Từ trường hợp album Khi em ra đi của Lam Trường:
Nếu Bến xuân có đề tên Phạm Duy ?
Vừa qua, album Khi em ra đi của Lam Trường bị thanh tra văn hóa "sờ gáy" vì sự xuất hiện của cái tên Bằng Kiều trong một ca khúc viết chung với Đức Trí. Nếu cũng vì lý do góp bút như thế thì trường hợp Bến xuân của chương trình Con đường âm nhạc số 6 - Cõi mơ (CĐAN) của nhạc sĩ Văn Cao sẽ được các cơ quan quản lý văn hóa nhìn nhận như thế nào ?
Tối 13.11, CĐAN trở lại với một diện mạo mới sau 2 tháng. Nhân vật chính là tác giả Văn Cao - người đã để lại cho văn hóa Việt một gia sản thơ - nhạc - họa phong phú. Đài truyền hình Việt Nam đã cho trình diễn 2 ca khúc có cùng phần nhạc Bến xuân (sáng tác năm 1940) và Đàn chim Việt (1943).
Tuy nhiên, từ trước đến nay ca khúc Bến xuân ít khi được hát vì một lý do tế nhị - Văn Cao viết chung với nhạc sĩ Phạm Duy. Theo một số tư liệu thì Phạm Duy có tham gia soạn hai ca khúc Suối mơ và Bến xuân với Văn Cao. Khi gia đình Phạm Duy thực hiện album nhạc Văn Cao - Phạm Duy Mối tình Trương Chi cho ca sĩ Duy Quang (con trai của Phạm Duy) thì chỉ ghi tên soạn chung ca khúc Bến xuân còn ca khúc Suối mơ, Phạm Duy chỉ chép nhạc lại cho Văn Cao. Tuy vậy, trường hợp của Bến xuân thì hai người đứng tên soạn chung mà trong đó Phạm Duy có tham gia một chút về phần ca từ. Sau này, khi Văn Cao viết lại lời mới cho Bến xuân thành Đàn chim Việt thì đúng Đàn chim Việt là một tác phẩm của riêng Văn Cao.
Trở lại trường hợp album của Lam Trường. Trước đây không lâu, ca sĩ Hà Nội nổi lên từ Sao Mai - Điểm hẹn Nguyễn Mỹ Dung cũng phát hành album riêng trong đó có ca khúc Anh sẽ nhớ mãi hát lại của Bằng Kiều và chỉ ghi tên tác giả Đức Trí. Mỹ Dung cũng từng thể hiện ca khúc này nhiều lần trên truyền hình và cả trong cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn mà không có tên Bằng Kiều. Dĩ nhiên mọi việc đều trót lọt cho đến khi xảy ra chuyện với album của Lam Trường. Việc Lam Trường tôn trọng tác giả phần lời (mặc dù Đức Trí đã khẳng định là Bằng Kiều chỉ sửa một chút ít về ca từ mà thôi) thì lại bị trục trặc trong khi những người đã quên thì... an toàn. Mà từ trước đến nay, bệnh quên tên tác giả phần lời xảy ra rất phổ biến. Chỉ trường hợp nhà thơ hoặc người viết lời lên tiếng thì mới có phản hồi mà thôi.
Tuy vậy, từ trường hợp "trục trặc" của album Lam Trường cho thấy một trong những việc "tiền hậu bất nhất" của nhà quản lý. Nếu trường hợp của Lam Trường bị thanh tra giấy phép và có nguy cơ thu hồi sản phẩm thì trường hợp của album Mỹ Dung thì sao? Rồi chương trình Sao Mai - Điểm hẹn 2004 thì sao? Đấy là chưa kể đến trường hợp tương tự của ca khúc Bến xuân trong CĐAN số 6 (vì cho đến nay, mới chỉ có 9 ca khúc Phạm Duy được cấp phép phổ biến tại Việt Nam)...
Những câu hỏi rắc rối mang tính truy cứu vừa qua cũng chỉ để chúng ta suy nghĩ lại về cách làm của những người trực tiếp làm văn hóa mà thôi. Nhà quản lý thì thay đổi liên tục mà cũng không thể cập nhật thông tin liên tục. Người biên tập văn hóa cũng không thể có đủ kiến thức rộng rãi để biết được những vòng vo hậu đài. Nói tóm lại, chúng ta vẫn chỉ trông đợi vào sự tự giác của mỗi người trong việc phổ biến văn hóa tới người nghe. Bởi xét cho cùng, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng của văn hóa mà thôi.
Theo Thanh Niên