Nhà văn Di Li gây bất ngờ khi viết tiểu thuyết về giới tính thứ 4
(Dân trí) - Nữ nhà văn Di Li vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết trinh thám “Câu lạc bộ số 7”. Đây là cuốn tiểu thuyết khiến nhiều người trong văn đàn lẫn độc giả khá bất ngờ bởi viết theo thể loại trinh thám nhưng chủ đề lại về giới tính thứ 4.
Nhân dịp ra mắt cuốn tiểu thuyết trinh thám “Câu lạc bộ số 7”, nữ nhà văn Di Li đã có một buổi tọa đàm “Văn học trinh thám Việt Nam và Tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Di Li” vào ngày 18/1, tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Buổi tọa đàm có sự góp mặt của PGS.TS Văn Giá - Trưởng khoa Viết văn, Báo chí - ĐH Văn hóa Hà Nội, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, NSƯT Quốc Trọng, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà văn Di Li... đã cùng trao đổi về vai trò của trinh thám đối với một nền văn học muốn phát triển toàn vẹn và đồng đều. Ngoài ra, buổi tọa đàm cũng tập trung vào tính hiện đại trong nội dung, đề tài và văn phong của hai cuốn tiểu thuyết của nhà văn Di Li.
Theo giới chuyên môn, nhà văn Di Li là tác giả đương đại đầu tiên tiếp nối truyền thống của dòng văn học trinh thám với hai cuốn tiểu thuyết “Trại Hoa Đỏ” (2009) và “Câu lạc bộ số 7” (2016). Kể từ sự ra mắt lần đầu tiên của “Trại Hoa Đỏ” đến “Câu lạc bộ số 7”, nhà văn Di Li đã định hình được phong cách và khẳng định vị trí của mình trong nền văn học trinh thám Việt Nam.
Với cuốn tiểu thuyết 540 trang, như thường lệ, Di Li thách đố độc giả đi tìm lời giải “Ai là thủ phạm?” và bí mật chỉ được hé lộ ở chương áp cuối.
“Câu lạc bộ số 7” tập trung vào đề tài chưa từng được đề cập đến trong văn học: Giới tính thứ tư. Cuốn tiểu thuyết dẫn dụ người đọc qua những câu đố thắt tim khi lần lượt chứng kiến năm vụ án mạng tưởng chừng chỉ là những tai nạn thông thường nếu như nạn nhân là các thiếu nữ xinh đẹp không có cùng một điểm chung là trước khi chết đều bước chân lên chiếc taxi mang thương hiệu Hoa Sen.
Cả phòng cảnh sát hình sự, trong đó có Phan Đăng Bách và Mai Thanh (nhân vật chính của “Trại Hoa Đỏ”) đau đầu vì không tìm thấy bất cứ dấu vết sinh học, tang chứng nào để lại hiện trường, cũng như không thể tìm ra động cơ của những vụ giết người. Đối tượng tình nghi hàng đầu là Vũ Phương Đăng, con trai của một giám đốc ngân hàng, cũng là bạn trai của nạn nhân Lê Hoàng Mai. Nhưng những gì mà các cảnh sát hình sự lần lượt phát hiện ra đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. “Câu lạc bộ số 7” còn là một chuyện tình bi thương và đau lòng.
“Tác phẩm của tôi nói về giới tính thứ tư và tôi mong muốn công chúng sẽ hiểu hơn về những con người này. Và khi hiểu, sẽ không còn kì thị và nhòm ngó cuộc sống của họ nữa”, Di Li nói.
Nhà văn Di Li hiện là giảng viên tiếng Anh của trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội, giảng viên PR của trường ĐH Hòa Bình, hội viên Hội nhà văn Châu Á-Thái Bình Dương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Chị đã có 28 đầu sách được phát hành bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, bút ký, sách chuyên ngành và sách dịch. Chị cũng có một tập truyện ngắn đã được dịch sang tiếng Anh với nhan đề “The Black Diamond” và dịch sang tiếng Hà Lan với nhan đề “Cocktail”.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Di Li có một phẩm chất vô cùng quan trọng trong sáng tạo thể loại trinh thám, đó là sự kiên nhẫn hay khả năng mai phục. Kiên nhẫn gieo những chi tiết quan trọng một cách tưởng vô tình và rải rác trong từng trang sách nhưng với một ý đồ rõ ràng và thông minh. Chính điều đó làm nên hiệu quả là diễn biến của vụ án hoàn toàn diễn ra như chính nó ở ngoài đời chứ không phải sự sắp đặt của tác giả. Yếu tố này làm nên sự hấp dẫn và hồi hộp cho tác phẩm.
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Việt Hà cho rằng, Câu lạc bộ số 7 là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn trẻ trung đẫm đầy ly kỳ, được viết dưới một chủ đề còn khá lạ ở ta. Những tội ác mang màu sắc nghi lễ tôn giáo, cho dù đấy chỉ là một tà giáo. Sau “Trại Hoa Đỏ”, Di Li đích thực là một khuôn mặt hiếm hoi của thể loại tâm lý hình sự xã hội Việt Nam.
Đạo diễn Quốc Trọng nhận xét: “Câu chuyện khiến người đọc bị cuốn theo một cách mê mụ bởi các chi tiết và tình huống. Chính sự đan cài khéo léo các tình tiết tưởng chừng vô nghĩa đã khiến độc giả luôn bị nhầm lẫn trong việc đoán định câu chuyện. Tội ác, một khi được nhào nặn với đức tin bệnh hoạn và mù quáng, sẽ trở thành thảm họa của cộng đồng. Căng thẳng. Hồi hộp. Trộn lẫn không khí đôi phần ma mị dường như vẫn là phong cách mang đậm chất Di Li trong “Câu lạc bộ số 7”.
Hà Tùng Long