"Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu" tập 2: Bài học từ khổ đau và mất mát

Hương Hồ

(Dân trí) - Người đọc sẽ cảm nhận đó là điều được rút ra từ gan ruột của Sinuhe, sau khi trải qua một cuộc đời đầy bão táp, mất mát, đau khổ tận cùng.

Tiểu thuyết lịch sử Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu tập 2 của nhà văn Phần Lan Mika Waltari, kết thúc bằng câu nói của nhân vật chính, "tác giả" Sinuhe: "Vì tôi, Sinuhe, là một con người; là một con người, tôi sống trong mỗi người từng sống trước tôi và tôi sống trong mỗi người sinh ra sau tôi."

"Tôi sống trong tiếng khóc và niềm vui của con người, trong nỗi buồn và nỗi sợ của con người, trong thiện và ác, công lý và bất công, yếu mềm và mạnh mẽ. Tôi sẽ sống mãi mãi như một con người trong từng người, vì vậy tôi không muốn đồ cúng tế nơi mộ mình và sự bất tử cho tên mình".

Cuộc chiến ngai vàng và cuộc chiến trong lòng người

Người đọc sẽ cảm nhận đó là điều được rút ra từ gan ruột của Sinuhe, sau khi trải qua một cuộc đời đầy bão táp, mất mát, đau khổ tận cùng, cũng như trải nghiệm quá nhiều biến cố đẫm máu và nước mắt của đất nước, nhân dân mình, người thân mình.

Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu tập 2: Bài học từ khổ đau và mất mát - 1

"Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu" tập 2: Bài học từ khổ đau và mất mát (Ảnh: Firstnews).

Trở về Ai Cập sau nhiều năm phiêu bạt, gặp lại bạn thân Horemheb - một tướng lĩnh trận mạc với nhiều chiến công vang dội, và nhiều người thân quen khác, được Pharaon Ekhnaton - vị vua đang trị vì sủng ái, được một phụ nữ - nàng Merit yêu thương chân thành... những tưởng cuộc đời Sinuhe sẽ sang một trang mới yên bình.

Nhưng không, vị Pharaon và người bạn thân Horemheb đã cuốn Sinuhe vào cuộc chiến tranh giành quyền lực trị vì của họ. Sinuhe đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh chém giết ghê rợn, những cuộc tàn sát không thương tiếc, những thủ đoạn đê hèn nhất. Trong khi dân nghèo rơi vào cảnh đói khổ, lầm than, khốn cùng.

Đó cũng là khoảng thời gian Sinuhe phát hiện ra mình là người mang dòng máu vương quyền, là con của Phraon Amenhotep Đệ Tam, là đứa trẻ sơ sinh đã bị bỏ lên chiếc thuyền sậy thả trôi sông trong cuộc đấu đá hậu cung năm xưa. Biết được thân phận mình, nhưng Sinuhe không chiến đấu để tranh giành quyền trị vì, mà ông bị cuốn vào nỗi hận thù thân phận không thể lãng quên.

Cuộc đấu tranh bên ngoài và cuộc đấu tranh nội tâm đã đưa đẩy ông thành kẻ giết người. Bằng chính đôi tay danh y tài hoa của mình, dưới sự xúi giục và khống chế của Horemheb và những người cùng phe, Sinuhe đã giết chết hai người bằng thuốc độc. Trong đó, một người có khả năng tranh giành ngôi vua, và người kia chính là Phraon Ekhnaton - vị vua đang tại vị, người phải chết đi để nhường ngai vàng cho những người đang khao khát.

Pharaon Ekhnaton chính là vị vua mà Sinuhe từng ủng hộ, khi Ekhnaton chủ xướng thay đổi thần linh thờ cúng của người dân, và chủ trương thay đổi quan điểm trị vì hướng đến tự do, công bằng, bình đẳng hơn cho mọi người dân. Tuy nhiên, cách thức thực thi của Ekhnaton lại không thực tế, mặt khác gây ảnh hưởng đến lợi ích của giới quí tộc, giàu có. Từ đó đã dẫn đến vô số cuộc bạo loạn, nổi dậy. Mà trong một cuộc nổi loạn, người tình Merit và con trai Sinuhe đã bị giết chết tàn nhẫn. Cuộc đời Sinuhe hoàn toàn sụp đổ.

Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu tập 2: Bài học từ khổ đau và mất mát - 2

Horemheb cuối cùng cũng chiếm được ngai vàng. Sinuhe sau bao mất mát, thống khổ, đã chọn đi tiếp con đường của Ekhnaton, con đường mang lại công bằng cho người nghèo, tự do cho người nô lệ, chống lại quyền lực cai trị của Horemheb, mặc dù Sinuhe thừa nhận Horemheb cũng đã từng làm được nhiều việc rất tốt cho đất nước và người dân Ai Cập. Sinuhe đi gieo rắc, truyền bá những tư tưởng mới cho người dân, tiếp tục hứng chịu nhiều tai họa. Và cuối cùng, Sinuhe bị chính người bạn thân Horemheb của mình, ra lệnh đưa đi lưu đày biệt xứ, cô đơn đến cuối đời.

Những bài học từ khổ đau

Đọc quyển sách ngồn ngộn chất liệu, ngồn ngộn sự kiện nhưng cũng ẩn chứa những khao khát thiện lành này, nhiều lúc ta sẽ có cảm giác bức bối, căm giận, ghê sợ, bất lực và cũng đầy trắc ẩn. Dừng lại sau các cảm giác đó, là sự nghiền ngẫm về những bài học mà con người có thể học được qua những khổ đau, mất mát; học được những khao khát yêu thương, những mong muốn cải thiện mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội đầy biến động này.

Giống như điều Sinuhe đã rút ra cho mình "Không có sự khác biệt giữa con người với con người, ai cũng trần trụi sinh ra trên đời và có trái tim con người là thước đo duy nhất. Không thể đo con người bằng màu da hay ngôn ngữ, cũng không thể đo bằng quần áo hay đồ trang sức, và không thể đo con người bằng sự giàu có hay nghèo khó của họ mà chỉ bằng trái tim. Vì vậy, con người lương thiện tốt hơn kẻ ác độc, công lý tốt hơn bạo lực".

Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu tập 2: Bài học từ khổ đau và mất mát - 3

Sinuhe nói về hậu quả của ảo mộng quyền lực "Trên thế gian không có gì khủng khiếp hơn và nguy hiểm hơn những ảo mộng của các Pharaon, vì chúng gieo rắc máu me, chết chóc...". Nói về sự yếu đuối của con người, Sinuhe cho rằng "khi con người ta quá yếu mềm, họ thà để mặc cho ý chí người khác dẫn dắt mình, thậm chí vào những việc làm đáng sợ hơn là lựa chọn con đường riêng của mình".

Hay đưa ra lời khuyên cảnh giác với một phụ nữ được coi là nguy hiểm, Sinuhe viết "Tôi cũng không tin trên thế gian có gì nguy hiểm, và có sức hủy diệt gớm ghiếc hơn một người phụ nữ quá đủ xinh đẹp, quá đủ thông minh song thiếu thiện tâm".

Đề cập đến phụ nữ, thì khi đọc Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu, người đọc chắc chắn sẽ còn nhiều trải nghiệm thú vị về phong tục, tập quán của Ai Cập cổ đại liên quan đến phụ nữ. Từ tín ngưỡng, lối sống, trang phục, cách ăn uống, đi đứng... đến quan niệm yêu đương, đời sống hôn nhân, tình dục đầy khác lạ.

Thu An

Theo First News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm