Nguyễn Duy: “Tiềm lực còn đang ngái ngủ”
"Văn học VN thường bị cho là ít tầm tư tưởng. Tôi muốn đưa ra một minh chứng ngược lại. Vua Trần Thánh Tông có câu thơ làm tôi thấy sởn gai ốc: “Một sớm bỗng thấy hết được khuôn mặt của mẹ/ Thì ra khuôn mặt ấy chỉ có một nửa” (bản dịch nghĩa)", nhà thơ Nguyễn Duy nói về tham vọng đưa thơ ra với thế giới.
Nhà văn không cần bạn đọc, bạn đọc không cần nhà văn, còn Hội Nhà văn thì không cần cả hai, thế tại sao ông còn bay ra đây dự Đại hội?
Chỉ là một cách nói để chỉ một thực trạng. Còn tôi, vẫn cần bạn đọc, cần gặp bạn văn. "Một công đôi việc", đây còn là để tranh thủ ra mua thêm ít giấy dó, cho tập sách - ảnh Thơ Thiền Lý - Trần đang làm.
Cuốn sách đã làm tới đâu?
Mới là bản mẫu: một cuốn in ngang khổ 30x40 cm, còn cuốn nữa, in dọc, khổ 81x111 cm, dự tính để làm triển lãm, và in túc tắc cho khách "VIP". Lại còn phải làm thêm một loạt cuốn khổ 25x25 cm nữa để phát hành đại trà. Triển lãm sẽ mở vào tháng 5 tại TPHCM và tháng 10 tại Hà Nội.
Không ít thi phẩm trong số đó từng được dịch rất hay, vì sao ông có ý định dịch lại bằng lục bát?
Lục bát thì dễ thuộc, dễ nhớ.
Từ thơ thiền bước ra "chợ văn", chợ đời, ông thấy thế nào?
Một ý thiền dạy ta: Cái phi thường nhất của con người là làm một người bình thường. Trong khi, nhiều người lại cố làm một người phi thường.
Những "cú độc chiêu" trong làm sách, làm lịch... có ý nghĩa thế nào với ông?
Trong khi chưa viết được cái gì mới thì đi làm những việc khác có ích hơn, vừa kiếm tiền giúp vợ con, đó là để làm người bình thường đấy thôi.
"Những việc khác" ở ông tới đây còn là gì?
Thơ Thiền Lý - Trần (kèm bản dịch tiếng Anh) thực ra mới chỉ là chặng đầu trong chuỗi "âm mưu" này: đi trọn 10 thế kỷ thơ thiền bao gồm 3 bộ: Lý - Trần, Lê - Nguyễn, từ sau Nguyễn tới nay. Tập Lý - Trần đang cố ra thêm bản tiếng Pháp và sắp tới, sẽ là tiếng Nga, Nhật, Đức... Rồi còn dự định đưa thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Bỉnh Khiêm... lên giấy dó.
Vậy mà không ít nhà văn VN hiện nay lại bị cho là toàn viết những cái làng nhàng, ít tầm tư tưởng... Ông nghĩ sao?
Tôi nhớ, nhà văn Kim Lân từng nói: "Ngày xưa, chúng tôi (Kim Lân, Nguyên Hồng...) thấy mình lớn lắm, thậm chí là nhất, thế mà viết còn chưa ra gì. Huống hồ bây giờ các anh chị chưa viết mà đã thấy mình nhỏ như con kiến, thế thì làm sao mà ra được tác phẩm lớn?".
Nhiều đề tài thế sự đang bị bỏ ngỏ. Nhưng Nguyễn Duy đã nhiều lần chứng minh: thơ thế sự cũng có thể làm lớn, làm hay...
Ôi, tôi thì viết không từ một cái gì. Thế nên bây giờ mới hết sạch cái để viết đây. Trong số những bài tôi đã làm, có thể có một vài bài hay, nhưng giờ nếu tôi làm, thì chưa chắc có một câu hay một từ hay, như thế chưa thể bắt đầu viết lại được. "Lúc này ta làm thơ cho nhau/ Đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt/ Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ Tiềm lực còn ngủ yên...".
Thế "tiềm lực ngủ yên" từ hồi ấy đến giờ sao?
Tiềm lực mới từ từ thức dậy, nhưng đang... ngái ngủ.
Theo Lao Động