“Ngày đặc biệt” - Đêm nhạc tôn vinh tình yêu Hà Nội
(Dân trí) - Tối 12/12, đêm nhạc mang tên “Ngày đặc biệt” của giáo sư - nhạc sĩ Vĩnh Cát, nguyên PGĐ Nhạc viện Hà Nội với những bài hát nổi tiếng của ông như: Hà Nội của ta, Hà Nội thủ đô ta đó, Ngôi sao Hà Nội… đầy tự hào tôn vinh tình yêu Hà Nội.
Tham dự đêm nhạc có nhiều văn nghệ sĩ, nhạc sĩ danh tiếng và cả các học trò cũ của nhạc sĩ Vĩnh Cát: nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Văn Ký, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật HN, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn - Vụ phó Vụ Nghệ thuật Ban Tuyên giáo Trung ương, PGS. Lê Toàn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao-Du lịch Hà Nội , GS.TS. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian VN…
Trong không khí ấm áp của khán phòng, các ca khúc quen như: Sapa thành phố trong sương, Hà Nội của ta, Hà Nội thủ đô ta đó, Ngôi sao Hà Nội… từng rất nổi tiếng trong các thập niên từ 60 của thế kỷ trước qua các giọng ca Quý Dương, Thanh Hoa giờ mang sắc thái với sự thể hiện của các ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Thanh Tâm… Bên cạnh đó cũng có những màn trình diễn nhạc thính phòng với các tác phẩm “Se chỉ luồn kim”, “Rừng xuân Tây Nguyên”… đã gắn bó với tên tuổi của nhà soạn nhạc giao hưởng Nguyễn Vĩnh Cát từ nhiều thập kỷ nay.
Nhà thơ Bằng Việt, một người bạn của nhạc sĩ Vĩnh Cát phát biểu tại đêm nhạc rằng “Âm nhạc của anh Vĩnh Cát rất linh hoạt, vừa kế thừa tính cổ điển lại vẫn hiện đại”. Nhạc sĩ Vĩnh Cát đã hơn nửa thế kỷ viết nhạc, cho đến nay có gần 200 ca khúc, 60 tác phẩm thính phòng và giao hưởng mang tên ông. Mặc dù ở tuổi xưa nay hiếm, nhạc sĩ Vĩnh Cát vẫn âm thầm viết nhạc giao hưởng, dù đó là một phạm trù âm nhạc vô cùng kén khán giả.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát (12/12/1934) thoát ly gia đình tham gia kháng chiến chống Pháp từ nhỏ, là diễn viên Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm trưởng đoàn từ tháng 2/1947 ở Việt Bắc. Kết thúc cuộc kháng chiến, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba.
Năm 1956 vào trường Âm nhạc Việt Nam, lớp sáng tác đầu tiên (tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia VN) cùng với các nhạc sĩ Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Nguyễn Thành, Hồng Đăng, Huy Thục… Năm 1959 tốt nghiệp, được giữ lại trường làm giảng viên, đã đào tạo trực tiếp nhiều thế hệ học trò. 1984 chuyển sang làm giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội. Nhiều năm sau, ông là một nhạc sĩ, một nhà soạn nhạc và một nhà sư phạm mẫu mực với cương vị PGĐ Nhạc viện Hà Nội.
Anh Thế