1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nhà văn Hữu Mai đã ra đi...

Do tuổi cao sức yếu, sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, đại tá - nhà văn Hữu Mai đã qua đời vào sáng 17/6.

Nghe nói nhà văn Hữu Mai đang nằm viện, tôi lạnh cả người. Phải vào viện là bệnh tình nặng rồi, vì anh rất sợ vào bệnh viện.

Ốm đau anh cũng không vào, dù phải nằm vài ba ngày thì cũng mất hàng chục trang viết, trong lúc nhà văn đang chạy đua cùng thời gian. Bao dự định còn phía trước, nhiều tập sách viết dở, anh quên là đã sang tuổi 81, vẫn nghĩ mình khỏe lắm. Với anh viết văn là niềm đam mê và là hạnh phúc lớn lao.

 

Phòng cấp cứu hồi sức như rộng ra. Màu trắng lóa của giường bệnh lạnh lẽo, trắng tinh những bộ áo quần bác sĩ, y tá không làm cho căn phòng ấm lên, màu xanh xỉn những bức tường vô tri vô giác thật đáng buồn - chứng kiến bao nhiêu người qua đây, rồi, không ít người, ra đi mãi mãi...

 

Anh nằm đó giữa những ống nhựa truyền các loại thuốc, những đường dây dẫn đến máy theo dõi nhịp đập con tim, từng hơi thở... Nhìn anh bây giờ, không còn ai nghĩ đó là một nhà văn nổi tiếng, suốt đời rút tâm lực cho văn học, luôn hướng về cái đẹp cái thiện ở đời... Chỉ còn là một con bệnh, trên mình, có khăn che lên tấm thân bị vắt kiệt, trong nhịp thở trầm trầm... Anh nằm đó, khuôn mặt vẫn đầy đặn - chắc là do thuốc, mắt nhắm nghiền, gần như bất động không còn biết cõi đời và những người thân yêu đang hồi hộp, lo lắng vây quanh... Đã mấy hôm nay rồi, sức khỏe anh trong tình trạng buồn như thế... Tôi cố ghìm để không bật tiếng khóc.

 

Một buổi tối, hai mươi năm trước, tôi và anh hớt hơ hớt hải vào đây, khi nghe tin nhà thơ Xuân Diệu cấp cứu. Cũng trên chiếc giường như giường anh nằm bây giờ, Xuân Diệu đang thoi thóp. Cũng những dây nhựa xanh đỏ, vô cảm, từ con tim nối với màn hình theo dõi nhịp đập, hơi thở cuối cùng...

  

Hồi ấy anh là Ủy viên Ban Thư ký, phụ trách công tác hội viên của Hội Nhà văn. Anh cùng Ban Hội viên chăm lo cho đời sống các nhà văn, nhất là đối với các nhà văn cao niên. Từ việc trợ cấp sáng tác đến việc hiếu, việc hỷ. Anh đến thăm các nhà văn ốm đau và hầu như, không đám tang nhà văn quá cố nào vắng anh.

 

Tôi còn nhớ, ngày giỗ đầu nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Kim Lân, nhà văn Hữu Mai cùng chúng tôi lên Nhã Nam, về ấp Đồi Cháy cùng gia đình làm giỗ, sao cho đỡ tủi người chín suối. Vì bận nhiều việc ở Hội không dứt ra được nên phải đi ban đêm, sáng mai cho kịp giỗ... Hồi ấy các nhà văn sống với nhau tình nghĩa...

 

Thực ra, về tuổi tác, tôi chỉ hơn tuổi con anh, nhưng vì nhiều năm trong quân đội, chúng tôi cùng ở Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. Quân ngũ không phân biệt tuổi tác, xưng hô với nhau là đồng chí, thân mật thì em-anh. Sau này, tôi vẫn giữ cách xưng hô như thế, còn là vì tôi coi nhà văn như người anh lớn trong gia đình.

 

Tôi kính trọng anh từ những ngày trên ghế nhà trường, đọc những trang sách của anh viết về những người lính trên Cao điểm cuối cùng ở Điện Biên Phủ. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, được xem Vùng trời chuyển thể từ tiểu thuyết lên phim. Không khí hừng hực của cả dân tộc không chỉ ở mặt trận trên cao, cả trên mặt đất, đâu cũng bình tĩnh, tự tin, sẵn sàng đối mặt với kẻ thù hung bạo.

 

Từ Cao điểm cuối cùng đến Vùng trời ngòi bút yêu thương, quý mến của anh dành cho những người lính - những anh Bộ đội cụ Hồ chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

 

Dũng khí của lớp trẻ chúng tôi, ra trận hồi ấy, phơi phới tự hào vì trong hành trang, có những trang sách của các nhà văn trong đó có Cao điểm cuối cùngVùng trời của anh... Sau này đọc những tác phẩm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi càng kính trọng anh hơn. Không phải vị tướng nào anh cũng viết. Anh âm thầm học hỏi, dũng cảm vượt qua những áp lực dư luận một thời, tự nâng mình lên để có những trang viết về một con người vĩ đại của thời đại Hồ Chí Minh - nhà chính trị lỗi lạc, thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp.

 

Sáng 17 tháng 6, tức là mồng 3 tháng 5 Đinh Hợi, lúc 10 giờ, tôi lại vào thăm anh. Nhưng từ lúc 9 giờ, con tim nhà văn chiến sĩ - đại tá Hữu Mai đã ngừng đập. Một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn nữa lại ra đi! Thế hệ các nhà văn 30 năm chiến tranh lần lượt vào cõi vĩnh hằng, để lại một khoảng trống vắng, không gì có thể bù đắp được trên bầu trời văn học nước nhà. Nỗi buồn mênh mông xâm chiếm hồn tôi!

 

Bài viết nhỏ này là nén hương xin khóc anh nơi chín suối!

 

Nhà văn Hữu Mai tên khai sinh là Trần Hữu Mai, sinh năm 1926 tại Thanh Hóa. Quê gốc của ông ở Nam Định. Với hai bút danh Hữu Mai và Trần Mai Nam, nhà văn Hữu Mai đã in được khoảng 60 đầu sách.

 

Những tác phẩm chính của ông bao gồm: Cao điểm cuối cùng, Vùng trời, Đất nước, Người lữ hành lặng lẽ, Đêm yên tĩnh và đặc biệt là tiểu thuyết "dài hơi" Ông cố vấn từng làm biết bao thế hệ độc giả say mê.

 

Ông cũng là người được tin tưởng lựa chọn thể hiện những tập hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ... Với những cống hiến của mình, nhà văn Hữu Mai đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001 cho các tiểu thuyết: Cao điểm cuối cùng, Vùng trời, Ông cố vấn; Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng (1989), Giải A văn xuôi Hội Nhà văn (1990), Giải A văn học về đề tài an ninh Bộ Công an - Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Do tuổi cao sức yếu, sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, nhà văn Hữu Mai đã qua đời vào sáng 17/6. Tang lễ của ông được tổ chức từ 12 giờ sáng thứ tư (20/6) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

 

H.Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo Ngọc Phúc

Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm