Ngôi sao nhạc Việt "quẩn quanh" sân nhà

Nhiều ngôi sao ra nước ngoài biểu diễn. Nhiều ca sĩ hải ngoại về nước làm live show. Song, như thế không có nghĩa là nhạc Việt đã đạt được tầm cỡ thế giới mà ngược lại đến nay Việt Nam vẫn chưa có một ngôi sao nhạc nhẹ đúng tầm thế giới...

Nhìn sang các nước

Khỏi cần bàn nhiều ắt hẳn công chúng Việt, đặc biệt là giới trẻ có thể kể tên vanh vách những thần tượng xứ người. Lê Minh, Bi (Rain), Kang Ta, Park Jung Ah, Phạm Văn Phương, BoA... từ lâu đã khá quen thuộc với khán giả.

Nhiều chương trình ca nhạc được tổ chức gần đây với sự xuất hiện của những ngôi sao ca nhạc nước ngoài cộng thêm việc quảng bá hình ảnh ngôi sao chuyên nghiệp từ nhiều công ty PR, truyền thông của các nước đã thật sự tạo nên những vì sao lấp lánh trên bầu trời dù chỉ là trong khu vực.

Với sự mở cửa văn hóa, các nước và vùng lãnh thổ đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản đã gần như “làm mưa làm gió” thị trường ca nhạc vùng Đông Á. Họ thành công bởi đã chuẩn bị từ trước chiến lược tiếp cận, khai thác và kinh doanh thị trường âm nhạc theo một “bài bản” chuyên nghiệp.

Ngôi sao nhạc Việt "quẩn quanh" sân nhà - 1

Ngôi sao Hàn Quốc - Bi (Rain)
 biểu diễn ở Việt Nam.

Mặt khác, việc họ mở cửa thị trường thông tin, đặc biệt là truyền hình để những đài chuyên về âm nhạc có thể hoạt động tại thị trường trong nước cũng là một vấn đề đáng để chúng ta suy nghĩ.

Những kênh truyền hình như MTV, VH1, Chanel 5 từ lâu đã quá quen thuộc với khán giả tại các nước này. Dĩ nhiên điều này có lợi cho việc quảng bá hình ảnh những ngôi sao ca nhạc của Hàn, Nhật hay Trung.

Ca sĩ Mỹ Linh nhận định: “Do các nước đều có kênh truyền hình chuyên về âm nhạc, đặc biệt là MTV nên mức độ lan tỏa của những ngôi sao trong khu vực rất lớn. Khán giả Hàn vẫn có thể thưởng thức giọng hát của ngôi sao Nhật và ngược lại. Trong khi đến nay chúng ta vẫn chưa có một kênh truyền hình âm nhạc phát sóng ra thế giới đúng nghĩa hay kênh truyền hình của nước ngoài hợp tác với ta sản xuất chương trình”.

Cứ mãi “hát cho nhau nghe”?

Lịch lưu diễn của Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Quang Dũng, Đan Trường gần như kín quanh năm. Sự trở về ngày càng nhiều của Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Ngọc Bích, Đức Huy... phục vụ khán giả trong nước.

Tuy nhiên, vẫn là những ngôi sao Việt biểu diễn cho chính đồng bào của mình cả trong và ngoài nước thưởng thức những bài hát Việt với đủ thể loại từ pop, rock, ballad đến dance, R&B... chứ hiện nay tìm kiếm một ngôi sao đúng nghĩa mang tầm cỡ thế giới là điều... không tưởng!

Ca sĩ Mỹ Linh: “Chúng ta mất nhiều cuộc họp chỉ để quy định như thế nào là trang phục hở hang của ca sĩ mà chẳng có một tầm nhìn mang tính chiến lược về phát triển văn hóa âm nhạc. Hiện nay, những nhà quản lý văn hóa đang hành xử theo kiểu “những gì đang còn tranh luận và bất ổn thì tốt nhất là nên cấm” thế làm sao mà phát triển âm nhạc”

Nguyên nhân chính là chúng ta vẫn chưa có một nền công nghiệp giải trí đúng nghĩa. Dù hằng đêm ở các thành phố lớn trong cả nước đều có show, dù các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương liên tục phát sóng từ “live” đến “nguội” những chương trình ca nhạc nhưng cái cách chúng ta đang làm âm nhạc thì... chẳng giống ai!

Vẫn là những show diễn theo kiểu “ca sĩ xếp hàng lên hát kèm theo múa minh họa, thiếu đầu tư nghiêm túc về nghệ thuật. Lâu dần, khán giả dường như quên cách thưởng thức một chương trình ca nhạc đúng nghĩa có dàn dựng, có hiệu quả âm thanh, ánh sáng, sân khấu là như thế nào. Ngoài ra thiếu một kênh truyền hình âm nhạc chuyên biệt sẽ khó để mà những ca sĩ, đặc biệt ca sĩ trẻ có cơ hội thể hiện mình qua các CD, các video clip mới.

Ngôi sao nhạc Việt "quẩn quanh" sân nhà - 2

Tuấn Ngọc - ca sĩ hàng đầu tại hải ngoại
cũng về nước biểu diễn.

Ca sĩ Mỹ Linh bày tỏ ý kiến: “Phải nói rằng chúng ta còn nghèo, kinh tế lạc hậu, quản lý yếu kém. Một thị trường với 84 triệu dân nhưng vẫn “nhỏ” vì nạn băng đĩa lậu hoành hành, không có một hệ thống chuyên nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, tổ chức lẫn biểu diễn ca nhạc nên đòi hỏi ca sĩ thành sao để các nước trong khu vực biết đến là chuyện... miễn bàn!”.

Mặt khác, điều cần nói ở đây chính là quản lý. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đưa ra nhận xét: “Chúng ta đang thiếu tầm nhìn xa, một chiến lược cụ thể phát triển nhạc Việt trong tương lai, tạo điều kiện cho ca sĩ, nhạc sĩ phát triển nghề nghiệp, để họ có cơ hội vươn ra nước ngoài chứ không chỉ dừng ở bước “giao lưu văn hóa” như hiện nay”.

Đất nước chỉ mới hòa nhập với thế giới về kinh tế và thương mại. Xét cho cùng trong tương lai gần, chúng ta cũng không thể đóng chặt cửa văn hóa, trong đó có cả việc cứ mãi “hát cho nhau nghe”.

Như lời tuyên bố của ca sĩ Trần Thu Hà sau 3 năm định cư tại Mỹ rằng dù cô được công nhận là một trong những ngôi sao của nhạc Việt mà vẫn là con số không tại thị trường Mỹ, thậm chí cả trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt! Đó là một thực trạng. Khó để một ngôi sao ca nhạc trong nước tỏa sáng toàn cầu. Nhưng khó không có nghĩa là chúng ta không bao giờ có!

Theo Đỗ Tuấn
Thanh Niên