Nguyễn Thế Hoàng Linh và "cuộc trả lời phỏng vấn cuối cùng"

Đang học dở năm thứ ba Đại học Ngoại thương, Nguyễn Thế Hoàng Linh đột ngột bỏ ngang để đi... viết tiểu thuyết. Chuyện còn xôn xao hơn khi tác phẩm mới toe “Chuyện của thiên tài” của Hoàng Linh ra mắt.

Người trẻ, do tuổi tác, thường mắc bệnh đề cao cái tôi. Người ta nhận xét, cuốn tiểu thuyết của anh mang sắc thái đó. Anh nghĩ sao?

 

Ảo tưởng về bản thân? Với tôi, đã là chuyện của... 10 năm trước. Nhưng tôi tự xét thấy, còn có những cánh cửa trong tác phẩm mà người đọc chưa gõ vào… Trong một thị trường văn chương rộng mở, phải chấp nhận khen - chê.

 

Trong đoạn đề từ tiểu thuyết, anh nói về sự “đóng vai” và “nhập vai”. Điều đó Shakespeare đã nói cách đây vài thế kỷ rồi, tại sao anh còn cho vào tiểu thuyết của mình?

 

Tôi đã quen với kiểu “săm soi” thế này. Tôi không cho là mình quá mới mẻ. Có thể sự giới thiệu của nhà văn Hồ Anh Thái cho tác phẩm đã là một ưu ái quá tầm đối với tôi. Thú thật, tôi chưa hề đọc Shakespeare một cách tử tế, ngoài những đoạn trích trong sách giáo khoa mà bây giờ tôi chỉ nhớ mang máng. Nhưng tôi nghĩ "nhập vai", "đóng vai" luôn là vấn đề "nóng" của mọi thời đại.

 

Hơn nữa, nếu nhân loại tiếp thu được hết những tinh hoa tư tưởng của tiền nhân, họ đã trở nên lớn lao, mạnh mẽ và tử tế hơn bây giờ rất nhiều. Nhưng hình như vẫn chưa đến cái mức đó. Cho nên nếu hậu thế có “nhai lại” cũng không phải… quá tệ.

 

Nói thế, có vẻ anh ít đọc, mà người viết văn thì cần đọc thật nhiều. Anh nghĩ mình cần thay đổi những gì?

 

Gần đây tôi bắt đầu có ý thức đọc. Triết học thì bập bõm. Nhiều triết gia nổi tiếng của phương Đông lẫn phương Tây, tôi chỉ nghe láng máng cái tên chứ chưa đọc bao giờ. Về văn học, gần đây tôi có đọc J.Paul Satre, nhà văn hiện sinh từ những năm 60 của thế kỷ trước. Các nhà văn VN trừ một số trích đoạn trong sách giáo khoa và truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

 

Vậy những sáng tác của anh hầu hết là theo bản năng, kể cả chuyện làm thơ nữa...

 

Nhà tôi không ai theo nghề viết. Bố tôi làm kỹ sư, mẹ là giáo viên. Hồi bé, tôi đã rất thích sáng tạo và có ý thức sáng tạo. Tôi làm thơ từ năm lớp 6. Bây giờ cũng chẳng nhớ mình làm được những gì... Tôi từng gửi khoảng năm chục bài thơ đến một số báo. Chẳng báo nào in. Tất nhiên trong số đó có nhiều bài dở, nhưng cũng có đôi bài, tôi tự thấy được.

 

Tôi học môn Văn ở trường rất dở. Tôi cũng rất ghét bị bạn bè gọi là "nhà văn", nghe đao to búa lớn quá! Mỗi khi viết, tôi chỉ cảm thấy có một động lực duy nhất thúc đẩy. Đó là mong muốn làm một cái gì đó để cải tạo thế giới này tốt đẹp hơn. Tôi cũng từng bị va vấp, đổ vỡ trong tình cảm, trong cuộc sống… Tất cả điều đó đã thúc tôi đến bàn viết.

 

Nhưng con đường văn chương thường chông chênh, anh làm thế nào để đi vững và cải tạo thế giới như anh mong muốn?

 

Đấy là định kiến chủ quan. Với tôi, viết lách như một sự khám phá, như một cuộc mạo hiểm. Tôi nghĩ ngôi nhà văn học luôn rộng cửa cho tất cả mọi người. Ai cũng có quyền bước vào và có quyền đi ra. Với tôi, viết văn cũng giống như đi làm nhân viên thiết kế đồ họa hay đi bơm xe hoặc làm… xe ôm. Quan trọng là mình thấy thú vị và mình thực sự muốn dấn thân, muốn trải nghiệm. Tôi thích sự đào thải và chấp nhận bị đào thải… Sự thất bại đôi khi cũng giúp ích.

 

Bằng tuổi anh(23 tuổi)  nhiều người đã phải tất tả ngược xuôi vào đời để kiếm sống. Anh nghĩ sao về công việc hiện tại?

 

Tôi từng tự chán ghét mình vì thấy mình chả được tích sự gì. Bây giờ có nhuận bút, có thêm khoản tiêu vặt, không làm phiền gia đình nữa. Nhà tôi cũng khá giả. Bố mẹ tôi ứng xử rất có văn hóa với con cái cho dù thất vọng về nó. Xét ở khía cạnh nào đấy, tôi vẫn là "đứa trẻ con".

 

Tại sao anh có ý nghĩ bỏ ngang việc học để viết văn?

 

Bỏ học không phải là quyết định đột ngột của tôi. Trước khi đặt chân vào Đại học Ngoại thương, tôi đã nghĩ sẽ học hành đàng hoàng và theo nghề kinh doanh. Nhưng học đến năm thứ ba thì tôi bảo lưu kết quả vì càng ngày càng mê viết kinh khủng mà không thể lý giải được do đâu. Rồi tôi phải xin đi học lại do áp lực gia đình.

 

Nhưng sau đó, vẫn cảm thấy việc học không lôi cuốn bằng việc viết. Nó đã trở thành một gánh nặng quá nhàm chán. Khi có nhiều sự lựa chọn, trong trường hợp này là hai, tôi sẽ bỏ đi sự lựa chọn nào ít hứng thú nhất. Và tôi đã phải “đấu tranh” với gia đình để mình được sống đúng là mình.

 

Gia đình anh nghĩ sao về cuốn tiểu thuyết?

 

Ông nội tôi và bố tôi rất thích thú. Ban đầu, bố mẹ tôi rất buồn vì tôi. Mọi người đều nghĩ tôi mắc bệnh trầm cảm, tức là bị… thần kinh. Bố mẹ đã dẫn tôi đến bác sĩ khám. Kết quả, bác sĩ bảo tôi bị suy nhược cơ thể và thiểu năng tuần hoàn não.

 

Ngoài văn chương, còn gì khiến anh hứng thú?

 

Tôi thích chơi game điện tử ở hàng quán với bạn bè.

 

Quan hệ của anh với bạn bè thế nào, cả bạn trong giới văn chương nữa?

 

Hiện tại tôi phải “dưỡng sức” để viết. Khi làm gì tôi sẽ vắt kiệt sức ra để không phải tiếc. Tôi không thích giao du nhiều, cũng không có nhiều bạn bè trong giới văn chương. Càng nhiều quan hệ, càng phải đóng nhiều loại vai, càng thêm nhiều trách nhiệm. Tôi sợ không kham nổi.

 

Điều cuối cùng anh muốn nói?

 

Đây sẽ là cuộc trả lời phỏng vấn báo chí cuối cùng. Tôi không thích bị “mổ xẻ”. Bây giờ phải học cách từ chối. Sự giản dị là điều khó làm nhất trong đời mỗi người. Vì thế mới cần thiết phải học.

 

Một ngày của tôi bắt đầu rất muộn. Có những hôm tôi viết liền một mạch đến 5 giờ sáng rồi đi ngủ đến chiều. Thường tôi viết truyện vào ban đêm, làm thơ ban ngày… Nhưng đến giờ phút này, tôi chưa biết có nên tiếp tục đeo đuổi con đường văn chương không. Tôi không dám hứa những gì không thực hiện được. Nhưng nhìn chung, tôi thất vọng về mình nhiều hơn kỳ vọng.

 

Theo Ngọc Lan

Thể Thao & Văn Hóa