Mỹ Hạnh: "Ca hát là một nghề quá may mắn"

Đã 17 năm tuổi nghề nhưng hiện nay, Mỹ Hạnh vẫn là một giọng ca có nội lực mạnh mẽ. Chị tâm sự, ca hát là một nghề may mắn dù tuổi thọ ngắn nhưng như vậy đã là quá sung sướng rồi.

Theo chị, giữa một ca sĩ bình thường và một ca sĩ chủ phòng trà, điều gì làm nên sự khác biệt?

Đó là những khó khăn. Một ca sĩ bình thường thì chỉ lo làm sao hát cho hay, có đủ sức khỏe để chạy được nhiều sô. Còn một ca sĩ chủ phòng trà, bên cạnh nỗi lo không được thua kém ca sĩ khách mời về giọng ca, còn phải biết dung hòa giữa việc kinh doanh và chất lượng nghệ thuật của phòng trà, đồng thời phải khéo léo trong cách ứng xử với đồng nghiệp.

Thời gian đầu, tôi khá mệt mỏi vì chuyện này. Mỗi khi tôi nhắc nhở việc giữ kỷ luật về giờ giấc và chất lượng nghệ thuật, bạn bè trách mình sao từng làm ca sĩ mà không cảm thông với họ. Nhưng họ đâu hiểu rằng phòng trà mở ra không chỉ vì bạn bè và nghệ thuật suông mà còn phải để “sống” nữa.

Cơ duyên nào chị lại trở thành bà chủ?

Thật ra, kinh doanh phòng trà bây giờ không dễ ăn. Điều chính yếu là nó giúp tôi thỏa được niềm đam mê ca hát. Cái lời đáng kể nhất là lời về nghệ thuật. Cách đây bảy năm, tôi một mình từ Nha Trang vào TP HCM, ở nhà thuê, ăn cơm bụi, tìm cơ hội thăng tiến. Tôi vốn quen được hoạt động nghệ thuật trong một tập thể nên việc một thân một mình chạy sô hằng đêm khiến tôi bị “sốc”.

Khi tôi chuẩn bị quay về Nha Trang thì gặp ông xã tôi bây giờ. Anh góp ý tôi không nên “chạy lung tung” như vậy nữa, chỉ nên chọn những chương trình phù hợp với chất giọng, phong cách của mình. Nhưng những chương trình như vậy lại không thường xuyên, nên chi chúng tôi quyết định mở phòng trà để được tự do hát theo sở thích.

Và từ lúc nào, chị “gắn bó” với nhạc Trịnh Công Sơn?

Khoảng 4 năm trở lại đây. Trước kia, tôi hát nhạc trẻ nhưng do tuổi đời ngày một không còn trẻ, hơn nữa chất giọng trầm của tôi phù hợp với loại nhạc tự sự, sâu lắng nên tôi thử hát nhạc Trịnh, thấy được, vậy là hát luôn. Khi mở phòng trà 2B, tôi cũng nhằm phục vụ khán giả của tôi, tức lứa tuổi trung niên. Những ca sĩ cộng tác với tôi ở đây đều là những người hát hay, có tâm với nghề, tuy họ không phải là những ca sĩ thời thượng. Theo tôi, không nổi tiếng không có nghĩa là hát dở.

Đã đi qua một thời sôi nổi, chị nghĩ sao về dòng nhạc trẻ hôm nay khi không ít người đang lên án nó?

Tôi không nghĩ là nó đang đi xuống như nhận định của một số người, mà nó đang chạy theo trào lưu hip hop của thế giới. Dòng nhạc thế nào thì phong cách sống thế ấy. Đâu thể bắt lớp trẻ sống giống mình được. Điều đáng lo là hiện nay có quá nhiều ca sĩ, nhạc sĩ “tự xưng” mà không dựa trên một chuẩn mực nào để đánh giá. Thiếu tính đặc thù trong phong cách là nguyên nhân dẫn đến sự ngắn ngủi về tuổi thọ của ca khúc cũng như của nghề hát. Công chúng trẻ hôm nay rồi sẽ lớn lên, sẽ già đi, lúc đó loại nhạc hip hop không còn phù hợp với họ nữa, họ sẽ bị hụt hẫng và sẽ phải tìm đến dòng nhạc trữ tình, sâu lắng. Bởi âm nhạc thường song hành cùng tuổi tác.

Ca hát là một nghề “bạo phát, bạo tàn”, chịu sự đào thải cao, chị nghĩ sao về nhận xét đó?

Ngược lại, tôi nghĩ nghề ca hát là một nghề rất may mắn, không có gì phải than thở. Cứ cho là ngắn thì cũng là quá sướng. Nếu xét về luật đào thải thì sao khắc nghiệt bằng các vận động viên thể thao. Còn nếu cho rằng ca sĩ chỉ có một thời thì nghề nào lại chẳng một thời, trong khi thực tế nhiều ca sĩ đàn anh đàn chị của chúng tôi có tuổi nghề rất dài, không thua gì các nghề khác. Điều đó không lệ thuộc vào nghề mà tùy vào sức mình. Công bằng mà nói, so với các nghề khác, nghề ca hát hiện nay có thu nhập cao vượt quá xa so với sức lao động bỏ ra, trong khi không phải ai cũng ý thức được đầy đủ trách nhiệm đối với chính mình và đối với xã hội.

Một ngày làm việc của ca sĩ Mỹ Hạnh kiêm bà chủ phòng trà như thế nào?

Phòng trà của tôi mỗi đêm thường có trên 10 ca sĩ biểu diễn và mỗi tuần tập với ban nhạc một lần. Ai cũng có fan riêng nên khán giả xoay qua xoay lại cũng chừng đó người. Ca sĩ cộng tác với tôi ít đột biến nên việc quản lý không còn vất vả như trước. Một ngày mới của tôi thường bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng và công việc bận rộn nhất trong ngày là làm... nội trợ. Tôi luôn trực tiếp nấu các món chính cho bữa ăn gia đình.

Chồng tôi có một công ty chuyên sản xuất những con thú thủy tinh, gia công độc quyền cho Disney land (Mỹ). Tôi thấy cuộc sống của mình hiện nay thật dễ chịu, phù hợp với sở thích, không bị o ép bởi bất cứ điều gì.

Theo Người Lao Động