1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Ngành công nghiệp thời trang Việt – Có tiếng nhưng chẳng có miếng?

(Dân trí) - Motto: Phát triển – Vươn tầm thế giới - Chuẩn mực quốc tế? Đó là những ngôn từ hoa mỹ mà nhiều người nhìn nhận về ngành công nghiệp thời trang tại Việt Nam. Vậy ngành này có thực sự đã đạt đến những yếu tố hoa mỹ trên?

Ngành công nghiệp thời trang Việt Nam đã có những bước chuyển mình rất rõ rệt trong hai thập niên đầu thế kỉ XIX và có sự thay đổi mạnh mẽ ở hầu hết các lĩnh vực dệt may, sản xuất và thêu dệt vải… Giới làm thời trang tại Việt Nam cũng dần dà quen thuộc hơn với những khái niệm “Người mẫu”, “Nàng thơ”, “Vedette”, “Sàn catwalk”….

Trong bối cảnh tân tạo cục diện nền công nghiệp thời trang đó, các Tuần lễ thời trang cũng bắt đầu xuất hiện, như một hình thức minh chứng cho sự phát triển của ngành. Ngay từ năm 2001, một tuần lễ thời trang đầu tiên tại Việt Nam được khai sinh, thu hút rất đông những nhà mốt đình đám tại thời điểm này. Tiếp theo sau đó, hằng loạt các tuần lễ thời trang khác do tư nhân tổ chức, cũng lần lượt được giới thiệu tới công chúng.

Ngành công nghiệp thời trang Việt – Có tiếng nhưng chẳng có miếng? - 1

Các nghệ sỹ nổi tiếng luôn là những nhân vật trang trọng được ưu ái trong danh sách frontrow của các sự kiện thời trang tại Việt Nam (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ)

Sự hiện diện của các Tuần lễ thời trang tại Việt Nam nói chung và các show diễn mang tính cá nhân nói riêng, là một tín hiệu khả quan cho thấy những tư duy mới mẻ của các nhà thiết kế và thương hiệu trong nước về chiến lược phát triển thương hiệu và tiếp cận người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, hầu hết các tuần lễ thời trang tư nhân này đến nay đều có dấu hiệu biến tướng và sa đà vào những yếu tố giải trí, “chiêu trò”. Sự chệch hướng nghiêm trọng này đã làm đánh mất đi yếu tố thời trang chuyên chính của một tuần lễ thời trang chuẩn mực, vô tình khiến cho show diễn thời trang trở thành một “sự kiện” phục vụ cho một mục đích khác như thương mại, marketing,… dưới vỏ bọc thời trang.

Không chỉ bản thân sàn runway bị “biến tướng” khi đặt chân đấn Việt Nam, mà ngay cả những hoạt động bên lề cũng được phía đơn vị tổ chức thổi phồng để trở thành những “vở kịch” màu sắc nhằm khuấy động sự hiếu kỳ của công chúng. Đơn cử như hoạt động Streetstyle, vốn là một nét rất đáng yêu của các tuần lễ quốc tế, nay cũng trở thành “thảm hoạ” dưới bàn tay nhào nặn của các nhà tổ chức tuần lễ thời trang tại Việt Nam. Có lẽ, Việt Nam là một trong số ít quốc gia tổ chức cả “lễ trao giải” cho hoạt động streetstyle.

Ngành công nghiệp thời trang Việt – Có tiếng nhưng chẳng có miếng? - 2
Streetstyle vốn là một hoạt động rất tự nhiên tại các Tuần lễ thời trang lớn trên thế giới nay đã bị biến tướng tại Việt Nam.

Nhắc đến những bất cập của các Tuần lễ thời trang tại Việt Nam cũng không thể bỏ qua yếu tố ngân sách được chi trả cho các slot diễn giữa các nhà thiết kế, các thương hiệu với những đơn vị chủ quản, tổ chức show diễn. Sự mất cân bằng giữa hai cán cân ngân sách và lợi nhuận đã khiến hầu hết các nhà thiết kế đều nhanh chóng thoái lui sau một hoặc hai mùa tham gia. Trước tình trạng này, nhiều nhà thiết kế Việt và thương hiệu đã chọn phương án tự tổ chức show hoặc chọn phương án huy động tài trợ với những ràng buộc phô trương. Điều này cũng gây không ít sự khiên cưỡng khi các nhà thiết kế phải cố gắng lồng ghép hình ảnh của các đơn vị đối tác một cách lộ liễu xuyên suốt show diễn, khiến cho chất cá nhân và thời trang đúng nghĩa bị che mờ.

Ngành công nghiệp thời trang Việt – Có tiếng nhưng chẳng có miếng? - 3
Làm show riêng đang là xu thế ở Việt Nam nhưng tồn tại nhiều bất cập.

Nếu ở phạm vi các tuần lễ thời trang quốc tế, sự hiện diện của các buyer và giới truyền thông luôn là những nhân tố quan trọng trên hàng ghế front row của đông đảo những thương hiệu đình đám như Gucci, Chanel, Fendi… Thì tại Việt Nam, front row luôn “bị” chiếm đóng bởi danh sách dài thượt các Hoa hậu, nghệ sỹ, Vlogger,… Đồng thời, “nhân vật chính” của các show diễn – bộ sưu tập, luôn phải nhường chỗ cho sức hút của các khách mời kiểu “Ngôi sao A diện thiết kế trăm triệu đến show B”, “Cô A đọ sắc cô B trên thảm đỏ show diễn C”,… hoặc những con số cát-xê tính bằng chục ngàn đô cho một ngôi sao nào đó chỉ đến ngồi xem show chút rồi về.

Ngành công nghiệp thời trang Việt – Có tiếng nhưng chẳng có miếng? - 4
Giới mộ điệu Việt ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều show diễn thời trang .

Lấy ví dụ trường hợp của IVY moda - một thương hiệu vẫn miệt mài làm hai show mỗi năm để ra mắt các BST mới. Từ trước đến nay, IVY moda vốn được biết đến là một thương hiệu “giàu có” khi các show diễn luôn có sự tham dự của các ngôi sao hàng đầu, những chuyên gia trong ngành cùng những người mẫu đắt giá nhất làng mẫu. Với một sự chịu chi từ phần nhìn, phần nghe của show diễn, IVY moda đã chiếm được một vị trí nhất định trên thị trường. Tuy nhiên mới đây, IVY moda đã chính thức công bố hợp tác với nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP trong dự án mới. Điều này thể hiện được sự “chịu chơi” của thương hiệu và liệu đây có phải là một “nước cờ” để IVY moda dành thế thượng phong và chiếm lĩnh thị trường bởi từ trước đến nay Sơn Tùng nổi tiếng là một nghệ sĩ kĩ tính trong việc lựa chọn đối tác cũng như thương hiệu sẽ phải trả một số tiền “không phải dạng vừa đâu” để mời Sơn Tùng?

Ngành công nghiệp thời trang Việt – Có tiếng nhưng chẳng có miếng? - 5

IVY moda sẽ là thương hiệu thời trang Việt đầu tiên mà Sơn Tùng hợp tác.

Tạm kết, có thể nhìn nhận rằng thời trang Việt đang có những chuyển hướng tốt, khi ngày càng nhiều nhân tố tài năng được phát hiện và góp phần thay da, đổi thịt cho ngành công nghiệp thời trang non trẻ. Song, để đạt đến sự chuẩn mực của một ngành công nghiệp thực thụ và mang về lợi ích kinh tế, văn hoá như các quốc gia khác, Việt Nam vẫn cần thêm nhiều nỗ lực để thay đổi. Yếu tố tiên quyết chính là việc thay đổi tư duy về thời trang của những người trong ngành để từ đó, thay đổi nhận định chung của công chúng về ngành công nghiệp này.