“Nếu anh không đốt lửa…”
(Dân trí) - Đạo diễn Nguyễn Thước chân thành tâm sự “Lưu Quang Vũ quá lớn đối với tôi”. Bộ phim tài liệu <i>Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh gửi lại</i> chưa có được tầm vóc như mong đợi, nhưng đã đốt lên ngọn lửa tưởng nhớ thắp sáng những ký ức bị thời gian làm cho xa cũ.
Tên gọi cũ Ngọn lửa trong gương đã được các nhà làm phim đổi thành Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh gửi lại, với mục đích, để nội dung phim đến với người xem một cách dung dị, gần gũi nhất. Bộ phim được sản xuất để kỷ niệm 20 năm ngày mất của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.
Sau cánh gà thời gian, cái bóng của Lưu Quang Vũ vẫn hắt sáng và có sức ảnh hưởng lớn với sân khấu Việt Nam cho đến những đêm sáng đèn hiện tại. Những tác phẩm thi ca của hai vợ chồng nhà thơ tài hoa vẫn mải miết theo chân dòng chảy văn chương đương đại, chưa bao giờ dừng lại, chưa bao giờ bị lãng quên. Tài năng lớn, chân dung lớn của họ là sức ép không nhỏ đối với các nhà làm phim.
Với nhà văn Nguyễn Khắc Phục là những kỷ niệm đáng nhớ về tài năng thơ vượt trội của Lưu Quang Vũ, với nhà thơ Bằng Việt là kỷ niệm khi cùng in tập thơ Hương cây & Bếp lửa, với nhà phê bình Vương Trí Nhàn là sự nhìn lại và chiêm nghiệm về con đường thơ và lý tưởng sống của Lưu Quang Vũ, với các đạo diễn, diễn viên sân khấu là sự nhiệt tình, cẩn thận và sức làm việc không biết mệt mỏi khi Lưu Quang Vũ làm sân khấu, với NSƯT Hoàng Dũng lại là câu chuyện nghẹn ngào về cuộc sống nghèo khổ một ngày Tết đến chơi với “anh Vũ”, “chị Quỳnh” được hai anh chị mừng tuổi…
Phim rất ít hình ảnh của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, nhưng hình ảnh của họ lại tràn đầy trong những ký ức, những câu chuyện kể của bạn bè cùng thế hệ. Chuyện như chỉ xảy ra mới hôm qua, trong ngôi nhà chật hẹp chỉ có một chiếc bàn, Lưu Quang Vũ đi công tác xa, Xuân Quỳnh được “sở hữu” chiếc bàn nhưng lại ngồi viết không quen. Như chỉ mới hôm qua, Lưu Quang Vũ còn ngồi đọc thơ với những người bạn học cũ. Như chỉ mới hôm qua, mỗi vở kịch của Lưu Quang Vũ công diễn đều gây chấn động với công chúng và giới sân khấu.
Hai mươi năm đã trôi qua sau vụ tai nạn thảm khốc, Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đã đến một nơi rất xa, nhưng ký ức về họ vẫn được bạn bè, gia đình, người thân lưu giữ, trân trọng để kỷ niệm lúc nào cũng đong đầy cảm xúc, như chỉ vừa mới xảy ra hôm qua.
Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh gửi lại cho bạn bè ký ức, gửi lại cho thế hệ sau những tác phẩm, để đến hôm nay, sân khấu vẫn sáng đèn với những vở kịch không bao giờ cũ của Lưu Quang Vũ. Những Hồn trương ba da hàng thịt, Điều không thể mất, Nàng Sita, Tin ở hoa hồng, Tôi và chúng ta… vẫn được sân khấu đương đại dàn dựng lại với hơi thở mới.
Bộ phim khép lại trong dư âm của tài năng dẫu vượt qua 20 năm vẫn sống động. Thế hệ những người làm sân khấu trẻ hôm nay như Thành Lộc, Kim Xuân… tiếp tục tìm thấy những lớp giá trị vượt tầm thời đại trong tư tưởng kịch của Lưu Quang Vũ.
Những người yêu mến Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh chờ đợi một bộ phim tầm vóc hơn thế, nhưng đạo diễn Nguyễn Thước đã tâm sự rất chân thành “Lưu Quang Vũ quá lớn đối với tôi và với cả thế hệ của tôi”, đó là sự thật. Để phác hoạ lại một chân dung lớn là điều không đơn giản. Có thể thấy sự nỗ lực của các nhà làm phim khi gom tìm lại những ký ức cũ, xâu chuỗi lại, và làm bừng sáng lại những giá trị đã bị thời gian làm cho xa cũ. Các nhà làm phim đã đốt lửa, để 20 năm sau, những người yêu mến Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh được ngồi lại cùng nhau trong một thước phim xâu chuỗi đầy cảm xúc, và để giật mình mà hỏi nhau, chúng ta đã làm được gì cho họ?
Có một con đường mang tên Lưu Quang Vũ, nhưng khuất nẻo... Dường như chỉ có thế. Trong khi thơ ca và sân khấu đương đại đều hiểu, đều biết rằng, sẽ rất lâu nữa mới có được một người như Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh. Rất lâu nữa!
Nếu anh không đốt lửa (*)
Nếu tôi không đốt lửa
Thì làm sao
Bóng tối có thể trở thành Ánh sáng?
Hiền Hương
(*) Thơ của Nazim Hikmet, Lưu Quang Vũ rất yêu thích. Ông đã lấy câu thơ “Nếu anh không đốt lửa” làm tựa đề cho một vở kịch của mình.