Mỹ Tâm - Ca sĩ Việt đầu tiên mua tác quyền ca khúc ngoại

Sau khi Công ước Berne có hiệu lực, giới ca sĩ đã tự động tìm mua bản quyền ca khúc. Mỹ Tâm đã trở thành ca sĩ đầu tiên đặt mua bản quyền ca khúc quốc tế để ghi âm băng đĩa và biểu diễn.

Trong album Vol.4 của Mỹ Tâm phát hành vào hạ tuần tháng 4-2005 có 2 ca khúc nhạc ngoại đã chính thức được mua bản quyền là Cancaxo do mar (từng được trình bày bởi ca sĩ Sarah Brightman) và Người yêu dấu ơi (nhạc Nhật, lời Việt khuyết danh).

Với bài Cancaxo do mar, Mỹ Tâm đặt mua từ trang web www.songfile.com, thanh toán qua tài khoản. Còn bài Người yêu dấu ơi, đường đi của nó xem ra lòng vòng hơn: đầu tiên Mỹ Tâm liên lạc sang Nhật Bản, được hướng dẫn liên hệ với Sony Music trụ sở ở Hồng Công (đơn vị quản lý bản quyền khu vực Đông Nam Á cho đối tác Nhật) và cuối cùng đạt được thỏa thuận hợp đồng. Về giá cả, tuy không tiết lộ con số cụ thể nhưng giá không quá đắt, được tính dựa trên số lượng ấn bản CD phát hành.

Nói chung, kể từ khi Công ước Berne được thực thi và có hiệu lực ở nước ta tình trạng khan hiếm ca khúc xem ra cũng trở nên gay gắt hơn, nhất là trong tình hình ca sĩ trẻ ngày nay phát triển nhiều như “nấm mọc sau mưa”. Lực lượng sáng tác trong nước quanh đi quẩn lại chỉ những cái tên quen thuộc như Lê Quang, Đức Trí, Hoài An... hoàn toàn không đủ đáp ứng nhu cầu có thêm nhiều ca khúc mới cho ca sĩ. Khi “cung” không đủ “cầu”, nhiều ca sĩ đành phải bắt đầu tính tới việc mua bản quyền những ca khúc nhạc ngoại mà họ yêu thích hoặc đang được giới trẻ hâm mộ để làm phong phú thêm vốn bài hát của mình.

Ông Võ Trọng Nam, Trưởng Phòng Quản lý nghệ thuật Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM đã khẳng định: “Việc lập danh sách tên, tác giả các ca khúc nhạc ngoại để áp dụng Công ước Berne do Cục Bản quyền tác giả - tác phẩm làm. Theo tôi biết, Cục cũng đang tiến hành thực hiện việc này. Còn khi muốn sử dụng ca khúc nhạc ngoại trong chương trình, các cá nhân, đơn vị chỉ cần nộp giấy chứng nhận đã trả đầy đủ tiền tác quyền kèm theo nội dung chương trình, trong vòng 7 ngày sau, Sở Văn hóa - Thông tin sẽ tiến hành cấp phép”. Trước tình hình trên, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam cũng đã sớm vào cuộc.

Ông Huỳnh Tiết, Phó Chủ tịch Thường trực hiệp hội này cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ cung cấp cho các đơn vị sản xuất-phát hành băng đĩa địa chỉ một số trang web mua bán ca khúc nước ngoài phổ biến để các hãng không còn lúng túng nữa khi phải tìm nguồn gốc xuất xứ, tác giả ca khúc cần sử dụng. Những trang web như songfile.com thủ tục mua-bán rất nhanh chóng. Người mua chỉ cần chọn ca khúc ưa thích, thanh toán qua mạng, 48 giờ sau biên nhận sẽ được gửi đến. Trung bình giá cao nhất khoảng 200 USD/bài”. Mức giá này so với một ca khúc độc quyền trong nước thì không chênh lech nhiều, thế nên sắp tới chắc chắn thị trường mua bán ca khúc nhạc ngoại sẽ trở nên sôi động hơn. Được biết sau Mỹ Tâm, một vài ca sĩ khác cũng đang rục rịch tìm ca khúc nước ngoài ưng ý để mua về sử dụng riêng cho mình.

Trong thời gian gần đây, cũng đã có một số đối tác Hồng Kông, Thái Lan sang Việt Nam liên lạc với các hãng băng đĩa, công ty âm nhạc để giới thiệu và chào mời mua bản quyền ca khúc của họ. Ông Trương Quốc Khánh, Chủ nhiệm Vafaco cho biết, một đại diện Thái Lan đã đặt vấn đề giao lưu hợp tác phổ biến những ca khúc nổi tiếng nhất của Thái và Việt Nam trên thị trường âm nhạc hai nước, xa hơn nữa là những chương trình ca nhạc có sự xuất hiện của ca sĩ hai bên tổ chức tại Việt Nam và Thái Lan.

Riêng Công ty âm nhạc Thế Giới Giải Trí cũng cho biết vừa bỏ tiền ra mua chính thức sáu ca khúc Hồng Kông với giá 6.000 đô-la Hồng Kông (khoảng 12 triệu đồng Việt Nam)/bài. Theo hợp đồng, đối tác Hồng Kông cho phép Công ty âm nhạc Thế Giới Giải Trí được phép sử dụng ca khúc cho ca sĩ của mình hát (bằng tiếng Việt hoặc tiếng Hoa) tại Việt Nam. Giám đốc Công ty Thế Giới Giải Trí nói: “Trong tương lai, ca sĩ Việt Nam còn có thể đặt hàng nhạc sĩ Hồng Kông sáng tác, hòa âm, làm nhạc và sang Hồng Kông ghi âm”.

 Theo Báo Cần Thơ