1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Một giáo sư kinh tế Mỹ “mê” Nguyễn Ngọc Tư

Một Việt kiều Mỹ là Giáo sư kinh tế Trần Hữu Dũng vì quá “mê” văn Nguyễn Ngọc Tư đã tự nguyện “thiết kế và trông nom” cả một thư viện điện tử về tác phẩm của nhà văn này.

Đây là lời tự bạch thật nhẹ nhàng của GS Trần Hữu Dũng trên website: “Tôi lập trang này với mục đích, trước hết, cho tôi thu thập vào một nơi những bài của (và về) Nguyễn Ngọc Tư rải rác trên web, và sau đó chia sẻ với những bạn thích văn Nguyễn Ngọc Tư như tôi.

 

Tuy nhiên, xin nhắc các bạn là Nguyễn Ngọc Tư, như mọi nhà văn khác, phải mưu sinh. Tôi hi vọng các bạn sẽ tiếp tục mua sách (và báo đăng truyện) của cô, và cổ động người khác mua. Hãy cùng mong Nguyễn Ngọc Tư có một đời sống an bình, thoải mái, để tiếp tục viết cho chúng ta. Xin cám ơn các bạn - THD”.

 

Làm công việc giảng dạy kinh tế nhưng lại đam mê văn học, vậy xin cho hỏi con đường đến với văn học của GS như thế nào?

 

Tôi nghĩ "mê văn thơ" hầu như là bản tính của mọi người Việt. Mang dòng máu Việt, tôi cũng vậy thôi. Giảng dạy và nghiên cứu kinh tế là cái nghề sau này. Đáng lẽ phải nói tôi là người đam mê văn chương mà vì hoàn cảnh đưa đẩy (và không đủ tài để mưu sinh với nghiệp văn!) nên phải đi vào ngành kinh tế học, không phải là ngược lại!

 

GS đến với tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từ một cơ duyên nào?

 

Tình cờ tôi đọc truyện "Mối tình năm cũ" của cô trên mạng. Tôi sửng sốt! Rồi từ đó tôi tìm đọc tất cả những gì cô viết.

 

Điều gì từ các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư làm GS thích thú và hình thành một thư viện điện tử dành cho các tác phẩm của nhà văn này?

 

Một giáo sư kinh tế Mỹ “mê” Nguyễn Ngọc Tư  - 1

GS Trần Hữu Dũng quê quán Mỹ Tho (Tiền Giang), sang Mỹ du học từ năm 1963, tốt nghiệp Kỹ sư điện tử và Tiến sĩ kinh tế. Hiện là GS kinh tế tại ĐH Wright State (Ohio, Mỹ).

 

Ngoài việc giảng dạy và nghiên cứu, ông cũng là Tổng thư ký toà soạn Arts & Letters Daily (http://www.aldaily.com), tổng biên tập tạp chí Thời Đại Mới và viết cho nhiều tạp chí khác, trong và ngoài nước.  

Trước hết, cô là một nhà văn có biệt tài, trong văn phong cũng như trong những nhận xét vô cùng tinh tế của cô, ai đọc cô cũng thấy điều đó. Thứ nữa là sự chân thật, đôn hậu, trong sáng toả ra từ những gì cô viết (cả truyện lẫn bút ký). Nhưng có thể điều làm người miền Nam như tôi xúc động nhất là những phương ngữ, phương ngôn mà cô dùng. Tôi chưa bao giờ sống gần như trọn vẹn lại thời thơ ấu, ở quê hương tôi, như khi tôi đọc văn Nguyễn Ngọc Tư.

 

Thông qua, thư viện điện tử về các tác phẩm của nhà văn, GS muốn gửi gắm điều gì chăng?

 

Tôi không có một "thông điệp" nào cho ai cả, chỉ muốn làm một việc nhỏ, vui cho tôi và chia sẻ với những bạn thích văn Nguyễn Ngọc Tư ở bốn phương trời. Có vậy thôi.

 

Trung bình mỗi ngày có khoảng bao nhiệu lượt người truy cập vào thư viện điện tử này, thưa GS?

 

Khoảng 500 người!

 

Có lẽ cũng có ít nhiều phản hồi từ các "du khách" khi vào website này? GS có thể chia sẻ một vài cảm nhận mà các "du khách" đã gửi gắm?

 

Vâng có rất nhiều người, từ mọi nơi trên thế giới, viết mail cám ơn tôi về tủ sách Nguyễn Ngoc Tư. Có những em sinh viên còn rất trẻ, cũng có những người trạc tuổi tôi. Nhiều người xa quê hương đã lâu, người chỉ mới đây, người ở Hà Nội, người ở Cần Thơ. Có điều lạ là đa số đều cho tôi biết là họ đã... khóc khi đọc truyện của cô. Nhưng đó là những giọt nuớc mắt thương yêu, êm đềm... (tôi nghĩ thế).

 

Đến với văn chương như vậy, GS có thấy rằng văn chương chia sẻ và hỗ trợ phần nào công việc của mình không?

 

Tôi không cho là văn chương hỗ trợ công việc, hay ngược lại. Đời sống mỗi người chúng ta luôn luôn phong phú (dù ta có biết thế hay không): văn chương, kinh tế, chuyện xã hội, chuyện gia đình... chúng hoà quyện với nhau trong mỗi chúng ta. Và mỗi chúng ta chỉ có một ta!

 

Xin cám ơn GS về cuộc trò chuyện thú vị này!

 

Theo Hoàng Tả Pháp
Người Viễn Xứ