Meryl Streep: “Phụ nữ có quyền lực thường bị đối xử khắt khe”
"Con quỷ trong bộ đồ Prada" (The Devil Wears Prada) là phim “hot” của năm 2006 vắt qua 2007. Diễn viên chính Meryl Streep trò chuyện về thế giới thời trang mà phim đề cập, về nhân vật chính Miranda được cho là lấy từ nguyên mẫu Anna Wintour, tổng biên tập tạp chí Vogue danh tiếng.
Chị có quan tâm đến thế giới thời trang?
Tôi không quan tâm nhiều lắm đến các xu hướng và các kiểu cách. Tuy nhiên, tôi rất quan tâm mọi người, thông qua trang phục của mình, thể hiện bản thân ra sao.
Chị cảm thấy thoải mái với loại trang phục nào?
Jeans và áo phông. Bộ phim về thời trang này không làm thay đổi phong cách của tôi. Nếu có gì khiến tôi nghĩ lại thì đó là thán phục những người sáng nào cũng phải bỏ thời gian đáng kể cho việc ăn mặc.
Chị nghĩ thế nào về nhân vật Miranda của mình?
Tôi mong là bà ấy có thể tận hưởng cuộc sống nhiều hơn nhưng có lẽ khí chất, tình cảm và tinh thần của bà ấy không phù hợp với cách tận hưởng cuộc sống của tôi.
Một điều, mà tôi ngưỡng mộ là bà ấy sẵn sàng nói thẳng những điều mong muốn, và khát vọng mà bà ấy tìm cách đạt được. Tính cách này khiến tôi bị mê hoặc tuy nhiên, đôi khi xã hội chúng ta không coi đó là phẩm chất quyến rũ của một phụ nữ.
Điều gì là thách thức đối với vai diễn này?
Những gì diễn ra gần tương tự với một bộ phim mà tôi tham gia hồi mới bước chân vào điện ảnh- phim Kramer chống lại Kramer. Ngay từ đầu khán giả đã phán xét nhân vật của tôi rất khắc nghiệt.
Họ quyết định ngay đây là một kẻ đáng ghét và điều ấy là một thách thức trong việc tìm ra nét nhân bản của loại nhân vật như thế. Điều gì ẩn chứa bên trong? Điều gì bạn chưa biết đến? Điều gì bạn chưa thực sự nhìn thấy? Đó là thách thức.
Được cho là biểu tượng trong ngành công nghiệp phim ảnh, chị có thấy trớ trêu khi mình lại thể hiện các nhân vật cũng là các biểu tượng khác trong đời sống? Trong trường hợp này, mọi người cho rằng Miranda là chân dung úp mở về tổng biên tập Vogue huyền thoại, Anna Wintour?
Chúng ta thường khắt khe đối với những phụ nữ quyền lực hoặc có địa vị đặc biệt trong khi điều tương tự không xảy ra với hàng triệu đàn ông. Tôi chưa bao giờ gặp Wintour và chẳng biết gì về bà ấy.
Thật là thú vị nếu sao chép ai đó hoặc là một phiên bản của một người nào đó. Tuy nhiên, tôi muốn tự do tạo nên nhân vật của mình. Tôi từng gặp gỡ rất nhiều người có quyền lực, cả phụ nữ và đàn ông. Việc quan sát họ đã góp phần tạo ra vai diễn của tôi.
Chị có am hiểu về ngành thời trang?
Tôi không biết nhiều lắm về ngành này và không có ý tưởng gì về nó trước khi tham gia bộ phim. Tôi không nghiên cứu quá sâu nhưng cũng đủ thú vị khi phát hiện ra rằng chúng ta là nạn nhân của các xu hướng thậm chí ngay cả khi chúng ta cho rằng mình không vướng vào đó.
Một số người tự cho mình vượt lên trên ngành công nghiệp thời trang nhưng thực ra vẫn đồng lõa và làm mồi cho nó.
Chị có thể so sánh ngành công nghiệp thời trang với Hollywood?
Tôi thực sự không thể giả bộ am hiểu và cũng chẳng thể nói về những điều mà mình thậm chí không liên quan tới. Nhưng đây là một câu hỏi thú vị. Tôi không biết những điểm tương đồng là gì.
Có thể là theo cách mà cả hai lĩnh vực này đều phụ thuộc vào một thị trường hay thay đổi. Không ai có thể hiểu được tại sao mọi người lại đi xem các bộ phim và chẳng ai có thể lý giải được tại sao năm nay mình mặc bộ đồ này.
Có thể những tương đồng như thế cùng bộc lộ tính nhẹ dạ. Với phim ảnh và thời trang, bạn không thể thực sự dự đoán được bất cứ điều gì.
Theo Đăng Ngọc
Tiền Phong