Người phụ nữ "ấn tượng" của điện ảnh Việt Nam
Cùng thời với Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh... nhưng suốt thời gian dài phim "thị trường" lên ngôi, chị chưa từng được xếp vào hàng "ngôi sao ăn khách"! Nhưng chị lại làm nên một "ấn tượng Ngọc Hiệp" qua những vai diễn trong dòng phim nghệ thuật.
Ngọc Hiệp sinh ra tại mảnh đất tận cùng của đất nước, đất mũi Cà Mau, nhưng theo gia đình vào TPHCM từ khi mới tròn 5 tuổi. Gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng Ngọc Hiệp đã ấp ủ một tình yêu nghệ thuật không biết tự bao giờ. Cá tính gan lì và luôn cố làm cho được điều mình thích, cô quyết định thi vào lớp diễn viên của CĐ Sân Khấu - Điện ảnh TPHCM.
Những năm học trong trường Hiệp không có gì nổi bật, vì cô không phải là sinh viên xuất sắc, lại cũng không hấp dẫn về hình thức. Nhưng ai cũng phải công nhận khả năng cảm nhận và thể hiện tính cách nhân vật của cô gái có vẻ "man man, ngồ ngộ" như các bạn thường nói về Hiệp.
Vài thời điểm đầu thập niên 90, dòng phim thương mại, thị trường xuất hiện và nhanh chóng chiếm thế áp đảo ở khắp các rạp chiếu, nhất là ở TPHCM. Nhiều đồng môn diễn viên của Ngọc Hiệp như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh... bỗng chốc trở thành những ngôi sao đắt show suốt mấy năm trời.
Ngọc Hiệp cũng được mời tham gia đóng một số phim thương mại thời kỳ này, nhưng có lẽ do ngoại hình của cô không dễ hoá thân vào những công chúa đời xưa hay tiểu thư thời nay nên cô không mau nổi tiếng, không trở thành "sao".
Nhưng trong cái rủi cũng có cái may. Hiệp lọt vào mắt xanh của đạo diễn Việt Linh và vai cô gái quỷ trong phim Dấu ấn của quỷ quả đã để lại một dấu ấn đậm nét cho diễn xuất của Ngọc Hiệp. Đối với một sinh viên mới ra trường, đây là cuộc thử sức đầu tiên của Ngọc Hiệp trong một nhân vật phức tạp như vậy.
Phim đưa người xem đến một bối cảnh giả định (một hòn đảo hoang vu), trong một thời gian không xác định của một thời xa xưa. Cô gái quỷ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, tự lớn lên giữa chốn hoang dã. Vì trên mình có cái bớt nên người làng cho cô là con của quỷ sứ, xua đuổi cô như đuổi tà. Ngọc Hiệp đã diễn tả được sự cô đơn và nỗi khổ đau man dại của cô gái khát khao hơi ấm cuộc sống con người nhưng bị cả làng xa lánh, cô chỉ còn biết những tiếng hú vô vọng để tỏ thái độ, nhưng tiếng hú lại càng đẩy cô ra xa xã hội loài người.
Nhưng rồi, cô gái tìm được sự chia sẻ của hai con người bị bất hạnh cũng bị xua đuổi là lão cùi và tên tù. Họ đem lại hơi ấm, hạnh phúc cho nhau. Ngoại hình đầy cá tính, diễn xuất mạnh bạo mà tinh tế của Ngọc Hiệp đã góp phần hướng phim đến một triết lý: Con người sinh ra đều trắng trong, tốt đẹp, cái ác, cái xấu thường do hoàn cảnh tạo nên, có khi chính là do những thành kiến độc địa. Chỉ có tình yêu mới là cứu cánh cho con người ra khỏi mọi bất hạnh.
Là người say mê điện ảnh và cần mẫn làm việc, số phim Ngọc Hiệp tham gia đóng suốt thập kỷ 90 không phải là ít: Lan trong Vùng trời mơ ước, Kiều Trang trong Chuyện tình của biển, Cầm trong Lạc Cầm, Diệu Lan trong Tây Sơn hiệp khách, Duyên trong Tiếng đờn kìm (Chuyện ngã Bảy), Út Hơn trong Những nẻo đường phù sa...
Nhưng nhân vật đáng nhớ nhất của Ngọc Hiệp là Duyên trong phim truyện video Giữa dòng của đạo diễn Trần Mỹ Hà, lênh đênh giữa mênh mang sông nước, Duyên phải sống giữa hai cuộc đời: Cuộc đời công khai của người vợ goá luôn phải đối phó với viên trung uý ngụy hào hoa, vốn say mê cô từ ngày còn học phổ thông.
Cuộc đời "kín" của người giao liên cách mạng, người vợ thuỷ chung dành hết tình cảm cho người chồng hoạt động bí mật. Biết bao nhiêu cuộc đấu trí căng thẳng, biết bao nhiêu dằn vặt khổ đau, biết bao nhiêu khát khao và hy vọng. Duyên mang thai mà không biết rằng, cô vẫn được gặp chồng bí mật, trong khi đó, bày ra trước mắt mọi người là những cuộc lui tới thường xuyên của viên trung uý.
Tất cả những trạng thái tình cảm phức tạp của Duyên đã được Ngọc Hiệp lột tả tinh tế và sâu lắng. Một trong những trường đoạn ấn tượng nhất trong phim là trường đoạn Duyên đau đớn tự cắt những lọn tóc cô hằng chăm chút để xoá đi mọi nghi kỵ của gia đình, bà con về quan hệ của cô với viên trung uý và chứng tỏ lòng trong sáng, thuỷ chung của mình.
Vai Duyên đã góp phần vào thành công chung của phim, để rồi Giữa dòng đoạt giải Bông sen vàng cho thể loại phim truyện video tại LHPVN lần thứ 11 năm 1996 và đem lại vinh quang cho Ngọc Hiệp với giải Nữ diễn viên xuất sắc.
Công bằng mà nói, Ngọc Hiệp đóng phim không nhiều nhưng hầu hết các vai diễn của chị đều để lại cho người xem một ấn tượng nào đó. Trong bộ phim Ba mùa (đạo diễn Mỹ gốc Việt Tony Bùi thực hiện tại Việt Nam, với sự hợp tác của hãng phim Giải Phóng), Ngọc Hiệp vào vai một cô gái mồ côi, cuộc sống gắn liền với công việc trồng sen và hái sen trên một đầm sen bát ngát.
Giữa thời buổi hoa sen nhựa bày bán khắp hè phố thì những bông sen trắng toả hương mà cô gái gánh vào thành phố mới tinh khiết làm sao. Và cũng chỉ có cô gái với tâm hồn trong trắng, lòng nhân hậu đặc biệt ấy mới chiếm được lòng tin của nhà thơ cùi và đem lại niềm cảm hứng sáng tạo cho ông. Ở vai diễn này, Ngọc Hiệp vừa phác họa được biểu tượng một thiếu nữ mộc mạc, trong sáng, vừa lột tả được những trạng thái tình cảm khác nhau.
Trong phim Vũ khúc con cò, Ngọc Hiệp lại đảm nhận một vai có hoàn cảnh éo le: đó là vai cô con gái viên đại tá ngụy nhưng lại lấy chồng là một chiến sĩ hoạt động bí mật. Nhiều năm sống trong hôn nhân cô không hề biết điều đó, chỉ đến khi chứng kiến tận mắt hình ảnh anh chiến đấu trong cảnh giao chiến hỗn loạn, cô mới vỡ lẽ... Cô đem con di tản, trong lòng đau khổ nhưng hiểu ra và cảm kích trước việc anh làm. Ngọc Hiệp xuất hiện trong phim này không nhiều, nhưng để lại cho người xem những cố gắng diễn đạt cho được trạng thái tâm lý phức tạp của nhân vật.
Nét làm nên phong cách diễn xuất của Ngọc Hiệp là sự đào sâu thế giới nội tâm nhân vật, cố gắng tìm đến một sự diễn tả tinh tế chừng mực và dung dị. Cách diễn xuất ấy khác xa cách diễn hời hợt hay ngoại hình. Chính sự giản dị, mộc mạc ấy đã tạo nên sức thuyết phục thực sực từ mỗi nhân vật của Ngọc Hiệp.
Mấy năm nay, Ngọc Hiệp ít xuất hiện hơn trên màn ảnh bởi chị đảm nhiệm một vị trí mới: Phó giám đốc điều hành hãng phim Việt. Công việc khiến chị bận rộn từ sáng tới tối mịt, từ ngày này sang ngày khác: Nào là tổ chức đặt viết kịch bản, nào là xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể của hãng. Nào là điều hành sản xuất phim nhựa và phim truyền hình nhiều tập, nào là xem nháp các phim để góp ý kiến... Với khối lượng công việc của hãng là sản xuất trung bình 2 bộ phim truyện nhựa và 200 giờ phim truyền hình một năm, quả là Ngọc Hiệp và toàn bộ cán bộ nhân viên của hãng luôn phải gồng mình để hoàn thành công việc.
Phải nói Ngọc Hiệp là người phụ nữ nghị lực và đam mê nghề nghiệp. Nghiệp diễn viên mà chị theo đuổi gần 20 năm cũng có thể xem là đã thành công, nhưng chị không bằng lòng ở đó. Quyết định đến với những cuộc thử sức mới trong điện ảnh. Năm 2002, Ngọc Hiệp đi thi và đỗ vào lớp đạo diễn tại chức của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cùng với một số đạo diễn tên tuổi đã khá quen thuộc như Trần Cảnh Đôn, Đỗ Phú Hải... Trong điện ảnh, đạo diễn được coi là một nghề nặng nhọc, chủ yếu dành cho đàn ông nên trong số 45 học viên lớp Ngọc Hiệp chỉ có 5 người là nữ.
Vừa học, Ngọc Hiệp vừa làm phó đạo diễn cho nhiều bộ phim truyền hình, trong đó có những bộ phim dài tập được đông đảo khán giả yêu mến như Blouse trắng, Hàn Mạc Tử... Sức hút của điện ảnh đến lạ, làm cho người ta bước chân vào là quên hết vất vả, là đắm đuối đi theo. Điều này lý giải tại sao một người phụ nữ mảnh mai như Ngọc Hiệp lại có thể lăn lội không biết mệt mỏi từ phim trường này sang phim trường khác.
Dốc tâm dốc sức cho nghề nhưng trên thực tế, chị là người phụ nữ dịu dàng và rất có ý thức chăm lo cho gia đình. Chồng chị - anh Thành Danh, vốn là thầy dạy kịch câm của Ngọc Hiệp.
Nhưng tình yêu đến với họ mãi về sau này, và khi Ngọc Hiệp gắn bó không thể rời điện ảnh cũng là lúc anh quyết định gắn sự nghiệp của mình với kinh doanh, để đảm bảo một cuộc sống gia đình ổn định. Họ có một cô con gái 13 tuổi tên là Như Quỳnh, tuy rằng vì công việc cha mẹ phải vắng nhà liên tục nhưng 3 thành viên trong gia đình đều cảm thấy hạnh phúc. Suốt mười mấy năm cuộc sống của họ vẫn giống bài hát "cả nhà ta cùng thương yêu nhau, xa là nhớ gần nhau là cười...".
Ở Ngọc Hiệp hội tụ ba điểm quan trọng của một người làm nghệ thuật: Sự nhạy cảm, nghị lực và lòng đam mê. Hy vọng rằng cuộc thử sức mới của chị "làm những bộ phim theo cách nhìn của người phụ nữ" sẽ đạt được thành công.
Theo Thế Giới Điện Ảnh