Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy: “Toyota Classics mang theo âm nhạc không biên giới”
“Không chỉ tạo cơ hội cho nghệ sĩ Việt được học hỏi và giao lưu với những dàn nhạc, nghệ sĩ đẳng cấp thế giới mà còn là “bữa tiệc” với khán giả,” nghệ sỹ Bùi Công Duy chia sẻ.
“Có những “Mạnh Thường Quân” như vậy thì khán giả mới được tiếp cận văn hóa tinh túy của thế giới. Đó là tín hiệu tích cực với đời sống văn hóa nói chung và âm nhạc cổ điển nói riêng”- nghệ sĩ Bùi Công Duy nói như vậy về Đêm nhạc Cổ điển Toyota (Toyota Classics) nhân dịp chương trình sắp trở lại Việt Nam vào 1 đêm duy nhất, ngày 18/11 tới đây tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh.
Với lịch sử 25 năm tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, 17 năm tại Việt Nam, 170 buổi hòa nhạc, thu hút gần 214.000 khán giả, điểm đặc biệt của chương trình là bên cạnh việc giới thiệu tới công chúng những tên tuổi hàng đầu của giới biểu diễn nhạc cổ điển thế giới, mỗi năm Toyota Classics còn là cơ hội cho các tài năng cổ điển Việt Nam biểu diễn cùng những dàn nhạc lớn của thế giới.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, không nhiều doanh nghiệp, cá nhân hay tổ chức phi chính phủ sẵn sàng tài trợ cho các dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Vì vậy, nỗ lực của Toyota trong việc thúc đẩy giao lưu giữa các nền văn hóa trên thế giới và quảng bá nhạc cổ điển đến với người yêu nhạc được xem chính là cánh tay nối dài của những người làm công tác bảo tồn và phát huy văn hóa, nghệ thuật (Phát biểu của Nhạc trưởng Honna Tetsuji) |
Anh đã 3 lần tham gia biểu diễn trong Đêm nhạc Cổ điển Toyota và còn là một khán giả trung thành của chương trình. Ngoài chuyện âm nhạc ra, điều gì ở chương trình này thu hút anh như vậy ?
Tôi nghĩ là Đêm nhạc Cổ điển Toyota là một trong những chương trình có lịch sử lâu dài ở Việt Nam. Chương trình không chỉ tạo cơ hội cho nghệ sĩ Việt được học hỏi và giao lưu với những dàn nhạc, nghệ sĩ đẳng cấp thế giới mà còn là “bữa tiệc” với khán giả. Có những “Mạnh Thường Quân” như vậy thì khán giả mới được tiếp cận văn hóa tinh túy của thế giới… Đó là tín hiệu tích cực với đời sống văn hóa nói chung và âm nhạc cổ điển nói riêng.
Trong chương trình năm nay, bên cạnh phần “cổ điển tinh tuyền”, nhạc mục cũng đưa thêm vào phần “cổ điển giao thoa” với những bản Concerto Nhạc phim do nữ nghệ sĩ/ nhạc sĩ tài ba Pamela chuyển thể. Cùng với Toyota Classics, còn có chương trình Hòa nhạc Toyota xuyên Việt đưa nhạc cổ điển ra khỏi “biên giới” Hà Nội và TPHCM. Anh nghĩ sao về sự dịch chuyển này ?
Âm nhạc cổ điển không phải dễ tiếp thu. Việc mở rộng cần thiết, nhưng không thể vội. Cần giáo dục âm nhạc, từng bước làm những chương trình lớn. Ngoài ra, để chơi nhạc cổ điển đúng và hay phải đặt đúng chỗ, kể cả không gian, nhạc cụ. Tôi thấy vui khi Toyota Classics và Toyota xuyên Việt càng ngày càng mở rộng biên độ âm nhạc và người nghe. Âm nhạc không biên giới, nên việc mở rộng như vậy chỉ có ý nghĩa tích cực mà thôi. Điều này hình như cũng phù hợp với chính sách của Toyota trong kinh doanh khi sản xuất ô tô cho mọi đối tượng, đúng không nhỉ ? (cười).
Năm nay, kỷ niệm chặng đường 25 năm, Đêm nhạc Cổ điển Toyota 2014 hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm âm nhạc hoàn hảo bằng sự pha trộn tài tình giữa âm nhạc cổ điển tinh tuyền chuẩn mực và âm nhạc giao thoa mới lạ, với sự biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Covent Garden Soloists danh tiếng tới từ Nhà hát Giao hưởng vũ kịch Hoàng gia London - Vương quốc Anh, nhạc trưởng bậc thầy người Tây Ban Nha, Miguel Angel Navarro, cặp song tấu ưu tú Pamela Tan Nicholson và Vasko Vassilev. |