Ngô Mỹ Uyên: Cố gắng để không bị... Mỹ hóa
Sân khấu của Ngô Mỹ Uyên đã lâu lắm rồi không còn là hình chữ T với những bước chân sải dài của một người mẫu thời trang nữa. Giờ đây người ta biết đến Uyên nhiều hơn với tư cách là một nữ ảo thuật gia của Việt Nam.
Những năm cuối của thập niên 90, cái tên Ngô Mỹ Uyên nằm trong Top những người mẫu hàng đầu Việt Nam, lúc đó hình ảnh của Uyên xuất hiện rất nhiều trên sàn diễn và các phương tiện truyền thông. Cùng với Hà Kiều Anh, Trương Ngọc Ánh, Chung Vũ Thanh Uyên, Trịnh Kim Chi, Nguyễn Xuân Uyển Nhi, Minh Anh..., Ngô Mỹ Uyên góp phần "mở đường" làm cho ngành công nghiệp thời trang non trẻ của Việt Nam có nhiều khởi sắc mới.
Người ta chiêm ngưỡng các bộ sưu tập thời trang với sự trình diễn của những người mẫu, quen với việc mời người mẫu làm đại diện quảng cáo sản phẩm... và người mẫu - trong một chừng mực nào đó - trở thành một nghề mơ ước của giới trẻ.
Nhưng người mẫu thời trang không phải là một nghề bền lâu, những người mẫu cùng thế hệ với Uyên, dù không nói lời giã từ chính thức, nhưng cũng đều lần lượt từ giã sàn diễn. Về phía mình, Uyên không có ý định chuyển sang kinh doanh như Trương Ngọc Ánh, cô vẫn muốn nghề nghiệp sau này của mình gắn liền với nghệ thuật, âm nhạc và được trình diễn trên sân khấu.
Năm 2001, Uyên sang Mỹ du lịch kết hợp thăm thân nhân. Trong thời gian ở đây, cô tình cờ đọc được một thông báo tuyển người (casting) của một công ty truyền thông Mỹ (Atv). Uyên quyết định dự thi dù trong đầu chưa hề có ý định sẽ làm việc lâu dài ở xứ này.
"Ban đầu, khi nhận được thông báo trúng tuyển, Uyên cũng không biết công việc sắp tới của mình là gì. Người mẫu, diễn viên hay ca sĩ? Nhưng khi bước vào đợt tập huấn, Uyên mới biết mục đích công ty casting là tìm kiếm gương mặt ảo thuật gia. Người đại diện công ty lúc đó nói trước rằng đây là một công việc không dễ dàng. Nhưng Uyên lại cảm thấy rất thích và đồng ý thử sức" - Ngô Mỹ Uyên nói.
Và thế là Uyên bước vào đợt tập huấn dài ngày với các chuyên gia của công ty. Khác với tưởng tượng của Uyên trước đó, các tiết mục ảo thuật được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và công phu. Uyên sẽ không xuất hiện đơn lẻ trên sân khấu mà có trợ lý biểu diễn cùng, số lượng trợ lý trong một số tiết mục có khi lên đến 20 người. Là tâm điểm của tiết mục, Uyên phải thể hiện sự khéo léo trong những màn ảo thuật, kết hợp nhuần nhuyễn với vũ đạo, với ngôn ngữ hình thể... để cho tiết mục ảo thuật thêm phần hấp dẫn.
Lịch tập luyện các tiết mục của Uyên rất chi tiết, cụ thể, nhưng lịch diễn thì không được thông báo trước. Cứ tập thôi, nhiều khi không biết tiết mục có được sử dụng không, nhưng trách nhiệm của mình vẫn là phải đảm bảo thời gian tập luyện. Cách làm việc này sẽ tôi luyện tính tự giác và làm việc chuyên nghiệp của ảo thuật gia.
Khi bắt tay vào tập luyện mới biết trình diễn ảo thuật là một công việc dễ dàng. Ví dụ như đi xuyên qua gương được coi là một trong những tiết mục đơn giản nhất, ảo thuật gia ban đầu cũng không tránh khỏi bị xây xước, chảy máu... vì bị gương cắt phải. Thế nhưng, Uyên vẫn phải tập đến khi xuyên qua gương mà không bị chảy máu mới thôi.
Còn có một khó khăn khác là tiết mục của Uyên thường là tiết mục lớn, có sự tham gia của nhiều trợ lý. Chính vì vậy nên chỉ cần một trợ lý của Uyên không phối hợp nhịp nhàng, hoặc tập mãi cũng không làm được thì tiết mục coi như thất bại. Đó là chưa kể những tình huống bất ngờ ngoài tầm kiểm soát của ảo thuật gia đến từ những diễn viên... thú diễn cùng như voi, trăn, chim chóc.
Bay lơ lửng trên không làm biến mất những con vật lớn (voi, trăn) ngay trước mắt khán giả, tự cứu mình trong các ngọn tháp... là các tiết mục "ruột" được khán giả yêu thích của Ngô Mỹ Uyên. Tiếc là những tiết mục này Uyên chưa có điều kiện biểu diễn để khán giả Việt Nam thưởng thức, mặc dù đó là điều Uyên luôn luôn mong muốn.
Bị "ràng buộc" bởi bản hợp đồng 10 năm làm việc tại nước ngoài, lại đang sinh sống ở một cường quốc, nhưng Uyên luôn cố gắng để không bị... Mỹ hóa. Cô vẫn giữ mái tóc suôn dài, đen tuyền, trang điểm rất nhẹ và luôn tìm cách giới thiệu về mình là người Việt rất... dễ thương như không đặt tên tiếng Anh (mặc dù tên Uyên hơi khó phát âm đối với người nước ngoài), hoặc mặc áo dài làm trang phục trình diễn... và sử dụng gạo Việt Nam như một đạo cụ đặc biệt trong tiết mục ảo thuật của mình.
Theo Tùng Anh
Gia đình và Xã hội