1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nguyễn Phương Hà với sự quyến rũ của Guitar

(Dân trí) - Nghệ sỹ guitar Phương Hà là người đã quá quen thuộc với những người yêu âm nhạc nói chung và guitar nói riêng.

Đến với guitar từ nhỏ, là một gương mặt quen thuộc trên các sân khấu nghệ thuật. Mới 25 tuổi Nguyễn Phương Hà đã có 17 năm gắn bó với cây đàn Guitar. Anh cũng từng đoạt giải tài năng Guitar trong hai cuộc thi Guitar toàn quốc. Hiện nay anh là trợ giảng của trường Nhạc viên Hà Nội.

 

Với cương vị là chủ tịch CLB Guitar cổ điển Hà Nội, trong mấy năm nay. Phương Hà đã tổ chức thành công rất nhiều chương trình nghệ thuật để ủng hộ các trẻ em chất độc màu da cam. Gần đây nhất là chương trình nghệ thuật: “Tiếng đàn đi cùng năm tháng” thực hiện trên 5 địa điểm trên địa bàn Hà Nội thu hút đông đảo khán giả đến xem, và được đánh giá là thành công về mặt nghệ thuật.

 

Chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn ngắn với nghệ sỹ Phương Hà:

 

Được biết chương trình “Tiếng đàn đi cùng năm tháng” không có tài trợ, không bán vé, trong mỗi đêm diễn CLB còn tài trợ 10 suất học bổng âm nhạc và tặng Guitar cho các bạn sinh viên nghèo tại các trường đại học. Với nhiều khó khăn như vậy, các anh lấy kinh phí ở đâu? lý do nào khiến anh tổ chức chương trình này?

 

Đây là chương trình nằm trong kế hoạch đưa Guitar cổ điển đến với khán giả trẻ của thủ đô. Là đợt lưu diễn thứ 4 mà chúng tôi thực hiện liên tục từ năm 2005 đến nay. Không tài trợ, không bán vé là khó khăn lớn nhưng không phải vì thế mà chúng tôi không thực hiện chương trình này. Còn về kinh phí phần lớn là thành viên của CLB bỏ tiền túi ra, chúng tôi đi làm việc này việc kia để bù vào tiền tổ chức chương trình.

 

Gia đình không có ai làm nghệ thuật, vì sao anh lại “khác biệt” thế?

 

Năm tôi lên 8 tuổi trong một lần đi học về, tình cờ được nghe bản Romance do nghệ sĩ Văn Dị chơi (thầy Dị là bạn của bố tôi). Bản nhạc ấy làm tôi bị cuốn hút bởi giai điệu đẹp, suốt đêm hôm đó tôi bị ám ảnh và ngày hôm sau tôi nằng nặc đòi bố mẹ cho học đàn bằng được. Duyên nghiệp với cây đàn Guitar kể từ lúc đó.

 

Những năm tuổi thơ khi các bạn bè cùng trang lứa mải mê bắn bi, chơi quay thì tôi gò mình tập đàn từ 8h - 10h một ngày. Trong đầu lúc nào cũng vang lên giai điệu của Barrios, Tarrega… Suốt ngày mê mẩn với những nốt nhạc nắn nót của thế kỷ 17, 18… Nó như một cái duyên nợ của kiếp trước vậy.

 

Được biết tập Guitar cổ điển đòi hỏi rất nhiều công phu cùng với việc phải nghiên cứu, tìm tòi kiến thức về tác phẩm đó, kỷ niệm nào làm anh nhớ nhất?

 

Đúng vậy! Để tập thuần thục một tác phẩm cổ điển, người nghệ sĩ phải đổ rất nhiều mồ hôi và công sức. Cũng có những tác phẩm tập hàng năm trời cũng chưa hoàn thành.

 

Tôi nhớ nhất tác phẩm: "La Maja de Goya" của Granados. Đây là tác phẩm âm nhạc viết dựa trên cảm xúc về bức hoạ Maja khoả thân nổi tiếng của hoạ sĩ thiên tài Tây Ban Nha Goya. Tôi mất 8 tháng để hoàn thiện kỹ thuật nhưng mỗi lần chơi thì tôi lại cảm thấy thiếu một chất gì đó để thể hiện bức tranh bằng âm nhạc này.

 

Tôi tìm mọi tư liệu về danh hoạ Tây Ban Nha Goya nhưng tư liệu lúc đó chưa nhiều như bây giờ. Các tư liệu quá ngắn không đủ để tái hiện lại tác phẩm rõ nét, tôi đã phải nhờ người bác trong TPHCM đi tìm nửa tháng tại các hàng sách cũ mới tìm được một cuốn sách viết đầy đủ về thời đại danh hoạ sống, cũng như nguồn gốc của bức họa khoả thân đầu tiên của nhân loại.

 

Qua đó tìm tòi rồi đưa vào tác phẩm âm nhạc của mình những xử lý về âm thanh dựa vào khuynh hướng màu sắc mà danh hoạ Goya đã sử dụng trên bức tranh của mình. Ở đây là xử lý về âm sắc, tiếng đàn thể hiện theo gam màu sáng, tối…

 

Hiện nay, giới trẻ có xu hướng chung là thích nhạc HipHop, Rock, Rap... Theo anh Guitar cổ điển sẽ đi đến đâu?

 

Tôi thấy giới trẻ có rất nhiều bạn mê guitar cổ điển đấy chứ. Cụ thể là những chương trình chúng tôi tổ chức có nhiều khán giả là các bạn thanh niên lắm. Vả lại chúng tôi tự tin với con đường của mình. Tôi rất thích một câu nói của một nghệ sĩ saxsophone tên tuổi: "Âm nhạc đỉnh cao không thể bình thường và không nên tầm thường", vấn đề chỉ còn là thời gian.

 

Khuynh hướng mới trong nghệ thuật trình diễn Guitar đương đại của anh là gì?

 

Là cách thể hiện mới trong nghệ thuật trình diễn Guitar. Ví dụ: Cùng một cây đàn tôi có thể mô phỏng nhiều nhạc cụ dân tộc Việt Nam thông qua việc biến đổi âm sắc, thể hiện tính năng đa dạng, phong phú của cây đàn Guitar.

 

Cùng một cây đàn Guitar tôi có thể làm tiếng trống trên thân đàn: Từ trống cơm đến trống hội, mõ, phách… mô phỏng các nhạc cụ như đàn Tranh, đàn Bầu, đàn Nguyệt đến các loại khí nhạc Tây Nguyên như: Cồng, Chiêng, T'Rưng, Klongpút. Điều này sẽ tạo nên sự bất ngờ đối với người nghe đó là sự quyến rũ của Guitar.

 

Trang Yến