Nguyễn Vĩnh Tiến “thăng” cùng “Giọt sương bay lên”
(Dân trí) - Sau một thời gian dài cùng cộng tác, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến và “Thị Mầu” Ngọc Khuê đã cho ra đời một album có tựa đề “Giọt sương bay lên”. Đây chỉ là “viên gạch” đầu tiên trong dự án hợp tác dài hơi của hai người.
CD của anh và Ngọc Khuê có gì mới so với những ca khúc riêng lẻ mà Khuê đã thể hiện trên sân khấu của Bài hát Việt?
Album đầu tay của tôi (hay gọi là Ngọc Khuê Vol 3) lấy tên là “Giọt Sương Bay Lên”. Đây là tên ca khúc được giải nhất phong cách dân gian đương đại trong Bài Hát Việt 2005 do VTV3 tổ chức. Ca khúc này được xếp thứ 7 theo thứ tự các bài hát trong album.
Theo tôi, tất cả các bài hát này đều mới vì chúng được phối khí và được mix một cách thống nhất theo phong cách dân gian đương đại. Các nhạc cụ dân tộc được phối hợp nhuần nhuyễn trên nền nhạc điện tử dưới bàn tay của nhạc sỹ Phan Cường, một người cũng đạt giải phối khí hiệu quả năm 2005.
Trong album, anh tâm huyết bài nào nhất?
Bài nào tôi cũng thích, và khi tham khảo nhiều người, mỗi người lại chọn một “tiêu điểm” khác nhau trong album. Điều đó chứng tỏ album có rất nhiều sự lựa chọn cho người nghe. Có người thích nhất bài “Bà tôi”, có người lại chọn “Lời hát vòng nước xoáy”.
Người sáng tác thường có cảm nhận không chính xác lắm về những tác phẩm của mình, nhưng tôi cũng có một “tiêu điểm” của riêng mình sau khi biên tập xong toàn bộ album, đó là bài : “Chim bông lau tìm bóng”.
Nhiều người còn nhắc đến hai ca khúc khác của anh rất “nổi tiếng trên mạng” đó là “Bóng Anh Hùng”, và “Hát ru @”, chắc anh định để dành cho một giọng ca nam đặc biệt?
Ngọc Khuê hát rất hay, nhưng những bài hát kể trên lại mang những tâm sự của một người đàn ông, điều đó một giọng ca nữ thật khó thể hiện. Sau album “Giọt sương bay lên” mà tôi thấy đặc biệt phù hợp với Ngọc Khuê, tôi đang chờ đợi một sự hợp tác cho album tiếp theo với giọng ca nam hết sức trữ tình, truyền cảm và cũng hùng tráng, đó là Trọng Tấn.
Nghe nói, anh còn có khá nhiều những ca khúc theo thể lọai hip hop, jazz, rock…, khi nào thì anh sẽ công bố? Hay là những ca khúc ấy anh chỉ sáng tác rồi “bỏ túi” vì không vượt qua được cái bóng thành công của “Bà tôi”,” Giọt sương bay lên”, “Giấc mơ dai dẳng”?
Mỗi tác phẩm sẽ có một đời sống riêng nằm ngoài dự đoán và kiểm soát của chính tác giả cũng như các lớp công chúng khác nhau. Vấn đề thể loại, theo tôi, vẫn luôn đưa chúng ta vào cái bẫy của “tính thời đại” ước lệ bởi vì mỗi khi nghe âm nhạc của một thể loại cất lên, chúng ta thường “bị nhốt” vào khung thời đại mà thể loại đó thống trị hoặc có nhiều đỉnh cao. Điều đó cản trở chúng ta tiếp cận một cách trực giác nhất với đương đại.
Như vậy, theo anh, đương đại là gì?
Đương đại là cái đang song hành cùng chúng ta. Nó là tất cả sự pha trộn của các dòng chảy khác như Hiện đại hay Hậu hiện đại. Đừng nghĩ đến một sự nối tiếp thuần tuý, hãy nghĩ đến sự song hành, đồng biến. Phối khí tạo nên những trang phục cần thiết cho ca khúc. Nhưng nếu phối khí theo thể loại cụ thể như hip-hop, hoặc rock thì cũng nhanh chóng lạc hậu nếu như không cảm nhận được đúng đắn về cái gọi là tinh thần đương đại.
Anh đến với thơ trước, nhưng dường như thơ đang “chết yểu” trong biểu đồ thành công của anh? Anh nghĩ về điều này như thế nào?
Đó là “lắng”, không phải “chết yểu”. Khi còn sống, con người không hề mất đi những năng lực,cảm giác hay nhận thức đã từng có. Chỉ có điều nó trôi nổi trong chúng ta với những tỷ lệ không đồng đều. Có một ngày, chúng sẽ lại thay đổi cơ cấu.
Chính vì vậy, “Những bình minh khác”- tập thơ đầu tay của tôi xuất bản năm 2002 đã cố gắng nói rằng: Khi bạn thức dậy, mỗi ngày sẽ có một bình minh khác đến với bạn và cũng đừng bao giờ nghĩ rằng khi bạn đang thức, vô số những năng lực của bạn vẫn còn ngủ quên mê mệt trong cơ thể.
Đối với anh, thơ ca bây giờ có ý nghĩa như thế nào?
Đầu năm 2007, tập thơ thứ hai của tôi sẽ được xuất bản. Đó chính là ý nghĩa. Tập thơ thứ hai được xuất bản sau tập thứ nhất 5 năm và có tên là Giữa mùa động vật âm vang.
Xin cảm ơn anh.
Thường Xuân