1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Mê mẩn với những bức vẽ Hà Nội đẹp hơn ảnh chụp trong “Lặng phố”

(Dân trí) - Những người đi ngang Hà Nội hay chất chứa trong tim những kỉ niệm về Hà Nội sẽ thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất này khi cầm trên tay ấn phẩm nghệ thuật đan xen giữa hội hoạ và văn chương của hoạ sĩ Phạm Bình Chương và nhà văn trẻ Lê Nguyễn Nhật Linh.

Những khung cửa sổ cũ của khu tập thể với bóng nắng xiên ngang, nhịp sống chảy trôi dưới gầm cầu, con ngõ nhỏ ngày mưa trong lòng phố… là những hình ảnh mà người xem bắt gặp khi lật giở những trang của ấn phẩm nghệ thuật đặc biệt mang tên “Lặng phố”.

Qua hình ảnh bước chân của những người gánh hàng rong trên phố, những cầu thang cũ ở Hà Nội, những cái cây, những bóng lá trên đường… người xem như thấy được chuyển động của cả một đời người.

“Lặng phố” là sự kết hợp lần đầu tiên giữa thế hệ cầm cọ 7X và cây bút 9X, cũng là đan xen giữa văn chương duy mỹ và hội hoạ trường phái hiện thực của tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh và hoạ sĩ Phạm Bình Chương.

Bìa ấn phẩm với gam màu dung dị về một Hà Nội bình yên do hoạ sĩ Phạm Bình Chương vẽ nên.
Bìa ấn phẩm với gam màu dung dị về một Hà Nội bình yên do hoạ sĩ Phạm Bình Chương vẽ nên.

Tại buổi giới thiệu ấn phẩm đặc biệt này, Lê Nguyễn Nhật Linh chia sẻ, đây là một phiên bản in đặc biệt giới hạn, không bán trên thị trường, có ý nghĩa như một món quà mà cô và hoạ sĩ Phạm Bình Chương đã cùng nhau làm nên để dành tặng những người yêu Hà Nội.

“Cuốn sách như một sự để dành của Linh, của anh Chương. Linh muốn người xem có thể thong dong đọc và cảm nhận vài tháng, thậm chí vài năm hoặc nhiều năm sau mở ra... đọc tiếp”, Nhật Linh chia sẻ.

“Những bức tranh của anh Chương đẹp hơn ảnh chụp, trong tranh có tình, chính vì vậy mà khi bắt gặp những bức vẽ của anh, Linh đã nảy ra ý tưởng muốn ghi lại những dòng chữ giống như tranh vẽ”, Nhật Linh bày tỏ.

“Ban đầu, tôi vô cùng ngạc nhiên khi Linh nhắn tin qua facebook nói rằng muốn làm chung một ấn phẩm đặc biệt về Hà Nội. Tôi nhìn qua trang cá nhân và thấy đây là một cô nhà văn trẻ, lĩnh vực cô đang theo không liên quan đến mình nhiều.

Thú thực, tôi cũng có chút lo lắng rằng tranh của mình sẽ trở thành minh hoạ cho văn, tôi không hình dung ra cách làm. Tuy nhiên sau đó tôi có gặp một vài người bạn và mọi người nói rằng, “cũng hay đấy” và đây là một sự kết hợp khá mới lạ nên tôi quyết định… “liều”, hoạ sĩ Phạm Bình Chương cho biết.

Tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh và hoạ sĩ Phạm Bình Chương chia sẻ về ấn phẩm đặc biệt: Trong tranh có tình. Trong chữ có tranh.
Tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh và hoạ sĩ Phạm Bình Chương chia sẻ về ấn phẩm đặc biệt: "Trong tranh có tình. Trong chữ có tranh".

Và chính cái sự “liều” ấy lại mang đến cho anh rất nhiều cảm xúc sau này. Nếu như để ý kĩ, người xem sẽ thấy bên cạnh những bức tranh được vẽ từ khá lâu trước đó thì có một bức tranh mới được vẽ vào năm 2017.

“Tôi cảm thấy rất hứng khởi khi nhà văn thế hệ 9X quan tâm đến Hà Nội xưa và chính điều đó cũng là cảm hứng để tôi thực hiện bức tranh mới. Một người bạn của tôi có nói rằng, xem tranh của Chương dung dị nhưng bức vẽ năm 2017 có phần dữ dội hơn. Bức 2017 thể hiện cảm xúc của tôi trước một Hà Nội đang có những thay đổi”, hoạ sĩ Bình Chương bày tỏ.

“Màu bìa cuốn sách có nền xanh dịu. Trong tranh của tôi, Hà Nội thường hiện lên với tone màu vàng, nhưng quan sát kĩ sẽ thấy Hà Nội có những góc phố màu xanh dịu bất chợt, rất bình yên. Gam màu đó cũng phù hợp với tên ấn phẩm là “Lặng phố” được Nhật Linh chọn ngay từ ban đầu nên được chọn làm bìa", hoạ sĩ Bình Chương tiết lộ.

Đọc “Lặng phố”, vừa ngắm tranh, độc giả cũng sẽ tĩnh lặng bên từng con chữ: “Hà Nội im ắng. Một chiều nắng rộp bỏng. Mấy nhánh cây cong, ít ỏi lá, chưa hoa. Thềm nhà đi qua. Chậm bước. Một gánh hàng rong. Hắt bóng. Vụt tan.

Mùa nóng rát. Có những ngày gió oi bức đến tức ngực. Trên phố hầm hập hơi lửa, mắt có lúc nhoè ảo ảnh con đường tách thành hai mảnh. Nhưng rồi, hạ lại dịu dàng tím trên những tán bằng lăng và đỏ nồng nàn trên những cành phượng vĩ. Mùa hạ rộn rã tiếng ve trở thành mùa ôn thi, mùa chia ly để bao nhiêu áo trắng lưu luyến giữa sân trường...

Mùa hạ, mưa rào ào một trận rồi lại tạnh bất ngờ. Mưa tinh khiết chen lẫn những nắng gắt. Mưa giọt ngọt từng hạt từ mái nhà. Mưa tròn lăn xuống từ phiến lá, mưa đọng trên đoá hồng hoa vườn nhà, mưa rơi nhìn ra từ cửa sổ thoáng gió, nhẹ nhàng pha nhâm nhi một tách trà và chậm chậm đọc một quyển sách”.

“Hà Nội còn có màu tím ngọt của bằng lăng giữa hạ, màu đỏ quạch của lá bàng đầu đông, màu cúc hoạ mi trắng xinh vào thu, và quất vàng thơm, đào hồng thắm xuân về”.

“Hà Nội mà tôi thấy ngày ngày tháng tháng đã từng và đương ở đây chưa bao giờ đơn màu lẻ sắc. Lúc nào cũng vậy, hoặc là màu sát màu tách rõ, hoặc là quyện đều lẫn trộn. Chẳng hạn, một buổi ban trưa giữa mùa hè. Nắng phết từng lớp trên nền tường vàng khô, đôi chỗ bong xước hở ra màu ghi nhạt của một ngôi nhà đã cổ, mái nhà cũ xưa xếp ngói nâu nâu trầm, cửa sổ gỗ sơn màu rêu sẫm khi đóng khi hở.

Những hàng dây điện đen đặc giăng ngang khi căng như kẻ khi thõng như sẽ rơi, hoa giấy rực hồng xanh lá leo giàn ở ban công, con đường sát vỉa hè lúc nào cũng đông thì màu xám đậm... Đấy là những nhà liền cạnh nhà làm nên các phố, là những màu sắc chen nối với nhau thành một khối, một vị Hà Nội. Để bất cứ ai đi qua, cũng nhìn vô thức, nhìn đến quen thuộc và quen lâu là nhớ rất sâu.”

Những người đi ngang Hà Nội hay chất chứa trong tim những kỉ niệm về Hà Nội sẽ thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất này khi cầm trên tay ấn phẩm nghệ thuật đan xen giữa hội hoạ và văn chương của hoạ sĩ Phạm Bình Chương và nhà văn trẻ Lê Nguyễn Nhật Linh. Một ấn phẩm mà "trong tranh có tình, trong chữ có tranh".

Những hình ảnh ngưng đọng cảm xúc về một Hà Nội bình yên trong "Lặng phố"

Mê mẩn với những bức vẽ Hà Nội đẹp hơn ảnh chụp trong “Lặng phố” - 3
Mê mẩn với những bức vẽ Hà Nội đẹp hơn ảnh chụp trong “Lặng phố” - 4
Mê mẩn với những bức vẽ Hà Nội đẹp hơn ảnh chụp trong “Lặng phố” - 5
Tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh sinh năm 1992 tại Hà Tĩnh. Cô từng xuất bản cuốn “Vị hôn”, “Nín đi con”, “Đến Nhật Bản học về cuộc đời”,…
Tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh sinh năm 1992 tại Hà Tĩnh. Cô từng xuất bản cuốn “Vị hôn”, “Nín đi con”, “Đến Nhật Bản học về cuộc đời”,…
Hoạ sĩ Phạm Bình Chương sinh năm 1973 tại Hà Nội, theo trường phái hiện thực. Anh tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật, từng là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, từng nhận được nhiều giải thưởng Hội họa Việt Nam trong các năm 1997 - 1999, nhiều giải thưởng uy tín của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bình Chương là Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ sỹ trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trưởng nhóm “Nhóm hiện thực” và từng tổ chức nhiều triển lãm cá nhân.
Hoạ sĩ Phạm Bình Chương sinh năm 1973 tại Hà Nội, theo trường phái hiện thực. Anh tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật, từng là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, từng nhận được nhiều giải thưởng Hội họa Việt Nam trong các năm 1997 - 1999, nhiều giải thưởng uy tín của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bình Chương là Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ sỹ trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trưởng nhóm “Nhóm hiện thực” và từng tổ chức nhiều triển lãm cá nhân.

Phương Nhung