Nghệ sĩ làm giàu bằng quảng cáo?
Phương Thanh từng khẳng định cát-sê quảng cáo của cô cho Coca Cola là 70.000 USD. Nhưng rõ là chẳng mấy ai chịu tin. Vậy mà khi Mỹ Tâm quảng cáo cho Pepsi cũng đã bật mí con số giông giống Phương Thanh, nhưng khi Chi cục Thuế TPHCM xác định được con số 362 triệu đồng là giá trị hợp đồng của Mỹ Tâm thì nhiều người mới chợt biết thêm chút ít về cô.
Kể từ lúc các siêu thị mọc lên như nấm sau mưa, người tiêu dùng quen mua bán không cần trả giá. Vậy mà giới nghệ sĩ vẫn bị “trả giá” lên xuống từng chút một. Đơn cử trường hợp của ca khúc “Hát với dòng sông” lúc đang nổi, nhạc sĩ Quốc An được Sunsilk đề nghị mua nó trong 2 năm để sử dụng làm nhạc quảng cáo. Quốc An đưa ra giá 500 USD, sau một thời gian kỳ kèo, anh đành phải nhân nhượng hạ giá còn 450 USD.
Tới cuối năm 2003, nhạc sĩ Quốc An phát hiện bài hát “Cây đàn sinh viên” cũng của anh đang rất nóng sốt khi đó lại bị nhãn hiệu nước súc miệng Fatech sử dụng làm nhạc nền cho một clip quảng cáo phát trên truyền hình. Mất nhiều thời gian, anh mới dò tìm ra nơi chịu trách nhiệm thực hiện quảng cáo nêu trên cho công ty Fatech ở tận ngoài Hà Nội. Nhạc sĩ nói thẳng giá bán tác quyền quảng cáo cho bài hát ấy là 500 USD. Đại diện của Fatech năn nỉ hạ giá xuống còn dưới... phân nửa.
Thấy phiền phức chuyện trả giá mà chẳng kết quả gì, đến giữa năm 2004, nhạc sĩ Quốc An phải chuyển việc đòi tác quyền bài “Cây đàn sinh viên” kia cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Mãi đến gần đây, Trung tâm mới lấy được tiền cho nhạc sĩ, tổng cộng được... 300 USD!
Trước đây, các ca sĩ - nghệ sĩ thường được mời quảng cáo thông qua hình thức chụp ảnh hay quay phim. Những thông điệp quảng cáo khô cứng, xa cách khách hàng đã dần được thay thế bằng những hình thức mới mẻ hơn. Ví dụ như Pepsi Co. cho mời các ngôi sao quảng cáo hình ảnh thương hiệu bằng cách kêu gọi họ gia nhập vào “đại gia đình Pepsi”. Ngoài ra, để rẻ tiền và thực tế hơn, nghệ sĩ sẽ phát biểu vài câu về sản phẩm coi như định hướng tiêu dùng. Vừa qua, nữ ca sĩ Cẩm Vân phải một phen bất ngờ khi chị đột nhiên trở thành người phát ngôn cho sản phẩm Enat 400 lúc nào không hay.
Trên tờ báo nọ, ca sĩ Cẩm Vân đã xuất hiện trong bài phỏng vấn chiếm độ 1/2 trang báo với tiêu đề “Cẩm Vân đẹp mãi với thời gian”. Nội dung bài phỏng vấn được thực hiện xem ra khá công phu, bên cạnh đó còn ghi rõ những bí quyết làm đẹp về thời trang, thể thao, ăn uống và chăm sóc làn da của chị và bật lên một “điểm nhấn” cuối cùng khi Cẩm Vân khẳng định (mà thực ra điều này không hề có) về sản phẩm Enat 400 với nội dung đại loại là “sản phẩm không thể thiếu cho những người đang... già” (?). Quảng cáo theo những chiêu thức này đúng là quá ư liều lĩnh!
Như đã nói, với những ngôi sao nổi tiếng được mời đóng phim quảng cáo với tư cách là làm biểu tượng của sản phẩm (icon) thì cát-sê cho một lần quay hay chụp ảnh của họ rất cao, lên tới hàng trăm triệu đồng. Đây là trường hợp của ca sĩ Mỹ Tâm với các thương hiệu Casio, LipIce, Sunsilk, Pepsi; Lam Trường với Oishi, Head & Shoulder, Pepsi; Phương Thanh với Coca - Cola, Quang Dũng với Mitsubishi... Nhưng đối với những diễn viên thông thường, cát-sê đôi khi chỉ ở mức vài triệu đồng, thậm chí là vài ba trăm ngàn đồng cho một vai diễn phụ.
AnhT., một diễn viên thâm niên trong nghề đóng quảng cáo với hơn 10 sản phẩm, cũng chỉ có mức cát-sê bình quân gần 200 USD/sản phẩm. Điều tối kỵ của các doanh nghiệp là sử dụng một gương mặt cho nhiều sản phẩm (ngoại trừ những ngôi sao quá nổi tiếng). Vì vậy, trừ nghệ sĩ nổi tiếng, diễn viên đóng phim quảng cáo cũng không có nhiều hợp đồng. Điều này cũng có nghĩa là cũng không mấy ai có thể làm giàu bằng nghề đóng phim quảng cáo hay làm quảng cáo cả!
Theo Báo Cần Thơ