Nghệ sĩ Thu An: 80 tuổi vẫn phải học !
(Dân trí) - Một căn nhà nhỏ, một quán trà cũng nho nhỏ trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) là “đại bản doanh” của lão nghệ sĩ Thu An. Tham gia diễn xuất từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh VN, lão nghệ sĩ giờ tuổi đã ngoài 80 nhưng vẫn rất minh mẫn và hào hứng khi nói chuyện nghề.
Cái quán trà nhỏ của bà gần như bị che khuất bởi vô vàn cây cảnh nhưng chẳng mấy khi tôi thấy quán vắng khách. Có lẽ họ đến đây không chỉ để thưởng thức trà mà hơn thế, còn để được nghe bà kể chuyện đời, chuyện nghề và được chiêm ngưỡng “bà mẹ chồng” ở ngoài đời.
Tôi hiểu cách làm nghề từ lời dạy của Bác
Thời gian gần đây, biết bà tuổi đã cao, sức cũng không còn được như trước nên nhiều đạo diễn thông cảm “để cụ nghỉ ngơi tuổi già”, nhưng với nhiều sinh viên trường điện ảnh thì đây lại là cơ hội để họ mời cụ tham gia diễn xuất cho những phim ngắn của họ trong những bài kiểm tra hay đề tài tốt nghiệp của mình. Giải thích điều này, nhiều sinh viên cho biết, làm với cụ ít tốn phim, ít phải quay đi quay lại vì cụ đã diễn là “chuẩn” luôn. Có lẽ đó là điều tự hào mà các diễn viên không dễ gì có được. Với bà Thu An, đóng phim phải thật, diễn xuất phải thật, phải để cho người ta phải thấy ở đâu đó có câu chuyện như vậy, và đúng là có người như thế.
Nói thì dễ, nhưng để nhận ra điều này chẳng phải đơn giản, bà kể đã vinh dự 3 lần được gặp Bác, nhưng có lẽ lần đầu tiên để lại nhiều ấn tượng nhất và cũng chính lời dặn của Bác trong lần gặp này đã giúp bà rất nhiều trong nghề “khi làm bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam Chung một dòng sông (1956), một đêm, khi chúng tôi đang quay ngoại cảnh ở Hồ Tây thì Bác đến thăm. Sau khi xem mọi người diễn, Bác bảo “các cô các chú đóng phim phục vụ nhân dân phải không, nhân dân là cái nôi của cách mạng, phải sâu sát, học hỏi nhân dân chứ chỉ ngồi một chỗ nghiên cứu là không được đâu”.
Mình nghe lời Bác nói thế và hiểu rằng, muốn diễn hay, muốn được khán giả chấp nhận chỉ có một cách phải học, học không chỉ ở thày, ở bạn mà còn phải từ thực tiễn cuộc sống”. Sau đó, bà đã dành cả thời gian có thể để học, học từ cách ôm cày đi cày, vào xưởng cơ khí học từ cách cầm dũa cho đến tư thế dũa...
“Khi làm phim mẹ chồng tôi, quay ở một làng bên Đông Anh (Hà Nội), chỉ riêng động tác diễn viên lấy gạo trong cối ra thôi nhân dân xem đã bảo đây không phải nông dân, họ nhìn biết ngay là “kịch”. Chính vì thế, đoàn làm phim lại mời tôi đóng mặc dù trước đó ông đạo diễn Khải Hưng đã chê tôi không hợp với nhân vật. Tôi còn nhớ, khi sang đến nơi, bà con xì xào “đây rồi, nông dân chính hiệu đây rồi”. Ngay cả sàng sảy gạo là động tác khó lắm nhưng tôi vẫn làm được, tôi là người của nông dân mà”. Bà cười móm mém, tự hào vì mình giống... nông dân mặc dù bà là người Hà Nội gốc.
Làm nghề là phải hết lòng với nghề
Bà sinh năm 1925, lớn lên ở phố Hàng Muối - Hà Nội, trước khi đến với điện ảnh đã từng đi bộ đội, là văn công của đại đoàn 308, bà đến với điện ảnh một cách rất tình cờ “Tôi bén duyên với điện ảnh vì có ông anh kết nghĩa làm ở xưởng phim, sau khi rời văn công tôi đi làm cấp dưỡng, mình cứ nghĩ vui làm anh cấp dưỡng là sướng nhất vì món gì cũng được... ăn trước, sau ông anh tôi mắng, bảo tôi có nghề diễn như vậy ai lại đi làm cấp dưỡng. Thế là tôi sang, và được chọn đóng phim đầu tiên vai cô Cạn trong phim Chung một dòng sông”.
Bà kể, thời đó làm nghề vất vả lắm, đi từ sáng sớm, trưa nắng chang chang vẫn phải vượt qua trảng cát dài cả cây số, phải lấy áo, quấn vào chân để đi. Chiếc đò sử dụng để đóng phim phải dấu ở nơi rất xa, phải đi cả cây số mới lấy được. Mà ghê nhất là chỉ cách địch vài bước chân, khi chèo đò, chỉ vô tình lấn sang sông một chút là địch... kéo sang bên ấy ngay. Nhưng chẳng một ai thối chí cả.
Cả đời diễn của bà luôn thể hiện chất mộc mạc của con người đời thường “Trong suốt cuộc đời diễn viên của tôi, chưa bao giờ tôi sử dụng mỹ phẩm cả. Khi đóng phim Chung một dòng sông có cả chuyên gia hoá trang của Trung Quốc theo giúp đỡ nhưng tôi cũng không sử dụng. Điều quan trọng là mình phải diễn sao cho giống với nhân vật ngoài đời”.
Làm nghề nào cũng phải học nhưng làm nghề này càng phải học, học bất cứ lúc nào. Bà bảo, muốn thể hiện một cách chân thực nhất về nhân vật, thể hiện được cái “hồn” của nhân vật thì phải sống, phải hiểu công việc và cuộc sống của họ. Và muốn làm được điều này cũng chẳng dễ: “Có lần diễn vai nông dân đi cấy, tôi phải đi thực tế nhiều ngày, học cày, học cấy, đỉa bám đầy chân, sợ mà vẫn phải cố. Khi làm phim Chiếc bình truyền kiếp tôi vào vai bà già đanh đá, nhiều người bảo “Thu An làm sao diễn được vai đanh đá”, vậy mà diễn xong, ai cũng khiếp vì thấy tôi đanh đá quá.
Cái sự học trong nghề nào theo bà không phải chỉ đến khi nhận vai nào mới học, mà cần phải học hàng ngày để có một khối kiến thức tổng hợp. Có lẽ chính vì vậy mà đến giờ, mặc cho con cháu can ngăn bà vẫn kiên quyết mở quán để hàng ngày được tiếp xúc với xã hội “mình chỉ ngơi đi một ngày là lạc hậu ngay. Tôi thì tôi chẳng dại. Tôi vẫn tiếp tục học đấy, để khi chạm đến là mình bắt nhịp được ngay”.
Phim truyện là phải có chuyện để nói
Bàn đến chuyện phim ảnh hiện nay, bà bảo, kịch bản bây giờ ít chuyện quá, phải có chuyện thì mới ra phim truyện chứ. Bây giờ không chỉ diễn viên thiếu đầu tư công sức cho vai diễn mà ngay cả kịch bản cũng ít hấp dẫn. “Là người trong nghề lâu năm nên tôi biết, kịch bản đóng vai trò quan trọng tới sự thành công của mỗi vai diễn. Làm diễn viên, thích nhất là được cầm trên tay kịch bản hay, có như vậy mình mới có đất diễn”, bà nói.
Tôi hỏi, trong cuộc đời làm phim, bà thích nhất vai diễn nào? Đó là phim Vợ chồng anh Lực, tôi đóng vai người vợ đẻ tới... 9 thằng con trai, khi đẻ thằng út thì “chồng tôi”... thả gà ra vì thất vọng, và thế là bà đẻ phải... ăn rau.
Bà vẫn là người khắt khe trong nghề nhưng cũng rất hiện đại nhận xét về lớp trẻ: “Chúng nó bây giờ to gan lớn mật quá, mình đi theo chúng nó nên cũng học được nhiều, bây giờ chúng nó không dựng phim nữa mà làm một mạch luôn. Phải công nhận chúng có những cái mà mình không thể bằng được”.
Cho đến tận bây giờ, sau hơn 50 năm cống hiến cho điện ảnh, khi không còn nhớ mình đã đóng được bao nhiêu phim, bà vẫn sống một cuộc sống thanh đạm: “Làm nghề thì thích nhưng nghèo lắm, nhưng làm nghề này mà trong đầu cứ nghĩ đến tiền là... hỏng. Tôi đang tìm một thằng “ranh con” để trả tiền nó, tôi giúp nó làm phim tốt nghiệp, xong việc nó biếu tôi túi xoài để bồi dưỡng, tưởng chỉ xoài không hoá ra cuối cùng lại có cả phong bì”.
Câu chuyện của tôi với lão nghệ sĩ liên tục bị đứt quãng bởi bà phải luôn tay pha trà, lấy đá cho khách. Tuy vậy, cảm giác hào hứng khi nói chuyện của tôi thì hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi lối nói chuyện rất sinh động, cứ như đang... đóng phim của bà. Tôi cứ nhớ mãI gương mặt thẫn thờ của bà khi chia tay, có lẽ với bà, câu chuyện về nghề vẫn còn dài lắm.
Hoa Nguyên Đức