NSƯT Minh Châu:
Mê tít việc đàn ông
Lâu rồi Minh Châu không xuất hiện trên màn bạc. Nằm bẹp ở nhà cả tuần liền. Không ốm, không đau, chỉ thấy chán. Đồng ý nhận vai rồi lại tìm cách từ chối, từ chối không được lại tự thuyết phục mình rằng cái vai ấy sẽ có đất diễn. Thế mà đến ngày đi quay thì lại... hối hận, lại muốn cho chóng xong đi.
Minh Châu không đẹp rực rỡ. Chị có vẻ mặn mà của người đàn bà từng trải, đặc biệt là đôi mắt to đẹp. Nhưng kể từ Cô gái trên sông và Người đàn bà nghịch cát, hai bộ phim đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp điện ảnh của chị, ít thấy chị có vai nào ấn tượng hơn. Chị cười bảo "Lớp chúng tôi chín nhũn đi rồi mà chẳng có kịch bản nào, vai diễn nào cho chúng tôi cả. Bây giờ người ta chỉ khai thác về đời sống của lớp trẻ để kéo chúng đến rạp. Thế là lớp già, nếu không muốn bỏ cuộc chơi thì chỉ còn nước đóng vai các bà mẹ".
Các vai "mợ" của chị quanh đi quẩn lại cũng chỉ hoặc hơi hiền hiền hoặc đanh đá cá cầy... Trong khi cuộc đời thật thì ở đâu đó ngoài màn ảnh, nó không phải thế, không đơn giản là thế. Điện ảnh đáng lẽ phải làm "người dẫn đường", như lý thuyết của các bậc thầy người Nga. Thế nhưng phim của mình đa phần đều lẽo đẽo chạy theo sau thời cuộc, thậm chí nhiều khi chỉ là "theo đóm ăn tàn". Đấy là chưa kể những vụ bê bối hậu trường, những chuyện nhộn nhạo ngay từ khâu tuyển sinh, rồi cả cái quan niệm "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" đang ăn sâu vào tận từng tế bào của xã hội... "Thế là tự dưng mất cả hứng thú. Nhàm chán quá", chị thảng thốt.
Dạo này dư luận đang ỏm tỏi về cái dự thảo Luật Điện ảnh vừa trình Quốc hội. Đa phần là chê. Mà toàn chê những điều to tát, vĩ mô. Cánh báo chí, các đại biểu, các nhà quản lý hết vặn vẹo cơ chế này lại cật vấn cách phân bổ kia... rồi tóm lại, nghệ thuật là một cái gì đó rất mơ hồ, không thể "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" được. Song cái cụ thể nhất thì lại chẳng thấy luật nào đề cập. "Cát-xê cho diễn viên ngày càng ít đi. Chẳng hạn như tôi là đứa rất nghiêm túc mà thu nhập chẳng bõ công sức bỏ ra. Khi tôi sang Thái Lan dự Liên hoan phim, họ hỏi đóng phim ở Việt Nam được bao nhiêu tiền, tôi phải bịa ra mức thù lao gấp 20 lần. Thế mà họ vẫn cứ cười ầm lên kêu là ít quá. Tôi còn bất đắc dĩ kinh doanh để kiếm sống, chứ những người khác thảm thương lắm", chị tâm sự.
Cát-xê rẻ mạt thế mà mua lấy trận cười như không của thiên hạ lại chẳng rẻ chút nào. Chị kể rằng có lần đã phải nghiến răng bỏ ra 10 triệu sắm quần áo. Tất nhiên phim đóng xong thì mất cả vốn lẫn lãi. Quần áo cũng chỉ dùng một lần rồi... bỏ đi luôn, chứ kiên quyết không tái sử dụng. Bởi theo chị, một diễn viên có lòng tự trọng thì phải cố gắng không lặp lại hình ảnh của mình, dù chỉ là chuyện phục trang.
"Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa mặc người". Chị nói rằng, dựa dẫm vào một người đàn ông không mang lại hạnh phúc cho mình, cũng giống như dựa vào cây gỗ mục, chẳng thà ở vậy còn hơn. Nhưng quả thực những người đàn bà phải ăn tối một mình, những người đàn bà sẵn sàng lao đến chỗ đông đúc, sà vào các shopping... họ đều rất mạnh mẽ.
Ngày ngày, chị vẫn vui vẻ tập thể dục, đánh tennis. Đặt cái cân ngay cửa ra vào để bước chân vào nhà là nhảy lên bàn cân. Hôm nào ngon miệng, lên cân một tí là chết khiếp. Hôm sau phải bù lại ngay bằng cách... nhịn ăn, tăng khẩu phần hoa quả. Béo thì mặc cái gì cũng không đẹp. Còn với khuôn mặt, chị cũng phải kỳ công hàng giờ đồng hồ trước khi đi ngủ. Để không bị tàn tạ.
Người đời hay nói "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Nhưng chị lại mê tít việc của đàn ông. Mê mẩn đến nỗi trả ngay 2 tỷ rưỡi cho một cái nhà loàng xoàng trong vòng... 5 phút mà không cần mặc cả kỳ kèo. Chỉ vì tự dưng thích cái nhà ấy và tin rằng mình sẽ biến nó thành toà lâu đài. Đến nỗi ông chủ nhà cũng phải há hốc mồm vì "chưa thấy người phụ nữ nào đàn ông như thế".
Xây dựng một nhân vật sống hết cuộc đời cũng giống như xây dựng ngôi nhà. Chỉ có điều, số phận nhân vật phụ thuộc vào bàn tay đạo diễn. Cuộc đời mỗi người, nói theo triết lý phương Đông, phụ thuộc vào số mệnh. Ông đạo diễn, số phận nhiều khi không cầm nắm được. Vậy chỉ có xây nhà là sướng. "Tôi chẳng tham khảo sách kiến trúc nào, cứ việc ngồi mà tưởng tượng ra, rồi đi thuê người xây dựng. Sướng lắm vì mình được làm chủ. Sướng nhất là mơ ước, thậm chí viển vông nhất cũng biến thành hiện thực... Bạn bè đùa, bảo tôi mua cái ô tô rồi thích dừng ở đâu thì dừng".
Chị đã chuyển đến 10 cái nhà. Lần này cũng không chắc là lần cuối. Vì rằng, dẫu chị thừa hiểu "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt" song vẫn cứ gắng quấy đạp ra khỏi cái nhàm chán, cái ngưng đọng của cuộc đời, của nghề diễn... Thôi thì, một chút ảo tưởng vẫn tốt hơn. Tất nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, mỗi lần đổi nhà chị cũng có lời lãi chút ít.
Theo Thể Thao Văn Hóa