“Nhà có 5 anh em trai”: Giữ được “chất” Nguyễn Huy Thiệp
“Nhà có 5 anh em trai” vẫn khá gần với nguyên tác “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp ở sự cay đắng, chua chát mà vẫn đủ đầy bao dung, nhân ái.
Chuyện kịch xảy ra “chậm” hơn khoảng 20 năm so với thời điểm Không có vua được viết. Những nhân vật chính cũng được thay đổi về “hồ sơ”: một ông anh cả bán giò chả, một ông anh khác chạy xe ôm, một ông anh khác nữa được học hành nhưng từng đi tù. Chỉ có, cậu em bị tâm thần và Đức - cậu sinh viên đại học là còn chút gì giống trong cốt truyện. Rồi, gần như toàn bộ tình tiết của Nhà có 5 anh em trai cũng là một câu chuyện mới, với những chi tiết được “cập nhật” đầy màu sắc của cuộc sống hôm nay: chuyện nhà, chuyện tiền, chuyện vợ chồng, anh em... Chỉ có “xương sống” mà Nhà có 5 anh em trai “mượn” từ truyện ngắn Không có vua vẫn giữ nguyên: một cô gái trẻ về làm dâu trong gia đình có 5 anh em trai.
Cái chết ấy cũng là nút thắt, khiến từng nhân vật thức tỉnh, trở về với sự kiềm tỏa của đạo đức. Người ta tha thứ cho nhau, nhưng vẫn còn đó băn khoăn của người vợ trẻ: “Có người nói đời người như một dòng sông, người sống luôn phải cố bơi để khỏi bị cuốn vào vòng xoáy. Còn tôi, tôi nghĩ chỉ cần làm việc chăm chỉ, yêu thương nhau. Nhưng như thế liệu đã đủ chưa?”.
Đạo diễn - NSƯT Anh Tú khá thành công khi mạnh dạn đưa vào vở diễn những chi tiết tưởng chừng sống sượng và trần trụi: cảnh sinh hoạt vợ chồng với những tiếng động chỉ sau một bức vách mỏng; cảnh em chồng nhìn trộm chị dâu thay đồ; cảnh người vợ trẻ đôi khi run rẩy, bâng khuâng trước những vuốt ve sàm sỡ...
Dù bị phủ lên cái bóng quá lớn của Không có vua, Nhà có 5 anh em trai vẫn có thể được coi là một vở diễn khá khi đặt trong mặt bằng chất lượng của sân khấu hiện tại.
Theo Thể thao Văn hóa