1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nguyễn Duy Quang: “Sự bắt chước không có chỗ trong nghệ thuật”

“Có thể khi nhìn những tượng người này, bạn sẽ bảo tôi bắt chước. Nhưng kỳ thực, sự bắt chước không có chỗ trong nghệ thuật. Có thể tôi sẽ giống với ai đó ở một vài bức tượng nhưng cách thể hiện ý tưởng sẽ chỉ là của riêng tôi”, Duy Quang tâm sự trong buổi khai mạc triển lãm của anh mang tên “Cuộc sống nghiêng”.

Ý tưởng về "Cuộc sống nghiêng" đến với anh từ khi nào?

Tôi có may mắn được sống ở thành thị, sống giữa những tiện nghi sang trọng đủ đầy của cuộc sống. Nhưng có những giây phút nào đó, một chuyến đi về quê, hay chỉ cần ra ven Hà Nội, tôi thấy thèm biết bao một không gian rộng, thoáng đãng. Dường như lúc đó, con người mới thực sự là chính mình.

Anh có thể nói rõ hơn về cách thể hiện của mình trong cuộc trưng bày này?

9 cột điện mô phỏng theo những cột điện thật trên đường phố sẽ được dựng theo hình tròn, 60 bức tượng sẽ được treo nghiêng từ những dây thép nối các cột điện với nhau. Đàn piano đặt ở chính giữa dưới những bức tượng. Những cột điện có bệ bê tông chắc chắn, chân đế được bắt bu-lông kết dính với nhau. Chúng được giằng bằng dây thép đều ra gờ tường của sân thượng, đảm bảo độ an toàn tuyệt đối kể cả trong trường hợp gió bão.

Khi tái hiện lại một cuộc sống nghiêng, anh thấy thế nào về cuộc sống xung quanh anh?

Những tác phẩm của tôi muốn nói tới mặt trái của cuộc sống hiện đại, khi rất nhiều người chỉ lo chạy theo cuộc sống vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Theo thời gian, những con người đó có thể sẽ không nhận ra mình là ai, mình xuất phát từ đâu và sẽ đi đến đâu nữa. Họ có một cuộc sống mất thăng bằng, tôi gọi đó là cuộc sống nghiêng.

Và qua tác phẩm của mình, anh đã kéo con người mất thăng bằng về lại với cuộc sống bằng cách nào?

Đó là âm nhạc. Trong tiếng piano của nghệ sĩ Phó An My, lắng nghe một sonata của nhà soạn nhạc Nga Prokofieb, có thể bạn sẽ thấy mình được thư giãn, lấy lại được sự cân bằng trong xúc cảm của chính mình. 30 phút với tiếng đàn piano, tôi muốn gây một ấn tượng lãng mạn mới mẻ cho không gian sắp đặt.

Sau triển lãm, anh định sẽ làm gì với những chiếc cột điện cồng kềnh bằng sắt và hàng chục bộ quần áo mới như thế này?

Để ra mắt cuộc triển lãm này, tôi cùng bạn bè đã phải chuẩn bị ròng rã hàng tháng 3-4 tháng trời. Tiền bạc và công sức đã bỏ ra, chỉ mong ý tưởng của mình tìm được sự đồng cảm với nhiều người khác. Có thể sau đó, tôi còn chưa biết xử lý nó thế nào nhưng điều tôi quan tâm là hiệu quả thẩm mỹ nó tạo ra.

Triển lãm khai mạc từ ngày 22/4 đến ngày 31/4.

Theo Hải Anh

Vnexpress