1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nghề diễn viên: Học tài không bằng chân dài

13 sinh viên khóa diễn viên điện ảnh Trường Cao đẳng Nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh TPHCM vừa làm lễ nhận bằng tốt nghiệp ra trường. Con đường trước mặt họ không hề rộng mở như những gì họ tưởng trong ngày đầu bước chân vào trường, học làm diễn viên.

Bám trụ học hành để khăn gói về quê

Những năm gần đây, chủ trương xã hội hóa ngành điện ảnh đã thổi một luồng gió mát vào hoạt động phim ảnh trong nước. Số lượng phim sản xuất ngày càng nhiều với tốc độ ngày càng nhanh. Những tưởng với những điều kiện thuận lợi như vậy, cơ hội hành nghề dành cho những sinh viên điện ảnh sau khi ra trường sẽ trở nên rộng mở hơn, thế nhưng thực tế không phải vậy.

Nhiều sinh viên ban đầu hăm hở học vì đam mê nhưng rồi vì những lý do khác nhau, một số đành rẽ ngang sang những lĩnh vực khác như người mẫu Tống Bạch Thủy, Bình Minh, Thùy Dung... Số may mắn kiếm được các sô diễn (chủ yếu là diễn trên sân khấu) thì tranh thủ vừa học vừa chạy sô nên học mãi vẫn chưa tốt nghiệp. Vì vậy một lớp 20 - 25 sinh viên nhưng số sinh viên tốt nghiệp chỉ chiếm 1/2 là cao.

Những ai “bám trụ” đến ngày tốt nghiệp thì sau khi ra trường hoặc khăn gói về quê, lập gia đình bỏ nghề như Kiều Anh, Huyền Trân (khóa 4) hoặc chuyển sang nghề khác như Hải Nguyên (khóa 5) làm công ty quảng cáo, Như Cầm (khóa 5) - tiếp viên hàng không...

Nếu không thì về các sân khấu trong TP, đây là hướng đi được nhiều sinh viên chọn nhất vì ở những sân khấu này, với “mác” sinh viên Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh, họ được ưu tiên hơn: diễn những vai... quần chúng có thoại.

Thanh Toàn sau khi tốt nghiệp (năm 2003) luẩn quẩn với những vai quần chúng được một dạo rồi lên đường nhập ngũ. Anh cho biết: “Đầu năm tới, khi hết thời hạn phục vụ quân ngũ, tôi sẽ học lập trình đồ họa để kiếm một công việc ổn định, không thèm theo nghề diễn viên nữa”.

Giao vai cho người có học: Mạo hiểm

Trong cơ chế thị trường hiện nay phim ảnh cũng là một sản phẩm hàng hóa. Muốn hàng của mình bán chạy dĩ nhiên các nhà sản xuất phải tìm mọi cách để lôi kéo khách hàng. Và một trong những “chiêu” không bao giờ lỗi thời là mời ngôi sao tham gia chứ ít ai dám mạo hiểm giao vai cho những gương mặt vừa ra trường.

Không hợp vai, đó là lý do nhiều đạo diễn đưa ra để giải thích cho việc lựa chọn của mình nhưng ai cũng thừa hiểu các nhà làm phim sợ một gương mặt mới toanh không thể nào đủ sức lôi khán giả đến rạp như một hoa hậu, người mẫu, ca sĩ- những người đã có lượng công chúng nhất định.

Nếu Tống Bạch Thủy, Bình Minh không trở thành siêu mẫu, người mẫu nổi tiếng thì cơ hội quay lại nghề diễn viên điện ảnh sẽ không có. Nhà giáo Ưu tú Phan Bích Hà, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, nói an ủi: “Nghệ thuật không như những ngành nghề khác, không phải xinh đẹp, học giỏi là đóng phim được mà phải có năng khiếu thiên bẩm, phải hợp nhân vật. Vì thế một khóa chỉ cần tên tuổi vài em được công chúng biết đến xem như chúng tôi đã thành công”. Tuy nhiên, không có cơ hội tham gia thì làm sao họ chứng tỏ tài năng của mình.

Chờ một cơ may

Quỳnh Phượng, ra trường được 3 năm, tham gia khá nhiều phim, gần đây nhất là phim Lẵng hoa tình yêu (vai Linh) cho biết: “Nghề này đôi khi phải kể đến yếu tố may mắn”. Nếu không may mắn được tham gia vai diễn trong phim Blouse trắng của đạo diễn Mỹ Hà, thì cô sinh viên năm I Thanh Thúy đã không có cơ hội chứng tỏ tài năng diễn xuất của mình.

Lý Thanh Thảo mặc dù ngoại hình rất nhỏ con, không đủ “chuẩn” của một diễn viên nhưng không nhờ vai diễn chính trong phim Cỏ dại của đạo diễn Đinh Đức Liêm thì mấy ai biết đến cô với gương mặt dễ thương và tài diễn xuất chuyên nghiệp.

Hay gần đây là trường hợp Lê Thế Lữ (phim Mùa len trâu). May mắn không phải là yếu tố quyết định thành công ở nghề này, điều quyết định chính là tài năng và nỗ lực của họ.

Trong khi phim ảnh hiện đang tràn ngập những diễn viên a-ma-tơ thì những sinh viên điện ảnh - đội ngũ được đào tạo bài bản, chính quy- lại phải ngậm ngùi đứng bên lề cánh cửa nghệ thuật, mãi long đong đi tìm ước mơ. Đây quả là một nghịch lý giữa khâu đào tạo và sử dụng, hơn thế nữa, một sự lãng phí nghiêm trọng.


Theo Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm