: Đặt tình cảm của mình vào tình trạng hiểm nghèo thì chẳng có gì cả, thì không thể có những tác phẩm hay được.

 

Người ảnh hưởng nhiều nhất đến những trang viết của ông trong giai đoạn này?

 

Tôi là người đọc sách nhiều. Có những người tôi rất thích, rất nể như Guy de Maupassant, Puskin, Bồ Tùng Linh... đấy là những người có ảnh hưởng lớn tới truyện ngắn của tôi.

 

Cách đây 2 năm, hình như Bộ Văn hóa Pháp đề nghị trao Huân chương Văn học Nghệ thuật cho ông nhưng lúc đó ông chưa sẵn sàng để nhận. Lý do nào để vào thời điểm này ông đồng ý nhận huân chương?

 

Đúng là cách đây 2 năm tôi đã có thể nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật do đề nghị từ phía Chính phủ Pháp nhưng lúc đó bản thân tôi có nhiều cái chưa ổn. Chưa ổn ở trong cách tổ chức cuộc sống của tôi. Bây giờ mọi chuyện đã khá hơn. Tôi đã trải qua một giai đoạn dài quan trọng, đã có 20 năm cầm bút, việc nhận huân chương cũng là một cái mốc, một sự đánh dấu lý thú, không phải ai cũng đạt được.

 

Dường như ông được tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật chỉ là việc của người Pháp, không nhiều người Việt vồn vã với sự kiện này?

 

Khi thông tin tôi được Chính phủ Pháp tặng huân chương lan ra, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn, email chúc mừng, song phần lớn đều là từ người nước ngoài hoặc là Việt kiều. Họ biết rõ thông tin này, họ hiểu những giá trị này. Việc nhiều người Việt không hiểu rõ nội dung và ý nghĩa của tấm huân chương nhiều khi cũng khiến cho mình thấy tủi thân.

 

Khi ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Tuổi 20 yêu dấu”, nhiều người đọc đã phải thốt lên “Nguyễn Huy Thiệp chết rồi”, người ta thất vọng về Nguyễn Huy Thiệp tiểu thuyết so với Nguyễn Huy Thiệp truyện ngắn, nhưng ông vẫn viết tiếp hai tiểu thuyết “ba xu” nữa, có ẩn ý gì ở đây?

 

Viết văn phải có mẹo. Cũng như trong cuộc sống phải khôn ngoan, dân gian có câu “ngu thì chết”. Một trong những kinh nghiệm quan trọng của cuộc đời là kinh nghiệm xuất-xử, lúc nào ra mặt, lúc nào lui đi. Đấy là kinh nghiệm để đời cho tất cả trí thức Việt Nam từ cổ chí kim. Người ta lúc phải giương đông, lúc phải kích tây, lúc phải làm điều nọ, lúc phải làm điều kia, nếu không thì chẳng có giá trị tinh thần mà cũng không có giá trị vật chất.

 

Tức là việc ông viết tiểu thuyết là một mẹo…?

 

Có thể nói thế cũng được, nhưng tôi không cố tình lập ra mẹo ấy. Tất cả mọi thứ cứ đến với mình. Nói mẹo thì hơi dung tục, có thể nói đấy là thái độ ứng xử phù hợp nhất với tôi trong hoàn cảnh ấy, trong tình trạng tinh thần và tình cảm lúc đó.

 

Công việc của ông, thực ra cũng “biến hóa khôn lường”?

 

Viết văn là một nghề ảo. Tôi bước vào làng văn với tư cách là nhà văn viết truyện hư cấu. Hư cấu tức là ảo rồi, biến một cái vô hình thành hữu hình không phải dễ dàng. Ở ta, và cả trên thế giới, người viết rất nhiều nhưng đa số là hữu danh vô thực, đều là danh hão. Nghề nghiệp ảo rất dễ đưa lại những giá trị ảo, không cẩn thận người viết dễ ăn đòn, thậm chí tha hóa thành những kẻ tồi tệ không ra gì.

 

Dường như cái thời ông nghèo phải đi buôn, làm gốm, bán hàng thì ông viết hay hơn. Bây giờ danh tiếng đầy đủ, tự nhiên văn lại nhạt đi?

 

Cũng có phần đúng. Danh lợi có hai mặt. Từ cái danh ấy kiếm tiền kiếm lợi, cũng không xấu. Nhưng mà mặt khác nếu không cẩn thận, không biết kiềm chế thì danh tiếng cũng có thể dẫn đến những điều lố bịch.

 

Sau ba cái “mẹo tiểu thuyết” vừa rồi, ông sẽ viết gì?

 

Tôi đã nói rồi, kinh nghiệm xuất-xử là điều quan trọng. Có lẽ sau việc nhận huân chương cũng đã đến lúc tôi phải lui đi. Mình nổi tiếng mãi, thành công mãi cũng phiền cho những người thân, phiền cho con cái.

 

Theo Hạnh Nhi

Người Lao Động