Nguyễn Như Đức và “Đất Mẹ”: Hành trình trở về từ những mảng màu ký ức

Lê Phương Anh

(Dân trí) - Triển lãm của họa sĩ Nguyễn Như Đức giới thiệu hơn 30 bức tranh siêu thực được sáng tác suốt 11 năm ở Hội An, tái hiện thế giới nội tâm qua ký ức và tình mẫu tử.

Ngày 3/7, triển lãm Đất Mẹ - Mother Land của họa sĩ Nguyễn Như Đức (nghệ danh Đức Bẹt) đã diễn ra tại Hà Nội, mở ra một thế giới hội họa siêu thực - nơi hiện thực và giấc mơ, ký ức và khát vọng cùng tồn tại trong những lớp màu dày đặc, chi tiết và nhiều tầng nghĩa.

Nguyễn Như Đức và “Đất Mẹ”: Hành trình trở về từ những mảng màu ký ức - 1

Tác giả Nguyễn Như Đức phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm “Đất Mẹ - Mother Land” ngày 3/7 tại Hà Nội (Ảnh: Ban tổ chức).

Trong triển lãm lần này, Nguyễn Như Đức mở ra hành trình khám phá về Đất Mẹ, không chỉ là một hình ảnh quen thuộc trong đời sống văn hóa Việt, mà còn là ý niệm sâu xa về nguồn cội, về người phụ nữ và tình yêu vô điều kiện.

Đất Mẹ gợi đến một khu vườn rộng lớn, nơi mẹ, vợ, con gái và những hình bóng nữ tính khác gặp nhau trong thực tại và trong ký ức. Cơ thể người phụ nữ trong tranh được tái hiện chân thật đến từng đường cong, nhưng lại ẩn hiện giữa các biểu tượng của thiên nhiên: cánh chim, vầng trăng, quả chín hay bóng cây.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, họa sĩ Nguyễn Như Đức cho biết, mẹ chính là nguồn cảm hứng để anh thực hiện triển lãm Đất Mẹ.

“Ngay cả trong không gian siêu thực, tôi vẫn tin rằng bất kỳ ai cũng sẽ tìm thấy giao điểm cảm xúc. Mẹ là người mẹ, là quê hương, là người vợ, người con gái, tất cả đều có một vị trí thiêng liêng trong tôi, dù hữu hình hay trừu tượng”, họa sĩ chia sẻ.

Nguyễn Như Đức và “Đất Mẹ”: Hành trình trở về từ những mảng màu ký ức - 2

Họa sĩ Nguyễn Như Đức ký tặng và trò chuyện cùng người yêu nghệ thuật tại triển lãm (Ảnh: Ban tổ chức).

“Ý niệm về Đất Mẹ đã được khai thác rất nhiều trong hội họa Việt Nam, bởi nhiều trường phái và phong cách khác nhau. Nhưng trường phái siêu thực hấp dẫn tôi, bởi nó cho phép tôi tạo ra một vũ trụ không biên giới, nơi mọi ý niệm, dù mơ hồ nhất, đều có thể tồn tại”, họa sĩ Như Đức chia sẻ thêm.

Triển lãm Đất Mẹ - Mother Land giới thiệu hơn 30 tác phẩm sơn dầu đặc sắc, đại diện cho hành trình hơn một thập kỷ sống và vẽ của họa sĩ Như Đức tại Hội An.

Trong các tác phẩm: Khứ vị lai, 13 ánh trăng trong vườn, Nghe tiếng lá hay Ngày cưới… ta thấy một thế giới riêng, được dệt nên từ ký ức, cảm xúc và những điều đã mất. Đó là nơi những bầu ngực, mái tóc, cánh tay trong tranh là hình ảnh của mẹ, của vợ, của những người phụ nữ từng là bến đỗ trong đời người họa sĩ.

Trong mắt Nguyễn Như Đức, Đất Mẹ không chỉ là đất mà còn là nơi người ta được sinh ra, được yêu thương, được nuôi dưỡng và cũng là nơi cuối cùng để trở về.

Nguyễn Như Đức và “Đất Mẹ”: Hành trình trở về từ những mảng màu ký ức - 3

Họa sĩ Nguyễn Như Đức và giám tuyển của triển lãm Trần Trung Lĩnh (bên trái) chia sẻ tại lễ khai mạc triển lãm (Ảnh: Ban tổ chức).

Triển lãm Đất Mẹ - Mother Land của họa sĩ Nguyễn Như Đức diễn ra từ ngày 3/7 đến 9/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội). Sau đó, triển lãm sẽ tiếp tục được tổ chức tại TPHCM từ ngày 1/8 đến 10/8 tại số 75 Xuân Thủy, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức.

Sinh năm 1980 tại Hà Nội, Nguyễn Như Đức thuộc thế hệ họa sĩ từng trải qua quãng đường sáng tác đầy giằng xé giữa lý tưởng nghệ thuật và mưu sinh thực tế.

Trước khi bén rễ tại Hội An, anh từng làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống. Và như anh nói, Hội An không khiến anh an tâm với hội họa, nhưng lại cho anh một nơi để thất bại, thử nghiệm và cuối cùng là dấn thân trở lại với hội họa bằng tất cả bản ngã.

Suốt 11 năm qua, Nguyễn Như Đức sống lặng lẽ và tằn tiện để vẽ. Anh không vẽ để bán, không vẽ để trưng bày mà để ghi lại những giấc mơ và mảnh ghép nội tâm. Các bức tranh thường có khổ lớn, được vẽ tỉ mỉ trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.