"Mối cơ duyên” của Ti Ta
Phát âm chuẩn, nói tiếng Việt nhanh như... cãi và có khả năng dùng tiếng lóng đáng kinh ngạc nhưng Ti Ta hay Thảo - tên thường gọi của Martha Lackritz - cho biết trước khi sang VN cô chưa từng học tiếng Việt.
Martha, 25 tuổi, sang VN lần đầu tiên vào năm 2003 để thực hiện dự án nghiên cứu về ca dao, tục ngữ do được Chính phủ Mỹ cấp học bổng Fulbright. Nếu một ngày đẹp trời nào đó bạn bắt gặp một cô gái người nước ngoài khá xinh đẹp cưỡi “con Bướm Trắng”- tên chiếc xe “rim Tàu” của cô - với lỉnh kỉnh những thứ mang theo bên mình: máy ảnh, máy tính, máy ghi âm... và phóng trên đường phố Hà Nội thì rất có thể đấy chính là Ti Ta.
Tại sao Ti Ta chọn ca dao VN?
Vì ca dao gắn liền với đời sống tinh thần của người dân lao động VN, nó vô cùng phong phú và đặc sắc. Ca dao giúp tôi có thể cảm nhận và hiểu hơn về đất nước, con người VN. Hơn nữa, chị có thấy ở bất cứ bài ca dao nào cũng rất giàu nhạc điệu không?
Ví dụ như cái bài này: Rủ nhau xuống bể mò cua/ Đem về nấu quả mơ chua trên rừng/ Người ơi chua ngọt đã từng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau... (cười). Ngoài ra còn nhiều lý do nữa nhưng tôi không thể diễn đạt hết được bằng lời.
Dịch ca dao VN có khó hơn khi dịch các thể loại văn học khác không?
Khó hơn nhiều chứ! Khi bắt tay vào dịch, có những từ hay cụm từ mà khi dịch sang tiếng Anh tôi phải chú thích thật dài dòng bên dưới bởi nếu cứ chuyển ngữ nguyên xi như vậy thì sẽ chẳng có nghĩa gì.
Chính tôi nhiều khi cũng thấy bí và chẳng hiểu gì cả. Những lúc như thế tôi lại phải đi hỏi GS Hữu Ngọc hoặc hỏi bất cứ người Việt nào ở xung quanh, nhờ họ giải thích cho. Tôi rất biết ơn GS Hữu Ngọc vì ông đã giúp đỡ tôi rất nhiều, và cảm ơn bạn bè VN của tôi nữa, kể cả những người không quen biết...
Gặp Ti Ta lần đầu tiên tại Jazz Club ở số 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội (trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật VN), nghe cô tự giới thiệu về mình tôi đã ngạc nhiên đến mức phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần rằng cô có phải là người Mỹ gốc Việt không.
Và Ti Ta lại càng khiến tôi trố mắt lên khi nghe cô làm một lèo: “Tôi mang hai dòng máu Nga và Do Thái nhưng lại được sinh ra ở bang Texas, miền đông bắc nước Mỹ. Khi đến VN tôi đã cảm thấy gắn bó với mảnh đất này và con người ở đây, như có một mối cơ duyên vậy! Nếu có cơ hội, tôi sẽ làm việc và ở lại đây. Chị có rảnh không, đi làm vài chén với bọn này đi! Trước lạ sau quen mà...”. Ôi trời ơi! Tôi chỉ biết kêu lên như thế...
Ti Ta học tiếng Việt ở đâu, học như thế nào mà giỏi và nhanh đến vậy?
Tôi ở TP.HCM mấy tháng sau đó ra Hà Nội, có theo học hai khóa tiếng Việt dành cho người nước ngoài. Phải nói là mới đầu việc học tiếng Việt đối với tôi rất vất vả và chật vật. Tiếng Việt có nhiều nghĩa, ngữ pháp lại khó vô cùng. Nhiều khi ở trên lớp tôi chẳng hiểu thầy giáo đang nói gì nên mang máy ghi âm theo, về nhà bật lên nghe rồi học lại.
Về sau đi đâu tôi cũng mang nó (máy ghi âm - NV) theo, sẵn sàng ghi lại tất cả những gì mà những người mình có dịp tiếp xúc nói ra, nếu không hiểu thì hỏi lại và mọi người cũng vui lòng giải đáp.
Tôi thấy học cách này hiệu quả hơn học trên lớp rất nhiều! Vậy nên, có một thời gian tôi hay đi uống bia ở “ngã tư quốc tế” (Trời ạ! Đó chính là cách gọi ngã tư phố cổ Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện) và lân la nói chuyện với những người uống bia ở đấy, đa số là người trẻ. Bằng cách đó tôi học tiếng Việt nhanh hơn và có thêm nhiều bạn (cười)...
Nghe nói Ti Ta còn viết bài cho một số tờ báo và tạp chí bằng tiếng Việt?
Vâng, tôi có viết một số bài cho tạp chí Nhịp Cầu và Cẩm Nang Mua Sắm, cũng chỉ muốn thử sức mình xem làm được đến đâu thôi! Bây giờ thì tôi đang làm biên tập viên tiếng Anh cho tạp chí Heritage...
Không chỉ dịch thuật, viết báo, Ti Ta còn làm... người mẫu nữa. Anh bạn tôi, một nhiếp ảnh gia có tiếng, lần đầu tiên từ Sài Gòn ra nhìn thấy Ti Ta đã “chấm” ngay cho bộ sưu tập áo cưới mới nhất của mình và nhờ tôi làm cầu nối. Không ngờ chỉ vừa nghe tôi nói, Ti Ta đã vui vẻ nhận lời. Tháng 3-2004 anh bạn tôi lái xe ra Hà Nội rồi kéo cả bầu đoàn thê tử lên Sa Pa chụp ảnh. Trời rét cắt da nhưng Ti Ta không hề than một tiếng.
Có một câu chuyện vui: khi Ti Ta đang đứng làm mẫu bên một ngôi nhà có giậu tầm xuân tuyệt đẹp trên con đường đi xuống bản Cát Cát, lúc ấy đã gần 6g chiều, mọi người đều rất mệt, có một nhóm du khách đi qua tưởng là đoàn làm phim nên đứng lại xem. Một người trong số họ thốt lên: “Tây kìa!”, thì gần như ngay lập tức Ti Ta cũng ngó nghiêng và kêu lên một cách đầy kinh ngạc: “Đâu? Tây đâu? Tây đâu?...” khiến mọi người được một phen cười vỡ bụng.
Đến đêm mọi người kéo nhau đi uống rượu. Lúc đầu Ti Ta từ chối vì mệt nhưng cuối cùng cô cũng miễn cưỡng đi cùng chúng tôi ra sân nhà thờ Sa Pa. Và cũng chính tại đây Ti Ta gặp một họa sĩ performance art nổi tiếng, sau này là người yêu của cô. Nhắc lại chuyện này, Ti Ta cười bảo tôi: “Như có một mối cơ duyên vậy!”. Sau này, nhiều nhà thiết kế như Hà Linh Thư, Vinh Nguyễn... còn mời Ti Ta làm người mẫu chụp những bộ sưu tập mới của mình.
Dự định sẽ dịch 1.000 bài ca dao sang tiếng Anh và xuất bản ở Mỹ của Ti Ta được thực hiện đến đâu rồi?
Với sự giúp đỡ của GS Hữu Ngọc, hiện nay tôi đã dịch được gần 500 bài (*). Công việc này không thể làm trong một sớm một chiều được. Có những bài tôi dịch xong rồi đọc lại thấy vẫn chưa ổn nên lại phải tìm hiểu, dịch lại từ đầu. Tôi đang cố gắng làm việc để cuối năm 2006 cuốn sách có thể ra mắt bạn đọc; đồng thời hiện tôi còn quan tâm đến mảng truyện ngắn của những nhà văn trẻ VN. Thỉnh thoảng tôi được đọc một vài tác phẩm của họ trên báo, rất thú vị!
Và còn tham gia những cuộc performance art với các họa sĩ VN?
Tham gia cho vui ấy mà! Các họa sĩ ấy đều là bạn tôi cả, như Nguyễn Văn Quang, Đào Anh Khánh, Nguyễn Hồng Thái, Trần Nhật Thăng... Khi được rủ là tôi tham gia thôi. Nhưng có một điều không thể phủ nhận đấy là chơi với họ tôi “khôn” ra nhiều đấy! (cười)
Ti Ta bảo muốn gắn bó lâu dài với VN, điều đó chỉ nói cho vui hay là...
Không, tôi nói thật lòng đấy! Khi đến VN, tiếp xúc với con người và cuộc sống ở đây tôi đã nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Trở về nước học xong tôi sẽ quay trở lại và sẽ xin việc ở đây, làm báo cũng là một nghề thú vị...
Còn chuyện lập gia đình... Ti Ta đang có người yêu VN?
Chúng tôi yêu nhau nhưng thật sự tôi nghĩ làm con dâu trong một gia đình người Việt không dễ chút nào. Tôi chỉ biết mình sẽ cố gắng hết sức! Còn bây giờ chúng tôi thống nhất với nhau hãy cứ bằng lòng với cuộc sống hiện tại, với những gì mình có đã...
(*) Martha Lackritz học Đại học Brown chuyên ngành văn học Pháp. Đã từng dịch thơ của một số nhà thơ VN in trên tạp chí Prospect Literari Journal, San Antonio Current...
Theo Tuổi Trẻ