Nhà biên kịch đạt giải Oscar Susannah Grant:

“Nền điện ảnh của các bạn không hề yếu kém!”

(Dân trí) - Trong sự nghiệp của mình, Susannah Grant từng năm lần được đề cử giải Oscar cho biên kịch xuất sắc. Năm 2001, Susannah đoạt giải Oscar cho kịch bản xuất sắc với phim Erin Brockovich (Luật sư không bằng cấp).

Rất nhiều bộ phim của bà được khán giả Việt Nam yêu thích như Charlotte's web, 28 Days, In her shoes... Hiện, Susannah là Chủ tịch Quỹ học bổng Nicholl dành cho những người viết kịch bản phim thế giới. Nhân chuyến sang thăm Việt Nam, bà có buổi trò chuyện với chúng tôi.

 

Xin được hỏi, bà có nhận xét gì về điện ảnh Việt Nam?

 

Tôi rất tiếc vì chưa kịp xem một bộ phim nào của Việt Nam. Bởi vậy, tôi chưa thể đưa ra bất kỳ nhận xét nào về điện ảnh Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, những người làm phim Mỹ chúng tôi sang Việt Nam - có thể xem như một chuyến đi "thị sát" môi trường hoạt động điện ảnh ở đây. Hy vọng, thời gian tới hai nền điện ảnh Việt - Mỹ sớm có những tác phẩm hợp tác chung!

 

Ở Việt Nam, mỗi năm sản xuất khoảng trên dưới mười bộ phim nhựa. Nếu may mắn, trong đó sẽ có được một bộ phim tốt. Điều đó khiến công chúng và cả những nhà quản lý đều không hài lòng. Vậy ở một nền điện ảnh lớn như Mỹ, mỗi năm sản xuất được bao nhiêu bộ phim và trong số đó có được bao nhiêu phim hay?

 

Như các bạn đã biết, Hollywood là kinh đô điện ảnh lớn nhất của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Cả nước Mỹ có khoảng 7 hãng phim lớn. Mỗi hãng phim lớn sẽ sản xuất ra khoảng 180 phim/một năm. Các hãng phim nhỏ hơn sản xuất khoảng 60-70 bộ phim/năm.

 

Ngoài ra, còn khoảng 2.000 hãng phim tư nhân khác cũng tham gia sản xuất phim nhỏ lẻ, nhưng thường phim của họ không được các nhà phát hành quan tâm nên ít khi có mặt tại những rạp chiếu lớn. Tuy nhiên, trên mặt bằng đó, chỉ có 20 - 25 bộ phim hay, còn lại chất lượng cũng bình thường.

 

Vậy với một nền điện ảnh chỉ sản xuất được trên dưới 10 bộ phim nhựa/năm có thể bị xem là một nền điện ảnh yếu kém không, theo ý kiến của cá nhân bà?

 

Tôi không muốn dùng từ "yếu kém" ở đây, để nói đến nền điện ảnh của các bạn - tôi sẽ dùng từ non trẻ. Bao giờ cũng vậy, nền điện ảnh của mỗi quốc gia thường phản ánh rất rõ nét sự phát triển kinh tế của quốc gia đó. Kinh tế của Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập. Như vậy, chúng ta có cơ sở để khẳng định nền điện ảnh Việt Nam đang phát triển, đang nổi lên ở châu Á.

 

“Nền điện ảnh của các bạn không hề yếu kém!” - 1
 

 

Khi kinh tế phát triển, tất yếu nhà nước sẽ chú trọng đầu tư phát triển các lĩnh vực nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có điện ảnh. Đơn cử như Hàn Quốc, khi kinh tế Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ vào thập niên 90 thế kỷ trước, nền điện ảnh Hàn Quốc bỗng nhiên trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành hiện tượng điện ảnh ở châu Á.

 

Trong nội bộ nền điện ảnh Việt Nam hiện tại đang có những mối xung khắc ngầm giữa phim nghệ thuật và phim giải trí, giữa phim nhà nước và phim tư nhân... Ở Mỹ có xảy ra những xung khắc này?

 

Ở Mỹ chúng tôi cũng luôn có sự phân chia giữa phim nghệ thuật và phim giải trí. Các hãng lớn khi sản xuất phim, họ rất quan tâm đến lợi nhuận và doanh thu. Với các hãng phim nhỏ,  họ sản xuất lặng lẽ hơn, nhưng chất lượng nghệ thuật lại rất cao! Khán giả của thể loại phim này ít hơn phim giải trí nhưng lại là những người rất hiểu biết và đam mê điện ảnh.

 

Theo tôi, sự phát triển nở rộ của nhiều dòng phim là một quá trình tất yếu, không có gì đáng lo ngại. Tôi rất mừng khi Việt Nam đã có những hãng phim tư nhân. Chính họ, với những lợi thế về tài chính sẽ thực hiện được nhiều sáng tạo bất ngờ cho điện ảnh các bạn!

 

“Nền điện ảnh của các bạn không hề yếu kém!” - 2

 Erin Brockovich - bộ phim đã mang về giải thưởng Oscar

đầu tiên trong sự nghiệp của nhà biên kịch Susannah Grant

 

Bà đã từng năm lần được đề cử giải Oscar cho kịch bản phim xuất sắc, và đã giành được giải thưởng cao quý này năm 2001 với kịch bản “Erin Brockovich”. Bà có lời khuyên nào dành cho các nhà biên kịch phim Việt Nam?

 

Kịch bản phim Erin Brockovich được xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật. Một cô gái một nách ba con nhỏ, thất nghiệp, khó khăn lắm mới xin được việc ở một công ty luật. Phim chỉ có hai tiếng, làm sao để trong hai tiếng ấy có thể chuyển tải được tất cả sự kiên cường và nhẫn nại của Erin? Tôi đã phải nghiên cứu, xác định mục tiêu chính của mình muốn đề cập, rồi từ đó chọn lọc tình tiết trong hàng đống thông tin, dữ kiện.

 

Một bộ phim hay trước hết phải có một cốt truyện hay. Khi đã có một cốt truyện trong tay, người viết kịch bản sẽ biết cách xây dựng xung quanh câu chuyện ấy những nhân vật, những tình tiết phục vụ một mục đích duy nhất.

 

Theo bà, liệu có cơ hội nào dành cho những tác giả kịch bản Việt Nam đầu tư chất xám ra thị trường điện ảnh nước ngoài?

 

Có chứ! Việt Nam đang có vị trí tích cực trên con đường hội nhập quốc tế. Chúng tôi luôn chờ đón các tác giả kịch bản Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Đặc biệt, những câu chuyện, những nhân vật mang đậm chất văn hóa riêng biệt của các bạn luôn khiến chúng tôi rung động. Bản sắc văn hóa chính là thế mạnh của các bạn!

 

“Nền điện ảnh của các bạn không hề yếu kém!” - 3

Toni Collette (trái) và Cameron Diaz trong bộ phim tâm lý

tình cảm "In her shoes", phim cũng là một tác phẩm của

nhà biên kịch Susannah Grant.

 

Những ngày ở Việt Nam, điều gì khiến bà có ấn tượng đặc biệt?

 

Tôi rất có ấn tượng với sự hiếu khách và thân thiện của người Việt Nam. Tôi chưa đi chơi được nhiều, bởi công việc cũng nhiều, lịch làm việc đã kín. Nhưng rõ ràng, đất nước các bạn đang trong giai đoạn chuyển mình phát triển... À, có một điều tôi ấn tượng, đó là tôi nhìn thấy có rất nhiều đĩa phim "lậu" Erin Brockovich bày bán ở đây... (cười).

 

Cảm nghĩ của bà khi gặp những đĩa "lậu" Erin Brockovich?

 

Tất nhiên đó là điều đáng buồn rồi. Vấn đề bản quyền rất quan trọng nhất là với một nền điện ảnh còn non trẻ như các bạn. Tôi nghĩ, bản quyền là một trong những vấn đề đầu tiên các bạn nên để tâm giải quyết trước nhất. Ở Mỹ chúng tôi, vấn đề này rất được coi trọng. Chúng tôi không chỉ quan tâm đến chất lượng mỗi DVD phim gốc mà còn quan tâm đến giá cả của nó để một người Mỹ thu nhập bình thường nhất cũng mua được.

 

“Nền điện ảnh của các bạn không hề yếu kém!” - 4
Charlotte's Web (Mạng nhện của Charlotte) - bộ phim mới nhất của nhà biên kịch Susannah Grant, ra mắt vào đầu năm 2007.

 

Xin hỏi một câu cuối cùng, những người yêu điện ảnh thế giới thường nói về Hollywood như một kinh đô ánh sáng xa hoa nhưng cũng nhiều tai tiếng... Bản thân bà - một "nhân vật" đến từ Hollywood sẽ nói gì với chúng tôi về xứ sở này?

 

So với nhiều thành phố lớn của Mỹ, cuộc sống ở Los Angeles (thành phố có Hollywood) cởi mở, sôi động hơn với loại hình nghệ thuật đặc trưng. Những người mà tôi đã gặp và hợp tác cùng, đa số đều là những người nghiêm túc, yêu công việc, sống chan hòa, và là những ông bố bà mẹ mẫu mực.

 

Tuy nhiên, cũng có một vài ngôi sao khá đình đám và báo chí lại thường chỉ quan tâm đến scandal của những ngôi sao này. Như vậy, báo chí Mỹ vô tình đã tạo nên một hình ảnh khác về Hollywood!

 

Cảm ơn bà về buổi trò chuyện này!

 

Hiền Hương