Người chơi đĩa than
(Dân trí) - “Một hôm, bất ngờ A. lên xe hoa với người đàn ông da bắt đầu như lá khô, tro tàn. A. tiết lộ với cô bạn thân làm phù dâu: “Mẹ tớ bảo rằng anh ấy vẫn chơi đĩa than. Những người nghe nhạc giao hưởng bằng đĩa than là những người tử tế!”.
Hồi còn 20, tay A. mềm mại và sạch tinh như sữa chua trong hộp. Tuy nhiên cô còn thiếu cái gì đó có thể đốt lên lòng khao khát của đàn ông và thúc đẩy họ dắt cô đến bàn thờ Chúa (cô theo Công giáo) làm lễ thành hôn. Gần 40 tuổi A. vẫn là cô gái già. Cũng có người tìm đến A.. Người thì cục mịch như bức tường đất, người thì tốt tươi, song chỉ lăm le tìm cách để chia rẽ cô với khối tài sản đồ sộ làm nền cho sắc đẹp bị hao mòn của cô, nên cô bắt đầu chán chuyện lấy chồng. Thế rồi một hôm, bất ngờ A. lên xe hoa với người đàn ông da bắt đầu như lá khô, tro tàn. A. tiết lộ với cô bạn thân làm phù dâu: “Mẹ tớ bảo rằng anh ấy vẫn chơi đĩa than. Những người nghe nhạc giao hưởng bằng đĩa than là những người tử tế!”.
Như bị ma ám
Trước khi các ban nhạc Pop huyền thoại Beatles, Rolling Stones xuất hiện, âm nhạc cổ điển thống trị đời sống âm nhạc thế giới. Hàng đêm, tại những Nhà hát nổi tiếng, nhiều nhà chỉ huy lỗi lạc cùng với dàn nhạc lừng danh của họ biểu diễn các kiệt tác của những nhà soạn nhạc như Bach, Brahms vĩ đại. Hàng chục triệu cái đĩa “than” ghi lại âm thanh các cuộc trình diễn như vậy được bày bán khắp thế giới. Gọi là đĩa than (vì nó màu đen như than hay ban đầu làm bằng than?) thực ra là các đĩa làm bằng nhựa, hình tròn đường kính 30cm, có các rãnh “đựng” âm thanh. Khi được quay với tốc độ 33 vòng/phút, một đầu kim bằng đá quí chạy trên các rãnh làm cho âm nhạc bay lên.
Còn âm nhạc còn đĩa than
Sau ngày miền Nam giải phóng, lần đầu tiên người miền Bắc được nhìn thấy máy quay đĩa “stereo” PIONEER của Nhật Bản. Cũng lần đầu tiên họ được nghe các danh ca, danh cầm, các nhà chỉ huy lỗi lạc và các dàn nhạc kiệt xuất trên những đĩa than của hãng Columbia… danh tiếng. Song nếu như sách được bán tràn lan trên các đường phố Sài Gòn thì chẳng mấy ai bán đĩa. Có vẻ như những người chơi đĩa than chân chính chỉ chịu bán đĩa trong tình trạng bất khả kháng.
Thời cuộc đổi thay. Những chiếc đĩa Nga “Melodia” không còn. Các máy quay đĩa “mono” chạy mãi kim cũng phải mòn, không có để thay, chỉ còn giá trị như đồ kỉ niệm. Đã thế, đĩa VCD và DVD xuất hiện, ghi được cả hình lẫn tiếng, sử dụng đơn giản, vừa nhiều vừa rẻ, chất lượng âm thanh Stereo tuyệt hảo, khiến cho nhiều người chơi nhạc quay lưng lại với đĩa than. “Đĩa than đã chết!”– một tay từng chơi đĩa than than thở thê thảm như người trong nhà có tang. Thế nhưng, vẫn có người không phản bội đĩa than, dù mỗi lần dùng lại phải rửa đĩa trong nước xà phòng pha loãng, để tẩy bụi bám vào đĩa gây những tạp âm lạo xạo. Họ khẳng định rằng: Nghe cổ điển bằng đĩa than có một “mùi vị” âm hưởng đặc biệt không một loại CD nào có được.
May thay, các nhà công nghiệp thế giới lại là “đồng minh” của dân đĩa than. Những máy quay đĩa đời mới ra đời đi kèm với amply bóng điện tử và các cặp loa chuyên dụng phát ra một thứ âm thanh cực chuẩn, siêu đẹp. Dĩ nhiên, đĩa than cũng không còn là đĩa than ngày xưa. Chúng được chế tạo bằng vật liệu nhựa cao cấp, ghi âm bằng công nghệ số hiện đại. Làng chơi đĩa than sống lại và ngày một đông, phần lớn thuộc giới trung lưu trí thức. Cần trí thức vì đĩa than không ghi nhạc sến, chủ yếu là nhạc cổ điển. Phải trung lưu vì đĩa được nhập từ Mỹ, có khi giá đến vài trăm USD/đĩa. Ở Hà Nội có hơn 10 người bán đĩa than, nhưng khi mua đĩa muốn được khuyến mại một gói kiến thức âm nhạc thì chỉ có ở chỗ Nguyễn Văn N. phố Hai Bà Trưng.
Đây cũng là một “quái nhân” đã chơi đĩa than gần nửa thế kỷ. Sau này dù phải mưu sinh bằng nghề mua bán đĩa than, N không bao giờ coi đĩa than như một thứ hàng hóa bình thường. Một lần, có người quần áo sột soạt, say ngất ngư như một con ngỗng no căng nước vào hỏi mua đĩa Paganini. Trao đổi vài câu, N biết anh này tai điếc và vô cảm như đá tảng. Thấy N lạnh lùng, anh chàng cầm cả cục tiền như chĩa súng vào mặt N đòi mua tất cả quầy hàng. N nổi cơn điên, quát đuổi anh ta: “Đừng bao giờ đến hàng tôi! Paganini không phải là anh thợ cưa!”. N ghét thậm tệ những người từ bé đến lớn chỉ nghe có tiếng bò kêu, nhưng thích hạ nhục âm nhạc tinh tế bằng lời tán thưởng tầm thường.
Không biết cô A. có sống hạnh phúc bên người chồng chơi đĩa than hay không, nhưng niềm tin anh là người tử tế chắc đúng, vì như tôn giáo, âm nhạc cổ điển hướng con người tới điều thiện.
Hà Linh Quân