Người đẹp xứ dừa 2012: Thiếu đặc trưng của vùng sông nước
(Dân trí) - Cuộc thi Người đẹp xứ dừa 2012 đã khép lại với sự đăng quang của một người đẹp quê đến từ xứ dừa Bến Tre. Cuộc thi được đánh giá cao về nhiều mặt nhưng đâu đó vẫn còn “thiếu” nét đặc trưng của người con gái vùng miệt vườn sông nước miền Tây
Ngoài các vòng sơ tuyển, cuộc thi Người đẹp xứ dừa 2012 bắt đầu “nóng” từ vòng bán kết 1, bán kết 2 rồi vòng chung kết 1, chung kết xếp hạng và lễ đăng quang (diễn ra từ ngày 6- 10/4 trong khuôn khổ Festival Dừa Bến Tre lần III- 2012).
Trong vòng bán kết 1 và bán kết 2, các người đẹp thi trình diễn hai phần: trang phục tự chọn và áo dài. Sang vòng chung kết 1, chung kết xếp hạng, các người đẹp tiếp tục thi trình diễn trang phục tự chọn và áo dài. Bên cạnh đó họ phải trải qua phần thi diễn áo tắm và phần thi ứng xử ở vòng xếp hạng. Qua ghi nhận của chúng tôi cũng như đánh giá chung của Ban giám khảo, cùng đông đảo khán giả thì các vòng thi đã diễn ra rất thành công với sự góp mặt của nhiều người đẹp vùng sông nước.
Tuy nhiên, qua cuộc thi Người đẹp xứ dừa 2012, một cuộc thi người đẹp được xem là có “tầm cỡ” ở vùng ĐBSCL, nhiều khán giả cũng như những nhà chuyên môn, cánh phóng viên báo chí đều cảm thấy có gì đó chưa thật sự “trọn vẹn” hay nói thực hơn nữa là cuộc thi vẫn “thiếu” nét đặc trưng riêng của người con gái vùng miệt vườn sông nước bởi cuộc thi thiếu phần thi diễn trang phục áo bà ba, một loại trang phục thường gắn liền với phụ nữ miền Tây Nam Bộ từ bao đời nay.
Một khán giả mê nhiếp ảnh ở TP Bến Tre đến chụp ảnh tại cuộc thi chia sẻ, cuộc thi không có phần trình diễn áo bà ba thì xem như đã thiếu đi cái nét riêng của người dân vùng đồng bằng. Đặc biệt tại xứ dừa Bến Tre - được mệnh danh là vùng miệt vườn xanh tươi cây trái thì lẽ ra áo bà ba phải được chọn là trang phục thi diễn đầu tiên của các người đẹp.
Do cuộc thi Người đẹp xứ dừa năm nay được tổ chức hoành tráng hơn so với những lần trước nên thu hút nhiều khán giả tới xem. Tuy nhiên họ lại tỏ ra rất bất ngờ khi không thấy phần thi trình diễn áo bà ba như những cuộc thi người đẹp khác từng được tổ chức ở các tỉnh trong khu vực.
Một khán giả đến từ Cần Thơ xem cuộc thi qua sóng truyền hình có đánh giá, trong phần thi trình diễn áo dài, tự chọn lặp đi lặp lại từ vòng bán kết đến chung kết, nhiều thí sinh chỉ mặc một bộ áo dài để thi diễn và cùng đó trong phần thi áo tắm của vòng chung kết 1 và chung kết xếp hạng, có người đẹp chỉ mặc một bộ áo tắm để trình diễn cả 2 vòng, khiến cho hình ảnh của thí sinh vô tình bị “nhàm” đi.
Một giám khảo từng chấm ở nhiều cuộc thi người đẹp nhận định, nếu muốn cuộc thi có nét riêng của đồng bằng thì ở vòng chung kết 1, các thí sinh nên có phần thi trang phục áo bà ba, áo dài và tự chọn. Sau đó, Ban giám khảo mới chọn những thí sinh xứng đáng nhất vào vòng chung kết xếp hạng, và khi đó người đẹp nên thay áo bà ba bằng trang phục áo tắm để cuộc thi “hấp dẫn” hơn.
Một người đẹp từng tham gia cuộc thi Người đẹp xứ dừa vào năm 2008 chia sẻ: “Trong các cuộc thi người đẹp thì phần thi nào cũng rất quan trọng bởi mỗi trang phục thể hiện nét duyên dáng riêng của người đẹp đó. Ở vùng ĐSBCL là vùng sông nước, nổi tiếng với áo bà ba miệt vườn mà không thi diễn trang phục này thì có gì đó không đặc trưng cho khu vực lắm”. Do đó, người đẹp này cho rằng, ở những lần thi tới nên đưa áo bà ba vào thi diễn để “tôn vinh” nét riêng biệt cho người phụ nữ vùng sông nước Nam Bộ.
Được biết, cuộc thi Người đẹp xứ dừa ở Bến Tre diễn ra cho đến năm 2012 đã là lần thứ 10. Tuy nhiên, không lần nào có phần trình diễn áo bà ba. Cũng có thể, Ban tổ chức cuộc thi vì lý do nào đó đã không đưa trang phục này vào phần thi. Trong khi đó, theo ghi nhận chung của chúng tôi, hầu hết các cuộc thi người đẹp khác diễn ra ở khu vực ĐBSCL từ trước đến nay đều có thi diễn áo bà ba.
Áo bà ba đã đi vào thơ nhạc qua nhiều thế hệ. Nét đẹp và đặc trưng riêng của loại trang phục này không thể không phủ nhận ở vùng sông nước miền Tây. “Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm, thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh. Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ, Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời…”. Qua câu hát này trong ca khúc Chiếc áo bà ba cùng nhiều bài thơ, bài nhạc khác một lần nữa có thể khẳng định, áo bà ba có ý nghĩa quan trọng thế nào để “tôn” lên vẻ đẹp của người con gái miệt vườn sông nước.
Từ lẽ đó, có nên chăng, những cuộc thi tìm kiếm người đẹp ở vùng ĐBSCL đừng “quên” cho các cô gái khoác lên mình trang phục làm cho họ “đẹp mãi ngàn đời” như trong câu hát ấy.
Huỳnh Hải